|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dragon Capital: ‘NĐT nước ngoài không có cổ phiếu để đầu tư, cổ phiếu hết room định giá cực kì thấp’

12:18 | 08/05/2019
Chia sẻ
Dẫn chứng thêm về nhận định này, theo đại diện Dragon Capital cho biết Top20 công ty trên TTCK có P/E khoảng 20 lần, trong khi đó các công ty còn lại được định giá khoảng 9,5 lần. Sự bất cân đối này dẫn đến công ty đầu ngành, công ty tốt, công ty hết phần nước ngoài được mua được định giá cực kì thấp.

Nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào Việt Nam rất khó, không có cổ phiếu để đầu tư

Sáng nay (8/5), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Nhóm Công tác Thị trường Vốn - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức Hội thảo "Tăng cường việc tiếp cận thị trường vốn Việt Nam".

Tại sự kiện, ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc đầu tư quỹ Dragon Capital trình bày về những khuyến nghị tăng cường khả năng tiếp cận cho nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) ở thị trường vốn Việt Nam.

Dragon Capital: ‘NĐT nước ngoài không có cổ phiếu để đầu tư, cổ phiếu hết room định giá cực kì thấp’ - Ảnh 1.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó TGĐ đầu tư quỹ Dragon Capital trình bày tại hội thảo. Ảnh: Hoàng Linh

TTCK chưa được quan tâm bằng thị trường ngân hàng. Cụ thể, vốn hóa thị trường chứng khoán khoảng 170 tỉ USD, trong khi tổng dư nợ tín dụng là 310 tỉ USD. TTCK tạo vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, trong khi thị trường ngân hàng cung cấp vốn đi vay.  

Thống kê trên HNX và HOSE, tổng vốn hóa của thị trường đạt khoảng 145 tỉ USD cuối tháng 3, tổng vốn hóa cho NĐTNN theo luật khoảng 72 tỉ USD, tương đương 49% vốn điều lệ. Tuy nhiên, sau khi trừ đi free-float, giá trị NĐTNN thực sự được mua tối đa khoảng 53 tỉ USD, hiện đang sở hữu 35 tỉ USD. Room còn lại của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 18 tỉ USD. Con số này nhìn sơ qua thì không nhỏ.

Tuy nhiên, trong số 18 tỉ USD đó, khoảng 40% là nhóm cổ phiếu Vingroup (7,2 tỉ USD), PV Power (0,5 tỉ USD), NVL (0,6 tỉ USD), Vinamilk (1 tỉ USD). Như vậy, 751 cổ phiếu còn lại chiếm 50% tương đương 8,5 tỉ USD. Trung bình là 11 triệu USD/công ty. Điều này có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào Việt Nam rất khó, không có cổ phiếu để đầu tư, dẫn đến sự bất cân đối về giá. Top20 công ty trên TTCK có P/E khoảng 20 lần, trong khi đó các công ty còn lại được định giá khoảng 9,5 lần. Sự bất cân đối này dẫn đến công ty đầu ngành, công ty tốt, công ty hết phần nước ngoài được mua được định giá cực kì thấp, đại diện Dragon Capital đánh giá.

Dragon Capital 'hiến kế' gì?

Từ thực tế về thị trường chứng khoán Việt Nam, Dragon Capital đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến độ rộng và độ sâu của thị trường, công bằng về thông tin và khung pháp lý hoàn thiện, không chồng chéo.

Nhấn mạnh về độ sâu của thị trường, theo Phó TGĐ Dragon Capital, các nước trên thế giới hầu hết đã mở cửa như quy định NĐTNN sở hữu tối đa 100% ở Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan... 

Đối với Nhật Bản và Malaysia là những giải pháp tình huống, còn Thái Lan, thị trường mang tính toàn diện, đại diện Dragon Capital đánh giá.

Dragon Capital: ‘NĐT nước ngoài không có cổ phiếu để đầu tư, cổ phiếu hết room định giá cực kì thấp’ - Ảnh 2.

Nguồn: Dragon Captial

Nghiên cứu về mô hình Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) của Thái Lan, đại điện Dragon Capital cho biết thêm, từ khi sản phẩm được đưa vào vận hành năm 2000 chưa có tranh chấp nào với NĐTNN. Bên cạnh đó, NVDR không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và quyền kiểm soát của công ty. Đáng chú ý, nhiều NĐT NN không mua cổ phiếu có quyền biểu quyết khi chưa hết room mà mua NVDR.

Bên cạnh mô hình NVDR của Thái Lan, sản phẩm FOL của Malaysia và Nhật Bản cũng được đại diện Dragon Capital giới thiệu tại hội thảo.

Dragon Capital: ‘NĐT nước ngoài không có cổ phiếu để đầu tư, cổ phiếu hết room định giá cực kì thấp’ - Ảnh 3.

Đánh giá mô hình các sản phẩm tại các quốc gia Thái Lan, Nhật Bản và Malaysia. Nguồn: Dragon Capital

Kết thúc phần trình bày, ông Lê Anh Tuấn đưa ra một số đề xuất:

Thứ nhất, Dùng NVDR Thái Lan làm cơ sở để hiệu chỉnh cho phù hợp với điều lệ tại Việt Nam và tạo ra các sản phẩm NVDP Việt Nam.

Thứ hai, thí điểm ở 1 vài công ty đã hết room và có quản trị doanh nghiệp tốt.

Thứ ba, trong giai đoạn 1, phát hành tối đa 15% NVDR.

Mục tiêu của những đề xuất này là tăng tỉ lệ huy động vốn qua thị trường, vốn hóa thị trường/GDP đạt 100% vào năm 2020 và 125% vào năm 2025, nâng hạng thị trường và phù hợp với đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025.

Hoàng Linh