Phó Chủ tịch UBCKNN: Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm sẽ tương đối tốt
Thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm được dự báo tương đối tốt
Tại buổi họp báo "Triển khai chứng quyền có bảo đảm" sáng 24/6, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), 6 tháng đầu năm thị trường chứng khoán diễn biến khá tốt dù có những phiên điều chỉnh.
Về diễn biến chỉ số, VN-Index tăng 6% so với so với cuối năm 2018; HNX giảm 0,6%. Vốn hóa thị trường ở mức 4,31 triệu tỉ đồng, tăng hơn 8,8% và tương đương 77,9% GDP 2018. Tuy nhiên, quy mô giao dịch giảm với giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 4.400 tỉ đồng, giảm 31,7% so với cuối năm 2018.
Đối với thị trường trái phiếu, có 532 mã trái phiếu được niêm yết với giá trị 1.120 nghìn tỉ đồng, giảm 0,1% và tương đương 20,2% GDP 2018.
Ông Sơn cho biết, trong 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán phái sinh có mức tăng trưởng tương đối tốt với khối lượng giao dịch bình quân trên 106.000 hợp đồng/phiên, tăng 35% trong 2018.Khối lượng tài khoản phái sinh tăng 26% và đạt gần 73.000 tài khoản.
Toàn bộ thị trường huy động được 147,2 nghìn tỉ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Với hoạt động đấu giá, cả hai sở tổ chức được 25 phiên thu về 3.915 tỉ đồng.
Tính đến đầu tháng 6, có hơn 22,7 triệu tài khoản được giao dịch, tăng 4%. Khối ngoại vẫn mua ròng trên 10.000 tỉ đồng.
Nhận định thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm, ông Sơn cho rằng, với các yếu tố tác động từ thế giới, vĩ mô trong nước ổn định, quan điểm Chính Phủ là kiên định với chính sách tiền tệ linh hoạt thì diễn biến thị trường sẽ theo chiều hướng tương đối tốt.
Đưa ra các giải pháp cho trong thời gian tới, ông Sơn cho biết, UBCKNN sẽ tập trung vào luật chứng khoán sửa đổi. Trong quá trình soạn thảo dự thảo luật, sẽ mời nhiều chuyên gia trong và ngoài nước ở các thị trường phát triển có ý kiến để đưa ra nội dung thảo luận.
Theo kế hoạch, trong tháng 10, UBCKNN sẽ thông qua dự thảo lần này. Kèm theo đó là các nghị định, văn bản hướng dẫn cũng phải hoàn thành trong 2019.
Ngoài ra, UBCKNN cũng sẽ đánh giá lại tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn. Năm 2018 và đầu năm 2019 tiến độ này đang chậm. Ông Sơn cho biết, có doanh nghiệp đã cổ phần hóa được 3-4 năm vẫn không lên sàn nhưng xin phát hành cổ phiếu, UBCKNN không đồng ý, quan điểm chung là phải minh bạch hoạt động.
Ông Sơn cũng cho biết ngày niêm yết và giao dịch đầu tiên sản phẩm mới Covered Warrant (CW - Chứng quyền có bảo đảm) là 28/6, nằm trong lộ trình phát triển thị trường chứng khoán đến 2020, tầm nhìn 2025. Sau CW, thị trường dự kiến sẽ có sản phẩm tiếp theo.
Buổi họp báo "Triển khai chứng quyền có bảo đảm" sáng 24/6. (ảnh: TH)
39% khối lượng chứng quyền chào bán thành công
Liên quan kết quả chào bán chứng quyền mới đây của các công ty chứng khoán, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh cho biết, việc lựa chọn các đơn vị phát hành cũng như các mã chứng khoán cơ sở được thực hiện khắt khe. Hiện có 16 công ty chứng khoán đủ điều kiện phát hành và 26 mã cổ phiếu đủ tiêu chí làm chứng khoán cơ sở
UBCKNN đã nhận được 16 bộ hồ sơ phát hành CW của 8 công ty chứng khoán. Tổng số CW của 16 bộ hồ sơ là 28,9 triệu, tương ứng với tổng giá trị tối đa 104 tỉ đồng.
Trong đó, 10 bộ hồ sơ đầu tiên đã có báo cáo kết quả chào bán với khối lượng thành công 8,6 triệu CW, tương đương 39,37% tổng số chứng quyền được chào bán. Tổng giá trị phân phối đợt đầu là 15,1 tỷ đồng. Trong đó có 4 mã bán hết 100% nhưng cũng có sản phẩm không bán được chứng quyền nào.
Ông Hải cho biết, khối lượng chào bán được trong đợt này không quá quan trọng, có công ty chưa kịp điều chỉnh nên giá thực hiện khá cao.
Trả lời báo giới về tỷ lệ biến động của CW, bà Nguyễn Thị Việt Hà, thành viên Hội đồng quản trị chuyên trách HOSE cho biết, việc chọn chứng khoán cơ sở cho sản phẩm CW chỉ nằm trong rổ VN30 bởi rổ này tập trung cổ phiếu có thanh khoản tốt, có giá trị vốn hóa cao.
Khi triển khai sản phẩm hợp đồng tương lai và bây giờ là CW đều lựa chọn chứng khoán trong rổ này. Để hạn chế tác động giao dịch CW lên chỉ số VN30 và ngược lại, UBCK đã đưa ra hạn mức.
Với 6 chứng khoán cơ sở được lựa chọn cho 10 CW phát hành đợt đầu tiên thì hạn mức chào bán dừng lại ở cổ phiếu FPT hạn mức chào bán 10% thì lượng CW phát hành chỉ đạt 1,87%, cổ phiếu MWG lượng CW phát hành chiếm 3,06%... tức hiện lượng phát hành CW của các công ty chứng khoán với các chứng khoán cơ sở dừng lại ở mức độ thấp và tác động lên chỉ số VN30 và ngược lại ở mức không đáng kể.
Bà Hà cho biết, một đặc điểm của CW chỉ được thanh toán một lần vào ngày đáo hạn. Trong suốt vòng đời của sản phẩm được giao dịch mua bán trên thị trường mà chưa chốt lời chốt lỗ.
Việc chốt lời lỗ chỉ được thực hiện vào thời điểm đáo hạn và sẽ dựa vào giá cả ở thời điểm này. Tuy nhiên ở thời điểm đáo hạn có quy định một biện pháp có thể hạn chế thao túng giá của cổ phiếu cơ sở dẫn đến thao túng lời lỗ của nhà đầu tư, đó là giá thanh toán của chứng khoán cơ sở là giá bình quân của 5 phiên giao dịch liền trước thời điểm đáo hạn, theo đó hạn chế tác động lên giá thanh toán của CW.
Ngoài ra, khi công ty chứng khoán phát hành CW thì phải giao dịch chứng khoán cơ sở để thực hiện phòng ngừa rủi ro. Việc giao dịch này có thể tác động ngược lại tới giá chứng khoán cơ sở theo đó tác động lên chỉ số chứng khoán.
Nếu toàn bộ khối lượng được phân phối thì khối lượng chứng khoán cơ sở mà công ty chứng khoán phải mua bán vào chiếm từ 2,1% đến 6% giá trị giao dịch của các chứng khoán cơ sở đó.