Philippines “xoay trục” sang Trung Quốc?
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: The NYT |
Sau hai năm làm việc ở Ảrập Saudi, hồi tháng 9 vừa qua, anh Arman Abelarde thu xếp hành lý trở về nhà ở Philippines, gia nhập cuộc di tản khổng lồ của những người công nhân nước ngoài từng là nguồn lao động chính của vương quốc dầu mỏ này nói riêng, của cả vùng Vịnh Ba Tư nói chung trong hơn nửa thế kỷ qua.
Công ty mà Abelarde làm việc ở Riyadh, thủ đô Ảrập Saudi, cũng như nhiều doanh nghiệp khác của vương quốc, buộc phải sa thải công nhân do các hợp đồng xây dựng của chính phủ không còn nữa, Ảrập Saudi đang phải thực hiện “thắt lưng buộc bụng” để ứng phó với tình trạng giá dầu mỏ giảm liên tục mấy năm qua. Thêm vào đó, chính sách của Riyadh đòi các công ty phải gia tăng tỷ lệ người bản xứ trong lực lượng lao động cũng góp phần đẩy hàng trăm ngàn công nhân nước ngoài như Abelarde vào tình trạng mất việc (xem bài “Kinh tế Ảrập Saudi vật vã thoát dầu”). “Tôi không bao giờ tưởng tượng nổi sẽ có ngày Ảrập Saudi có thể suy sụp. Không còn dự án nào nữa. Các doanh nghiệp quanh chỗ tôi làm đều đóng cửa”, anh Abelarde, 47 tuổi, hiện làm thợ quét vôi ở Manila, chua chát.
Kinh tế Philippines gặp khó
Đối với nhiều thế hệ người Philippines, Ảrập Saudi là miền đất hứa, nơi những đồng tiền sinh ra từ dầu mỏ thừa đủ để trợ giá cho các nhu yếu phẩm và dịch vụ thiết yếu cho người dân và tài trợ những dự án xây dựng khổng lồ. Điều đó đặc biệt đúng khi giá dầu mỏ dao động ở mức cao, từ 100-140 đô la Mỹ mỗi thùng những năm trước đây. Nhưng khi giá dầu rớt xuống dưới 50 đô la Mỹ/thùng trong vài năm gần đây thì chính quyền Riyadh buộc phải cắt giảm mạnh chi tiêu và xây dựng.
Philippines là nước bị tác động nặng nề nhất. Năm 2014 có 1,4 triệu người Philippines đi “xuất khẩu lao động” làm đủ mọi nghề, từ giúp việc nhà đến bán hàng và thợ xây; trong số này có gần 1 triệu người đi tới các nước vùng Vịnh, riêng Ảrập Saudi là hơn 400.000 người. Những lao động xa nhà này mỗi năm gửi về nước một lượng kiều hối tương đương 10% GDP của quốc gia. “Philippines có phần quá lệ thuộc vào công ăn việc làm ở Trung Đông. Giờ đây khu vực đó đang gặp khó, không thể hấp thụ nhiều lao động như trước và triển vọng kiều hối cũng đang giảm mạnh”, Emilio Neri, chuyên viên Ngân hàng Bank of the Philippine Islands ở Manila, nhận định.
Theo Bộ Ngoại giao Philippines, từ đầu năm đến nay đã có 8.000 người Phi mất việc ở Ảrập Saudi, chắc chắn tác động đến nguồn kiều hối của quốc gia. Thêm vào đó, thị trường thuyền viên trên tàu biển (seafarer) - tàu đánh cá và tàu du lịch - cũng giảm mạnh. Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của chính phủ cho biết, người Phi đóng góp khoảng 25% trong số 1,5 triệu thuyền viên toàn thế giới và trong bảy tháng đầu năm nay nhu cầu tuyển dụng thuyền viên đã giảm 44% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết hợp các yếu tố trên, Ngân hàng Thế giới dự báo, lượng kiều hối đổ về Philippines năm nay chỉ vào khoảng 29 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,2% so với năm ngoái nhưng là mức tăng thấp nhất trong một thập niên qua. Frederic Neumann, Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của Ngân hàng HSBC tại Hồng Kông, cũng đồng ý như vậy: “Kiều hối đã trở nên ngày càng thất thường. Giá dầu thấp bóp chặt nguồn kiều hối từ Trung Đông - vốn là nguồn chính - trong khi vận tải biển trì trệ cũng làm teo tóp dòng tiền gửi về từ các thủy thủ”.
Trong nước, nền kinh tế Philippines đang chứng kiến cơn suy giảm trầm trọng kể từ khi ông Rodrigo Duterte lên cầm quyền và phát động chiến dịch bài trừ ma túy hết sức tàn nhẫn, đã có hơn 3.500 người nghiện ma túy lẫn người buôn bán ma túy bị giết ngay trên đường phố mà không qua xét xử. Chiến dịch này không chỉ gây phẫn nộ trong giới hoạt động nhân quyền, lãnh đạo các nước và tổ chức như Liên hiệp quốc, Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... mà còn xói mòn lòng tin của giới kinh doanh và đầu tư. Tháng trước, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Manila cảnh báo, hình ảnh của Philippines trong giới kinh doanh đang xấu đi và một dòng vốn chảy ra bên ngoài đang ngày càng tăng tốc.
Theo Bloomberg, xuất khẩu - nguồn cung ngoại tệ lớn nhất của Philippines - đã giảm liên tục 17 tháng qua; tỷ giá đồng peso hiện ở mức thấp nhất trong bảy năm, còn thị trường chứng khoán đã giảm 5,6% trong vòng ba tháng kể từ khi ông Duterte lên làm tổng thống.
Đối mặt với những khó khăn kinh tế như vậy, ông Duterte đã chọn chiến thuật “xoay trục”: tách ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ và trở thành “bạn thân” với Trung Quốc, cho dù điều đó có thể gây nguy hiểm cho an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Philippines cũng như làm thay đổi sự cân bằng quyền lực ở Đông Nam Á.
Kỳ vọng vào đồng nhân dân tệ
Tổng thống Rodrigo Duterte - đang có chuyến viếng thăm cấp nhà nước đến Bắc Kinh từ ngày 18 đến 21-10, chuyến công du ra ngoài khu vực ASEAN đầu tiên của ông với tư cách tổng thống - không giấu giếm ý định cầu thân với Trung Quốc để vực dậy nền kinh tế trong nước. Ngay trước khi lên đường sang Bắc Kinh, trả lời phỏng vấn của Tân Hoa Xã, Trung Quốc - ông mạnh mẽ lên án “thói keo kiệt bủn xỉn” của Washington và tuyên bố “chỉ có Trung Quốc giúp chúng tôi”, theo trích dẫn trên tờ The New York Times. Một doanh nhân Trung Quốc đã tài trợ xây dựng một trung tâm cai nghiện ma túy lớn, sắp mở cửa vào tháng tới và ông Duterte coi đó là một biểu hiện của tình hữu nghị với Trung Quốc.
Tháp tùng ông Duterte đến Bắc Kinh hôm nay có hàng trăm nhà lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có những nhà tài phiệt hàng đầu Philippines, với hy vọng thu hút hàng chục tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư từ Trung Quốc, chủ yếu vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, viễn thông và năng lượng. Ông Duterte bày tỏ rằng ông muốn Trung Quốc giúp đỡ xây dựng đường sắt ở Mindanao quê hương ông, đường sắt nối Mindanao với thủ đô Manila. Các doanh nghiệp Philippines cũng muốn Bắc Kinh bãi bỏ chính sách cấm nhập khẩu hàng chục loại rau quả, đặc biệt là chuối, từ Philippines mà Trung Quốc áp đặt suốt bốn năm qua để trả đũa việc Manila kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực quốc tế (PCA) năm 2013.
“Ông Duterte hy vọng có thể tìm kiếm nguồn tiền hàng tỉ đô la Mỹ đầu tư để giải quyết cuộc khủng hoảng cơ sở hạ tầng trước mắt. Ông ấy thấy Trung Quốc như nguồn đầu tư có khả năng giải quyết được bài toán đó” - ông Nick Bisley, Giáo sư quan hệ quốc tế Đại học La Trobe Melbourne (Úc), nhận định và cho rằng ông Duterte là một chính trị gia thực dụng, có những mục tiêu rõ ràng.
Vướng mắc còn lại
Tuy nhiên, ông Duterte có đạt được các mục tiêu đó trong cuộc mặc cả với Bắc Kinh hay không là điều khẳng định được vì giữa hai bên vẫn còn nhiều bất đồng liên quan tới vai trò của Trung Quốc trong tệ nạn ma túy ở Philippines, tranh chấp biển Đông, đặc biệt là quyền tài nguyên ở bãi cạn Scarborough bị Trung Quốc chiếm từ tay Philippines năm 2012 và phán quyết của tòa PCA tháng 7 vừa qua.
Tổng thống Duterte nhiều lần nói rằng, ông muốn gác sang một bên tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc nhưng ông cũng mạnh mẽ khẳng định Scarborough thuộc về Philippines, và đích thân ông sẽ lái tàu trượt nước (jet-ski) tới cắm cờ trên bãi cạn đó. Phía Trung Quốc thì nhiều lần bác bỏ phán quyết của PCA, không cho phép ngư dân Philippines bén mảng tới Scarborough và có kế hoạch bồi đắp bãi cạn này thành căn cứ quân sự như một số đảo ở Trường Sa. Trả lời báo chí, ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), Giám đốc Viện Nghiên cứu biển Đông (Trung Quốc gọi là Nam Hải) của Trung Quốc cho rằng, có thể Trung Quốc và Philippines sẽ thỏa thuận một giải pháp “trọn gói”, theo đó Philippines công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Scarborough - cách bờ biển Philippines 150 dặm - đổi lại Bắc Kinh sẽ cho ngư dân Philippines đánh cá ở quanh bãi cạn này.
Tưởng cần nhắc lại rằng, phán quyết của PCA hồi tháng 7-2016 công nhận quyền đánh cá của ngư dân Philippines tại Scarborough và hành vi ngăn cản của Trung Quốc là phi pháp. Nếu ông Duterte đi xa tới mức công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough thì vô hình trung, phán quyết của PCA trở thành vô giá trị và Trung Quốc sẽ có thêm động lực để yêu sách Philippines bãi bỏ quyền của quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ không quân trên đất nước này và khi đó, cân bằng sức mạnh ở biển Đông sẽ thay đổi đáng kể.
Theo Huỳnh Hoa