Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu Ấn Độ và Pakistan
Tờ Business Mirror của Philippines trích dẫn báo cáo ngũ cốc toàn cầu hàng tháng của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho biết, việc Philippines giảm thuế quan đối với gạo sẽ chỉ có lợi cho các nước như Ấn Độ và Pakistan vì họ đưa ra mức giá "cạnh tranh hơn".
Tháng trước, Philippines đã hạ thuế suất ưu đãi (MFN) đối với nhập khẩu gạo xuống 35% từ 40% đối với các lô hàng trong khối lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) và 50% đối với các lô hàng ngoài MAV. Điều này làm cân bằng mức thuế suất áp dụng đối với các lô hàng từ các nhà xuất khẩu gạo ASEAN và ngoài ASEAN.
Các quan chức Chính phủ Philippines cho biết, động thái này nhằm đa dạng hóa nguồn nhập khẩu gạo của Philippines trong bối cảnh giá gạo từ các nước láng giềng ASEAN tăng và các mối đe dọa của biến đổi khí hậu đối với sản xuất trong nước.
"Chính sách mới về thuế quan MFN có thể sẽ ít tác động hơn đến các nhà cung cấp ở Tây Bán cầu so với các nhà xuất khẩu ngoài ASEAN khác ở châu Á. Xuất khẩu từ Tây Bán cầu dự kiến sẽ vẫn bị hạn chế do giá cả, thuế quan và chi phí vận chuyển cao hơn giá nội địa của Philippines ", báo cáo của USDA cho biết.
"Các nước ngoài ASEAN, bao gồm cả Ấn Độ và Pakistan, có giá cả cạnh tranh hơn và thuế quan giảm sẽ khiến giá thấp hơn".
Tuy nhiên, USDA cũng cho rằng, các nhà xuất khẩu ngoài ASEAN, chẳng hạn như Ấn Độ và Pakistan, sẽ cần phải nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và xây dựng mối quan hệ kinh doanh ở Philippines nếu họ muốn tận dụng quyết định giảm thuế gạo của Manila.
Mặc dù Ấn Độ có tiềm năng mở rộng thị phần lớn nhất tại Philippines, USDA cho biết Việt Nam sẽ vẫn là nhà cung cấp gạo chính của nước này.
Với việc cắt giảm thuế quan, USDA đã nâng dự báo nhập khẩu gạo của Philippines trong năm nay lên 2,1 triệu tấn so với ước tính trước đó là 2 triệu tấn. Tuy nhiên, ước tính mới nhất của USDA vẫn thấp hơn 14,28% so với 2,45 triệu tấn gạo mà Philippines nhập khẩu vào năm ngoái.
Trong năm nay, USDA dự báo Philippines sẽ vẫn là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai thế giới trong năm thứ hai liên tiếp. Trong khi đó, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục là nhà nhập khẩu lương thực hàng đầu thế giới.
Cũng theo USDA, việc thay đổi thuế nhập khẩu của Philippines có khả năng thay đổi các nhà cung cấp của nước này.
Nhập khẩu gạo của Philippines giảm nhưng dự trữ vẫn ở mức cao
Về tình hình nhập khẩu gạo của Philippines, tờ Business Mirror cho biết nhập khẩu gạo của Philippines từ tháng 1 đến tháng 5 đã giảm 11,8% xuống 1,026 triệu tấn so với 1,163 triệu tấn của năm ngoái.
Dữ liệu của Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) do BusinessMirror thu thập và phân tích cho thấy khối lượng nhập khẩu gạo trong giai đoạn 5 tháng thấp hơn 137,1 nghìn tấn so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam vẫn là nguồn nhập khẩu hàng đầu của nước này khi chiếm 91% tổng sản lượng.
Tuy nhiên, nhập khẩu gạo từ Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 đã giảm 3,2% xuống 937,3 nghìn tấn so với 968,3 nghìn tấn được ghi nhận một năm trước.
Mặc dù lượng gạo nhập khẩu giảm nhưng tồn kho gạo của Philippin tính đến ngày 1 tháng 4 đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng là 2,444 triệu tấn, dựa trên dữ liệu mới nhất từ Cơ quan Thống kê Philippines (PSA).
Số liệu của PSA cho thấy, lượng gạo tồn kho đến ngày 1 tháng 4 cao hơn 3,2%, tương đương 77.000 tấn so với 2,367 triệu tấn được ghi nhận một năm trước.
Đồng thời, tồn kho gạo của Philippines cũng đã tăng 17,5% so với mức 2,080 triệu tấn của tháng trước đó.
Hơn một nửa trong số đó, khoảng 59,9% tổng lượng gạo tồn kho của Philippines tính đến ngày 1 tháng 4 được lưu trữ trong các hộ gia đình trong khi các kho thương mại/nhà bán buôn/bán lẻ chiếm 30,2%, còn lại 9,9% được lưu trữ trong các kho của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA).