|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 30/9: Khối ngoại duy trì bán ròng gần 180 tỷ đồng, tâm điểm xả HPG và VCB

17:13 | 30/09/2021
Chia sẻ
Trong phiên chốt NAV quý III, khối ngoại duy trì bán ròng gần 180 tỷ đồng tại HOSE nhưng quay lại mua ròng trên sàn HNX. Cổ phiếu HPG tiếp tục là mã bị bán ròng mạnh nhất toàn thị trường, theo sau là VCB, E1VFVN30.

Mặc dù ghi nhận giao dịch tích cực ngay từ những phút đầu, thanh khoản "hụt hơi" cộng hưởng với việc nhiều nhóm ngành hạ nhiệt trong phiên chiều là nguyên nhân khiến thị trường duy trì dao động trong biên độ hẹp và chưa thể bứt phá.

Kết phiên, VN-Index tăng 2,85 điểm (0,21%) lên 1.342,06 điểm, HNX-Index tăng 3,04 điểm (0,86%) lên 357,33 điểm, UPCoM-Index tăng 0,41% lên 96,35 điểm.

Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua với 591 mã tăng, 313 mã giảm và 202 mã đứng giá tham chiếu. Thanh khoản thị trường èo uột với hơn 655 triệu đơn vị cổ phiếu được mua bán, tương đương tổng giá trị giao dịch toàn thị trường chưa đến 19.000 tỷ đồng, giảm 13% so với phiên hôm trước. Thanh khoản sàn HOSE vỏn vẹn 15.167 tỷ đồng, tụt gần 30% so với giá trị trung bình một tháng trở lại đây.

Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị gần 180 tỷ đồng tương đương khối lượng rút ròng hơn 6,5 triệu đơn vị, tập trung ở thị trường cổ phiếu và chứng chỉ ETF nội.

Phiên 30/9: Khối ngoại duy trì bán ròng gần 180 tỷ đồng, tâm điểm xả mạnh HPG, VCB - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Cổ phiếu chịu áp lực bán ròng nhiều nhất vẫn là HPG của Tập đoàn Hòa Phát. Mã này bị tập trung bán ròng hơn 182 tỷ đồng, tương ứng hơn 3,4 triệu đơn vị cổ phiếu. Lực xả trên diện rộng khiến HPG đánh mất sắc xanh ở đầu phiên và quay đầu chỉnh nhẹ 0,75%.

Ngoài HPG là cổ phiếu duy nhất bị bán ròng trên 100 tỷ đồng, khối ngoại cũng duy trì rút vốn khỏi nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng như VCB (78 tỷ đồng), HDB (39,7 tỷ đồng), BID (15,8 tỷ đồng), MBB (14,9 tỷ đồng).

Một số cổ phiếu cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều là DPM (30,8 tỷ đồng), GEX (22,8 tỷ đồng), DBC (19,9 tỷ đồng),....Đối với giao dịch chứng chỉ quỹ, E1VFVN30 bất ngờ bị bán ròng hơn 2,1 triệu đơn vị hay 52 tỷ đồng.

Phiên 30/9: Khối ngoại duy trì bán ròng gần 180 tỷ đồng, tâm điểm xả mạnh HPG, VCB - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Trở lại chiều mua, cổ phiếu VNM của Vinamilk vẫn thu hút phần lớn giá trị mua ròng với 82,4 tỷ đồng, theo sau "ông lớn" MSN của Masan được mua ròng nhẹ hơn với 16,3 tỷ đồng.

Mặc dù bán ròng mạnh HPG, DPM, dòng vốn ngoại lại tìm đến các mã HSG (63,4 tỷ đồng) và DCM (35,7 tỷ đồng). Nhà đầu tư nước ngoài cũng rót vốn ròng vào bộ đôi VRE, VIC của "họ" Vingroup với giá trị lần lượt là 29,6 tỷ đồng và 26,3 tỷ đồng. Theo sau, nhóm này giải ngân mua ròng nhẹ hơn tại các mã như CTG, DGW, GAS, STB...

Trên sàn HNX, khối ngoại trở lại mua ròng 396 nghìn cổ phiếu sau hai phiên bán nhẹ, tương ứng với giá trị mua ròng gần 12 tỷ đồng.

Cụ thể, cổ phiếu THD của Thaiholdinsg tiếp tục được mua ròng nhiều nhất với 3,9 tỷ đồng. Nối tiếp, PVI cũng được rót ròng 3 tỷ đồng, theo sau bởi CEO và SHB được mua ròng lần lượt 2,2 tỷ và 1,6 tỷ đồng. Danh mục mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài còn có MBG, VCS, IDJ, TNG...

Chiều ngược lại, cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân là mã duy nhất bị bán ròng trên 1 tỷ đồng. Sau 3 phiên giảm điểm, cổ phiếu NVB quay đầu tăng nhẹ 0,37%. Cùng chiều, các mã được mua ròng nhẹ hơn còn có PVS, VNR, PGS, ACM...

Tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài tiếp đà bán ròng với giá trị ghi nhận gần 3 tỷ đồng. Như vậy nhóm này đã bán ròng tại UPCoM trong ba phiên liên tiếp.

Lực xả mạnh nhất thuộc về cổ phiếu QNS (Đường Quảng Ngãi) với giá trị hơn 4,5 tỷ đồng. Kế tiếp, các mã tập trung lực xả lớn còn có VEA (3,4 tỷ đồng), SIP (1,5 tỷ đồng), BSR (1,4 tỷ đồng).

Giao dịch tích cực hơn xuất hiện tại bộ đôi ACV (2 tỷ đồng) và VTP (1,3 tỷ đồng). Hai mã này đã ghi nhận giao dịch tích cực kể từ khi nền kinh tế dần được mở cửa trở lại. Theo sau, khối ngoại mua ròng nhẹ tại một số cổ phiếu như ABI (1 tỷ đồng), CLX (997 triệu đồng),...

Thảo Bùi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.