|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 28/1: Khối ngoại mua ròng tích cực trong phiên giao dịch cuối cùng năm Tân Sửu

16:53 | 28/01/2022
Chia sẻ
Trong phiên cuối của năm Âm lịch, giao dịch khối ngoại duy trì tích cực khi nhóm này mua ròng hơn 345 tỷ đồng trên toàn sàn. Tâm điểm hút vốn ngoại thuộc về nhóm ngân hàng, dịch vụ tài chính, trong khi cổ phiếu thép bị xả mạnh.

Như dự báo trước đó của nhiều công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán Việt Nam kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của năm Âm lịch bằng sắc xanh hy vọng.

Đóng cửa, VN-Index tăng 8,2 điểm (0,56%) lên 1.478,96 điểm, HNX-Index tăng 5,46 điểm (1,33%) đạt 416,73 điểm, UPCoM-Index tăng 0,96 điểm (0,88%) lên 109,69 điểm.

Nhóm ngân hàng trở lại trong phiên hôm nay với vai trò nâng đỡ. Loạt cổ phiếu nhóm này tăng giá mạnh như EIB, TPB, VPB, SHB, MBB, LPB. Thông tin kết quả kinh doanh năm 2021 của nhiều ngân hàng công bố mới đây cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt, tạo dư địa cho năm mới.

Phiên 28/1: Khối ngoại mua ròng tích cực trong phiên giao dịch cuối cùng năm Âm lịch - Ảnh 1.

Xu hướng giao dịch khối ngoại trong 30 phiên gần nhất. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trên sàn HOSE, khối ngoại tiếp đà mua ròng với giá trị 329 tỷ đồng trong phiên giao dịch cuối cùng trước Tết, tương đương hơn 11,1 triệu đơn vị. Nhóm này chủ yếu mua gom cổ phiếu dịch vụ tài chính, trong khi xả mạnh nhóm kim loại.

Phiên 28/1: Khối ngoại mua ròng tích cực trong phiên giao dịch cuối cùng năm Âm lịch - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu KBC của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc dẫn đầu danh sách hút vốn ngoại khi được mua ròng 113 tỷ đồng. Trước đó, vào ngày 24/1, nhóm quỹ Dragon Capital đã hoàn tất mua vào 500.000 cổ phiếu KBC để nâng sở hữu lên 7,02% vốn điều lệ.

Tương tự KBC, giao dịch mua ròng cũng được ghi nhận ở nhiều đại diện nhóm bất động sản, xây dựng như VRE (88,5 tỷ đồng), DXG (36,5 tỷ đồng), NLG (23,1 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, lực cầu ngoại còn xuất hiện ở nhóm dịch vụ tài chính, ngân hàng, trong đó lần lượt phải kể đến như STB (90,7 tỷ đồng), SSI (75,8 tỷ đồng), TPB (68 tỷ đồng), VND (47,6 tỷ đồng).

Phiên 28/1: Khối ngoại mua ròng tích cực trong phiên giao dịch cuối cùng năm Âm lịch - Ảnh 3.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát là dẫn đầu danh mục bị bán ròng với quy mô 223 tỷ đồng, tương đương khối lượng bán ròng gần 5,3 triệu đơn vị. Đây là mã bị xả ròng chủ yếu trong phiên.

Cùng chiều, giao dịch chốt lời cũng xuất hiện ở một số cổ phiếu bluechips như VIC (80,9 tỷ đồng), NVL (61,9 tỷ đồng), VNM (38,1 tỷ đồng), VCB (35 tỷ đồng). Một số mã cũng ghi nhận giao dịch cùng chiều với quy mô nhẹ hơn còn có E1VFVN30 (21,5 tỷ đồng), VPB (18,2 tỷ đồng), POW (11,5 tỷ đồng), HSG (9,6 tỷ đồng)...

Trên sàn HNX, khối ngoại rót ròng 10,1 tỷ đồng vào thị trường cổ phiếu, tương đương khối lượng 326.366 đơn vị trong phiên mua ròng thứ 3 liên tiếp.

Tại chiều mua, quy mô mua ròng lớn nhất xuất hiện ở cổ phiếu PVI của nhóm bảo hiểm với 5,1 tỷ đồng. Mã này đã được khối ngoại gom mua kể từ đầu tháng 1. Tương tự, lực cầu lần lượt tìm đến PLC (1,3 tỷ đồng), PVS (1,2 tỷ đồng), THD (1,2 tỷ đồng)...

Ngược lại, nhóm này rút ròng mạnh nhất khỏi VBC của Nhựa - Bao bì Vinh với 1,2 tỷ đồng. Theo sau, lực xả nhẹ hơn cũng xuất hiện ở các cổ phiếu NTP (269 triệu đồng), CDN (197 triệu đồng), CEO (165 triệu đồng),...

Tương tự, tại thị trường UPCoM, nhà đầu tư ngoại duy trì mua ròng nhẹ 5,5 tỷ đồng. Về khối lượng, nhóm này mua vào 174.932 đơn vị cổ phiếu.

Khối ngoại duy trì đà mua gom mã QNS của Đường Quảng Ngãi với quy mô hơn 2,2 tỷ đồng. Tương tự, dòng tiền cũng tìm đến CLX (1,2 tỷ đồng) trước khi mua ròng nhẹ hơn lần lượt MCM (905 triệu đồng), FOC (901 triệu đồng), VNB (871 triệu đồng)...

Ở chiều bán, lực bán ròng của khối ngoại tập trung chủ yếu ở cổ phiếu TTN (2,2 tỷ đồng) và là mã duy nhất bị bán ròng với giá trị 9 chữ số. Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số cổ phiếu như MCH, BSR, ACV, UDJ...

Thảo Bùi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.