Phiên 25/11: Khối ngoại nhanh tay chốt lời nhiều cổ phiếu lớn trong phiên VN-Index vượt 1.500 điểm
Bất chấp những pha rung lắc trong tiến trình đi lên, thị trường duy trì diễn biến tích cực phiên chiều với đà tăng giá mạnh của các cổ phiếu nhóm bất động sản.
Loạt cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc bứt phá trong phiên chiều lọt Top dẫn dắt thị trường như NVL, GVR, DIG, PDR, DXG. Bên cạnh đó, cổ phiếu ngân hàng cũng thu hẹp đà giảm qua đó ủng hộ cho xu hướng tăng của thị trường chung.
Đóng cửa, VN-Index tăng 11,94 điểm (0,8%) lên 1.500,81 điểm, HNX-Index tăng 4,09 điểm (0,9%) đạt 459,67 điểm, UPCoM-Index giảm 0,16 điểm (0,14%) còn 114,49 điểm.
Toàn thị trường ghi nhận 600 mã tăng, 451 mã giảm và 188 mã đứng giá tham chiếu. Khối lượng giao dịch đạt trên 1,23 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch hơn 37.476 tỷ đồng cho thấy dòng tiền vẫn đang duy trì ở mức cao.
Trên sàn HOSE, giao dịch khối ngoại tiếp nối xu hướng trong phiên trước khi bán ròng hơn 950 tỷ đồng, tương đương khối lượng 23,3 triệu đơn vị. Tâm điểm chốt lời vẫn tập trung ở nhóm kim loại, dịch vụ tài chính, bất động sản.
Về giá trị cụ thể, nhóm này tiếp đà bán ròng mạnh nhất cổ phiếu VPB của VPBank với quy mô 346 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với phiên trước đó. Mặc dù chịu lực xả lớn từ khối ngoại, cổ phiếu VPB vẫn là sắc xanh hiếm hoi trong nhóm ngân hàng với mức tăng 1,88%, đóng cửa ở 38.000 đồng/cp.
Nối tiếp, khối ngoại vẫn chưa dừng lực xả ở nhóm thép khi bán ròng 195 tỷ đồng cổ phiếu HPG của Hòa Phát. Sau giai đoạn điều chỉnh, cổ phiếu nhóm này đồng loạt chuyển biến tích cực trong phiên 25/11.Theo sau, lực xả cũng tập trung ở MSN (144 tỷ đồng).
Là nhóm đóng góp lớn nhất cho đà bứt phá vượt 1.500 điểm của VN-Index, cổ phiếu nhóm bất động sản tiếp tục góp mặt trong 10 mã bị bán ròng nhiều nhất với các đại diện TCH (108 tỷ đồng), VHM (93,4 tỷ đồng), DXG (91,4 tỷ đồng), VIC (73,2 tỷ đồng), NVL (24,9 tỷ đồng)....
Trở lại bên mua, tâm điểm hút vốn ngoại được vẫn duy trì ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, STB của Sacombank tiếp tục dẫn đầu chiều mua ròng với 72,6 tỷ đồng, theo sau bởi CTG (57,5 tỷ đồng), VCB (57,4 tỷ đồng), OCB (36 tỷ đồng).
Giao dịch tích cực ở nhóm này trong những phiên gần đây xuất hiện sau khi nhiều ngân hàng được cấp thêm chỉ tiêu tín dụng trong quý IV/2021, mở ra dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, lực cầu ngoại cũng rót ròng dưới 50 tỷ đồng vào một số cổ phiếu như KBC (47,5 tỷ đồng), VHC (39 tỷ đồng), DHC (38,3 tỷ đồng), DGC (33,2 tỷ đồng)...
Tại sàn HNX, xu hướng rút ròng được đẩy mạnh khi khối ngoại bán ròng 21,9 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với phiên liền trước. Về khối lượng, nhóm này rút ròng 487.984 đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O có phiên thứ 5 liên tiếp dẫn đầu chiều bán ròng với quy mô hơn 20 tỷ đồng trong phiên tăng trần thứ hai.
Bên cạnh đó, khối ngoại cũng tập trung bán ròng 5,7 tỷ đồng cổ phiếu THD của Thaiholdings, theo sau bởi một số mã chịu lực xả nhẹ hơn như NVB (4,7 tỷ đồng), API (2,6 tỷ đồng), ART (1,1 tỷ đồng)...
Ngược lại, ở chiều mua, dòng tiền ngoại vẫn mua gom nhiều nhất cổ phiếu SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (8 tỷ đồng). Kế tiếp, nhà đầu tư nước ngoài mua gom nhẹ hơn cổ phiếu BVS (1,3 tỷ đồng), VCS (1,1 tỷ đồng), TDH (1,1 tỷ đồng)...
Thị trường UPCoM tiếp tục duy trì trạng thái tích cực hơn so với phần còn lại của thị trường khi nhà đầu tư ngoại có phiên mua gom hơn 38,5 tỷ đồng, tương đương 420.001 đơn vị cổ phiếu.
Xét giao dịch ở chiều mua, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi vẫn thu hút phần lớn lực cầu khi được mua ròng hơn 20,3 tỷ đồng. Nhóm này cũng tập trung rót vốn vào cổ phiếu NTC của Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên (9,7 tỷ đồng), theo sau bởi CTR (8,2 tỷ đồng), IDP (2,6 tỷ đồng), VTP (1,8 tỷ đồng),...
Trái lại, tại chiều bán, khối ngoại gia tăng hoạt động rút vốn ròng khỏi hai cổ phiếu là LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (10,4 tỷ đồng) và TTN của CTCP Công nghệ và Truyền thông Việt Nam (2,2 tỷ đồng). Nhóm này cũng bán ròng dưới 1 tỷ đồng các mã BSR, MSR, ACV, BVB...