|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 23/7: VN-Index mất mốc 1.270 điểm, khối ngoại bán ròng hàng loạt cổ phiếu

16:30 | 23/07/2021
Chia sẻ
Áp lực xả hàng trong phiên ATC khiến chỉ số mất đi mốc 1.270 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất trong phiên. Khối ngoại tiếp đà bán ròng hàng loạt cổ phiếu, nhưng lại mua ròng hơn 4,5 triệu đơn vị MSB.

Đà lao dốc cuối phiên của VN-Index dường như xóa bỏ hết các nỗ lực tăng điểm trong phiên trước đó. Áp lực xả hàng trong phiên ATC khiến chỉ số mất mốc 1.270 điểm và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Kết phiên, VN-Index giảm 24,84 điểm (1,92%) còn 1.268,83 điểm, HNX-Index giảm 1,37% xuống 301,77 điểm và UPCoM-Index lùi 1,4% về 84,37 điểm. Sàn HOSE ghi nhận 282 mã giảm, 97 mã tăng và 38 mã đứng giá tham chiếu.

Trên sàn HOSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 5 liên tiếp với giá trị giảm 61% so với phiên trước đó, ở mức 204,16 tỷ đồng tương ứng với khối lượng 3.969.200 cổ phiếu.

Phiên 23/7: Khối ngoại bán ròng hàng loạt cổ phiếu trước phiên giảm mạnh  - Ảnh 1.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Cổ phiếu VIC của Vingroup tiếp tục bị xả ròng nhiều nhất 187,8 tỷ đồng, đánh dấu chuỗi bán ròng kéo dài ba phiên. Tương tự những phiên trước, giao dịch được thực hiện chủ yếu qua kênh thỏa thuận khi sàn HOSE ghi nhận giá trị trao tay 209 tỷ đồng mã VIC, hay 1.908.596 đơn vị cổ phiếu. Khối ngoại cũng xả ròng nhẹ 14,4 tỷ đồng mã VHM của Vinhomes sau phiên mua ròng 36,4 tỷ đồng hôm qua.

Lực xả duy trì tại KDH khiến mã này bị xả ròng 74,8 tỷ đồng, tuy đã giảm 42% so với giao dịch trong phiên 22/7. Theo sau, khối ngoại rút ròng khoảng 40 tỷ đồng các mã HPG của Hòa Phát, STB của Sacombank và SSI của Chứng khoán SSI.

Cùng thuộc nhóm thép, HSG cũng bị bán ròng 36,0 tỷ đồng, tương ứng hơn 1 triệu đơn vị. Dòng vốn ngoại cũng rút khỏi các mã PTB (33,8 tỷ đồng), SAB (27,4 tỷ đồng), KBC (16,1 tỷ đồng).

Phiên 23/7: Khối ngoại bán ròng hàng loạt cổ phiếu trước phiên giảm mạnh  - Ảnh 2.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp.

Sau phiên bị xả ròng 92 tỷ, khối ngoại bất ngờ mua ròng trở lại gần 4,5 triệu cổ phiếu MSB, tương đương giá trị 129,3 tỷ đồng. Đóng cửa, MSB tăng nhẹ 0,54% lên mức 28.150 đồng/cp, là sắc xanh hiếm hoi trong nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Cổ phiếu VNM của Vinamilk tiếp tục được mua ròng với lực mua gấp 2 lần phiên liền trước, ở mức 106,8 tỷ đồng. Cùng với MSB, đây là 2 mã duy nhất ghi nhận lực mua trên 100 tỷ đồng.

Cùng chiều, khối ngoại vào ròng 78,1 tỷ đồng mã DGC cùng một số mã như NLG (31,4 tỷ đồng), VCB (23,3 tỷ đồng), FUEVFVND (13,2 tỷ đồng). Lực mua cũng tìm đến các mã HDB, VJC, FRT, BVH với giá trị dưới 10 tỷ đồng.

Trái ngược với giao dịch trên HOSE, sàn HNX ghi nhận giao dịch mua ròng 14,2 tỷ đồng, tương đương khối lượng vào ròng 433.847 đơn vị.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu DXS của Đất Xanh Sercives tiếp tục là mã được mua ròng nhiều nhất với giá trị 6,8 tỷ đồng. Sau khi loạt công ty chứng khoán công bố lãi khởi sắc, dòng tiền ngoại mua ròng các mã MBS (5,7 tỷ đồng), BSI (4 tỷ đồng), BVS (3,7 tỷ đồng). Cổ phiếu THD cũng được mua ròng 1 tỷ đồng, theo sau là các mã PVI, PVS, NDN, EVS...

Trái chiều, VND của Chứng khoán VNDirect bị xả ròng mạnh nhất 3,7 tỷ đồng. Khối ngoại cũng xả ròng 1,2 tỷ đồng mã SHB và 1 tỷ đồng cổ phiếu ART, theo sau bán ròng nhẹ lần lượt VCS (992 triệu đồng), CEO (877 triệu đồng), INN (575 triệu đồng)...

Tại thị trường UPCoM, NĐT nước ngoài mua ròng 17,4 tỷ đồng trong phiên giảm điểm, tăng 8,6 lần so với phiên liền trước.

Cổ phiếu CTR bất ngờ được mua ròng 7,2 tỷ đồng, dẫn đầu chiều giao dịch mua sau nhiều phiên bán ròng. Bộ đôi VEA và VTP vẫn thu hút lực mua ròng lần lượt 5,4 tỷ đồng và 3,4 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền tìm đến các mã MCH, ABI, AAS, AMS...

Mặc dù UPCoM-Index mất đi 1,4%, không có mã nào ở chiều bán ghi nhận lực xả trên 1 tỷ đồng. Các NĐT ngoại bán ròng lần lượt DCS (588 triệu đồng), BVB (228 triệu đồng), QNS (174 triệu đồng), đồng thời xả nhẹ các cổ phiếu MML, SCL, NTC, NS3...

Thảo Bùi

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.