Phiên 23/11: Khối ngoại tiếp đà rót ròng trăm tỷ đồng mua gom cổ phiếu bất động sản, bán lẻ
Đà hồi phục mạnh mẽ của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ tiếp tục được nới rộng trong phiên chiều. Điều này giúp VN-Index lấy lại xung lực tăng đầy thuyết phục và đóng cửa lên cao nhất phiên tại mốc 1.463 điểm.
Kết phiên, VN-Index tăng 16,38 điểm (1,13%) lên 1.463,63 điểm, HNX-Index tăng 3,98 điểm (0,9%) lên 448,6 điểm, UPCoM-Index tăng 1,07 điểm (0,96%) lên 113,03 điểm.
Thanh khoản thị trường tiếp tục suy giảm với tổng giá trị giao dịch đạt gần 32.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 1,1 tỷ đơn vị cổ phiếu được giao dịch.Trong đó giá trị giao dịch trên HOSE là 26.227 tỷ đồng, giảm 28% so với phiên trước đó.
Trên sàn HOSE, khối ngoại duy trì xu hướng tích cực khi mua ròng hơn 226 tỷ đồng, tương đương khối lượng hơn 6,6 triệu đơn vị. Tâm điểm hút vốn ngoại vẫn là cổ phiếu bất động sản, theo sau bởi nhóm bán lẻ và chứng chỉ quỹ đầu tư.
Về giá trị cụ thể, cổ phiếu VHM của Vinhomes tiếp tục dẫn đầu chiều mua ròng với giá trị 75,9 tỷ đồng, tương đương khối lượng 929.600 đơn vị. Lực cầu tích cực giúp mã này tăng điểm ngay từ những phút đầu và đóng cửa cao nhất trong phiên, ở mức giá 82.500 đồng/cp.
Nối tiếp, lực cầu ngoại tìm đến MSN của CTCP Tập đoàn Masan khi mua ròng 71,8 tỷ đồng. Ghi nhận trong phiên, MSN là cổ phiếu tác động tích cực nhất đến chỉ số khi đóng góp tới gần 2 điểm cho VN-Index.
Khối ngoại cũng rót ròng 54 tỷ đồng mua gom 2,5 triệu chứng chỉ quỹ ETF FUESSVFL của quỹ ETF SSIAM VNFinLead. Theo sau, nhóm này có động thái mua gom một số cổ phiếu ngân hàng gồm VCB (31,1 tỷ đồng), CTG (26,1 tỷ đồng), HDB (20,5 tỷ đồng), TPB (19,6 tỷ đồng) bất chấp diễn biến phân hóa trong phiên.
Nổi bật tại chiều bán, nhà đầu tư ngoại có động thái bán ròng 191 tỷ đồng cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI. Tuy vậy, lực cầu đối ứng dồi dào về cuối phiên giúp SSI tăng kịch biên độ và là mã duy nhất tăng trần trong rổ cổ phiếu VN30. Cổ phiếu HCM của Chứng khoán HSC cũng bị bán ròng nhẹ hơn với 70,8 tỷ đồng.
Kế tiếp, lực xả trên 100 tỷ đồng tiếp tục xuất hiện ở cổ phiếu VPB của VPBank. Điểm tích cực là quy mô bán ròng đã giảm gần 40% so với phiên trước đó.
Theo sau, khối ngoại cũng bán ròng nhẹ hơn ở một số cổ phiếu như VNM (73 tỷ đồng), NKG (28 tỷ đồng), PVD (27,1 tỷ đồng), FLC (17,3 tỷ đồng)...
Tại sàn HNX, khối ngoại quay lại bán ròng 2,4 tỷ đồng ngay sau phiên mua gom nhẹ. Về khối lượng, nhóm này rút ròng 182.824 đơn vị cổ phiếu.
Cụ thể, giao dịch chốt lời vẫn tập trung ở cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O với hơn 7,9 tỷ đồng. Cùng với sự hồi phục của thị trường, CEO cũng lấy lại 8,84% giá trị trong phiên.
Bên cạnh đó, khối ngoại cũng tập trung chốt lời mã API (1,8 tỷ đồng). Theo sau, áp lực bán ròng nhẹ hơn xuất hiện ở các mã VHL (770 triệu đồng), KLF (584 triệu đồng), APS (561 triệu đồng)...
Tại chiều mua, dòng tiền ngoại tập trung nhiều nhất ở bộ ba cổ phiếu THD (2,9 tỷ đồng), SHS (2,8 tỷ đồng) và PCG (1,1 tỷ đồng). Nối tiếp, nhóm này cũng rót ròng với quy mô dưới 500 triệu đồng vào các mã, lần lượt là DP3, PGS, PVS, TVD...
Giao dịch tại thị trường UPCoM tiếp tục duy trì trạng thái tích cực khi nhà đầu tư ngoại có phiên mua ròng thứ 7 liên tiếp với 24,3 tỷ đồng, giảm 60% so với phiên bùng nổ trước đó và tương đương 435.102 đơn vị cổ phiếu.
Nối tiếp xu hướng trong phiên trước, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi vẫn là mã được mua gom nhiều nhất với hơn 18,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhóm này cũng tập trung rót vốn vào cổ phiếu CTR của Viettel Construction (6,4 tỷ đồng), theo sau bởi VEA (1,6 tỷ đồng), NTC (1,5 tỷ đồng), BVB (1,1 tỷ đồng)...
Quay lại chiều bán, nhóm này tiếp tục tập trung rút vốn ròng khỏi cổ phiếu LTG của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (6,8 tỷ đồng). Đây cũng là mã duy nhất bị bán ròng với quy mô trên 1 tỷ đồng trong phiên. Theo sau, khối ngoại cũng rút vốn nhẹ hơn khỏi một số cổ phiếu, lần lượt phải kể đến SBS, MCH, SGP, HTG...