|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 22/7: Nhóm vốn hóa lớn điều chỉnh, VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ

09:38 | 22/07/2019
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán phiên 22/7, VN-Index lình xình quanh mốc tham chiếu, cổ phiếu VNM, VRE, GAS, CTG, NVL, TCB là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm, trong khi BID, MSN, VIC, VJC, BVH, HPG nâng đỡ thị trường.

Kết phiên, VN-Index giảm 0,3 điểm (0,03%) xuống 982,04 điểm; HNX-Index giảm 0,29% xuống 106,76 điểm; UPCoM-Index tăng 0,82% lên 58,01 điểm.

Thị trường giao dịch lình xình cho đến cuối phiên, sắc đỏ chiếm ưu thế với 368 mã giảm giá, trong đó sàn HOSE chiếm 192 mã giảm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 211,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 4.797 tỉ đồng.

Các cổ phiếu VNM, VRE, GAS, CTG, NVL, TCB là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm, trong khi BID, MSN, VIC, VJC, BVH, HPG nâng đỡ thị trường. Đáng chú ý, cổ phiếu PNJ bật tăng 4,1% trong những phút cuối phiên, đóng cửa tại 77.000 đồng/cp.

Nhóm ngân hàng chỉ còn BID và TPB tăng giá, trong khi hầu hết các mã còn lại giảm hơn 1%. Nhóm dầu khí và bất động sản cũng chịu áp lực bán mạnh. Cổ phiếu dệt may tiếp tục điều chỉnh, riêng MSH tăng 0,7%.

Nhóm chứng khoán diễn biến phân hóa. Do kết quả kinh doanh giảm sút, các mã SSI, SHS, HCM, VND, VCI giảm giá tương đối mạnh, trong khi TVB bật tăng 3,9% sau thông tin lãnh đạo mua vào.

Đáng chú ý, cổ phiếu "họ Viettel" hồi phục mạnh trong phiên chiều. Các mã VTP, VRE và VTK bật tăng, riêng VGI vẫn giảm 1%.

Tính đến 14h00, VN-Index giảm 1,81 điểm (0,18%) xuống 980,53 điểm; HNX-Index giảm 0,64% xuống 106,41 điểm; UPCoM-Index tăng 0,7% lên 57,94 điểm.

Cổ phiếu ngân hàng lần lượt quay đầu giảm giá khiến chỉ số một lần nữa chìm vào sắc đỏ. Hiện tại, duy nhất cổ phiếu BID tăng 1,9%, hầu hết các mã còn lại đều giảm giá.

Nhóm thép tiếp tục giảm sâu, đặc biệt cổ phiếu VIS giảm sàn phiên thứ 5 liên tiếp với thanh khoản chỉ vài nghìn đơn vị. Các nhóm dệt may, dầu khí, cảng biển, hàng không, chứng khoán cũng giao dịch kém khởi sắc.

Ngoài ra, cổ phiếu GAB xuất hiện lực cầu vào bắt đáy với khối lượng khớp lệnh tăng lên 152.660 đơn vị, tuy nhiên cổ phiếu vẫn chưa thoát khỏi giá sàn.

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 0,71 điểm (0,07%) lên 983,05 điểm; HNX-Index giảm 0,29% xuống 106,76 điểm; UPCoM-Index tăng 0,76% lên 57,98 điểm.

Sau những phút hứng khởi vào giữa phiên sáng, đà tăng của thị trường dần thu hẹp trở lại. Hiên tượng "xanh vỏ đỏ lòng" diễn ra với 324 mã giảm giá so với 238 mã tăng giá, còn lại 130 mã tạm dừng tại tham chiếu. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 107,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 2.255 tỉ đồng.

Nhóm VN30 có 18/30 mã giảm giá, trong đó CTD bất ngờ giảm 2,8% vào giữa phiên, xuống còn 108.000 đồng/cp. Bên cạnh đó, một số blueschips khác giảm giá như VNM, VHM, CTG, VPB, TCB, VCB khiến thị trường không duy trì được đà tăng.

Nhóm ngân hàng chỉ còn BID và MBB giữ được sắc xanh, các mã LPB, NVB, TPB đứng giá, còn lại chìm trong sắc đỏ. Tương tự, nhóm dệt may chứng kiến giao dịch kém tích cực tại TCM, STK, VGT, TNG và GMC, riêng MSH tăng 0,7%.

Ngoài ra, cổ phiếu "họ FLC" cũng bị bán mạnh với GAB, KLF giảm sàn, ROS (2,5%), HAI (0,5%), FLC (0,2%).

Tính đến 10h40, VN-Index tăng 2,39 điểm (0,24%) lên 984,73 điểm; HNX-Index tăng 0,11% lên 107,19 điểm; UPCoM tăng 1,06% lên 58,15 điểm.

Lực mua tăng lên tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như PNJ, HPG, VJC, DHG, MBB, VCB, GAS giúp các chỉ số đảo chiều tăng điểm, nhóm VN30 ghi nhận 15 mã tăng giá so với 9 mã giảm giá.

Cổ phiếu khu công nghiệp tiếp tục bứt phá với TIP tăng trần lên 34.650 đồng/cp, theo sau là SNZ (5,9%), SZC (3,2%), NTC và SZL (1,6%), MH3 (0,7%). Báo cáo tài chính quí II cho thấy lợi nhuận của hầu hết các doanh nghiệp này đều tăng trưởng mạnh, đặc biệt là lượng tiền mặt dồi dào, chủ yếu gửi ngắn hạn tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, nhóm cao su cũng ghi nhận sự tích cực tại GVR, PHR, DRI, DRC, DPR. Mới đây, HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đồng ý chủ trương thực hiện chuyển sàn, niêm yết cổ phiếu GVR trên Sở GDCK TP Hồ Chí Minh (HOSE).

Diễn biến ngược lại, các nhóm dệt may, thép chìm trong sắc đỏ. Nhóm Viettel cũng điều chỉnh sau chuỗi tăng giá mạnh, hai mã VGI và VTK giảm hơn 3% trong khi VTP và CTR giảm hơn 1%.

Tính đến 9h30, VN-Index giảm 0,82 điểm (0,08%) xuống 981,52 điểm; HNX-Index giảm 0,13% còn 106,93 điểm; UPCoM-Index giảm 0,16% xuống 57,45 điểm.

Thị trường mở cửa với không khí giao dịch ảm đạm diễn ra từ đầu phiên khi các chỉ số đều giảm nhẹ. Các mã GAS, VNM, VCB, HPG, VPB là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm, trong khi BID, VJC, POW, MWG, MSN, MBB góp phần nâng đỡ chỉ số.

Sự phân hóa diễn ra tại hầu hết các nhóm cổ phiếu, riêng nhóm thủy sản ghi nhận sự tích cực. Cổ phiếu CMX tăng trần lên 23.850 đồng/cp và còn dư mua 201.950 đơn vị, cổ phiếu AAM cũng tăng trần lên 12.250 đồng/cp. Bên cạnh đó, cổ phiếu MPC tăng 1,7% lên 36.000 đồng/cp, các mã FMC, ACL giao dịch tại tham chiếu, còn lại VGC và ANV đang giảm nhẹ.

Đáng chú ý, cổ phiếu MWG tiếp tục thiết lập đỉnh mới tại 106.800 đồng, tăng 0,8%. Ngược lại, cổ phiếu GAB giảm sàn phiên thứ 4 liên tiếp, hiện mới khớp lệnh 23.530 đơn vị và còn dư bán 608.090 đơn vị tại giá sàn.

Thị trường chứng khoán Mỹ phiên thứ Sáu tuần trước đóng cửa trong sắc đỏ khi nhà đầu tư đón nhận nhiều tin tức về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn và phát biểu của quan chức Fed về chính sách lãi suất.

Chỉ số S&P 500 đóng cửa giảm 0,6% còn 2.976,61 điểm trong khi Nasdaq Composite cũng mất hơn 0,7%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 68,77 điểm (0,25%) xuống còn 27.154,2 điểm. Trong phiên có lúc chỉ số này tăng hơn 100 điểm so với tham chiếu.

Các chỉ số chính diễn biến tiêu cực sau khi Iran tuyên bố nước này đã bắt giữ một tàu chở dầu của Anh.

Sơn Tùng

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.