|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Phiên 1/4: Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng phiên VN-Index bứt phá, tâm điểm gom VNM, DGC

18:48 | 01/04/2022
Chia sẻ
Tại sàn HOSE, mặc dù thanh khoản chung chỉ duy trì ở mức trung bình, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh lực mua ròng lên mức 410 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với phiên trước. Về khối lượng, nhóm này mua ròng hơn 7 triệu đơn vị, tập trung ở nhóm thực phẩm và hóa chất.

Đà tăng thuyết phục đến từ lực kéo của nhóm vốn hóa lớn, cộng hưởng với nỗ lực hồi phục của nhóm midcap và penny. Không nằm ngoài dự đoán, dòng tiền hướng đến nhóm bluechips đã làm thị trường sôi động trở lại và đóng cửa tại mốc gần như cao nhất cả phiên.

Đóng cửa, VN-Index tăng 24,29 điểm (1,63%) lên 1.516,44 điểm, HNX-Index tăng 4,48 điểm (1%) lên 454,1 điểm, UPCoM-Index tăng 0,15 điểm (0,13%) lên 117,19 điểm. 

Điều còn thiếu ở phiên hôm nay là thanh khoản vẫn duy trì ở mức trung bình. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1,2 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị 32.036 tỷ đồng. Tính riêng trên HOSE thì giá trị giao dịch đạt 26.700 tỷ đồng, tăng 22% so với phiên trước đó.

 

Xu hướng giao dịch khối ngoại trong 30 phiên gần nhất. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp). 

 

 

Tại sàn HOSE, mặc dù thanh khoản chung chỉ duy trì ở mức trung bình, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh lực mua ròng lên mức 410 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với phiên trước. Về khối lượng, nhóm này mua ròng hơn 7 triệu đơn vị, tập trung ở nhóm thực phẩm và hóa chất.

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp. 

Nối tiếp diễn biến trong phiên trước, dòng tiền ngoại tiếp đà mua ròng cổ phiếu VNM của Vinamilk sau phiên giao dịch bùng nổ. Mã này được mua gom 193 tỷ đồng, tương đương 2,3 triệu cổ phiếu. Lực cầu tích cực giúp VNM có thêm 0,99% giá trị, đánh dấu phiên tăng điểm thứ tư liên tục.

Tương tự, phần lớn dòng tiền ngoại duy trì tìm đến cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang với quy mô 178 tỷ đồng. Tương tự, cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ cũng được mua gom 31,8 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lực cầu đáng kể cũng tập trung ở nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng. Lần lượt các đại diện được mua ròng là VRE (35,8 tỷ đồng), KDH (35,4 tỷ đồng), DXG (33,9 tỷ đồng), CII (29,9 tỷ đồng), NVL (29,3 tỷ đồng),...

Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát là mã bị bán ròng nhiều nhất với quy mô 159 tỷ đồng. Quy mô xả ròng ở mã này tăng gấp 9 lần so với phiên trước, tuy vậy HPG lại đảo chiều tăng nhẹ nhờ vào lực cầu đối ứng.

Nối tiếp, ông lớn "họ Vingroup" là Vinhomes (Mã: VHM) tiếp đà bị bán ròng 108 tỷ đồng. Tuy vậy, điểm tích cực là lực xả đã giảm hơn 30% so với phiên trước.

Theo sau, khối ngoại cũng xả ròng hai chứng chỉ quỹ ETF là E1VFVN30 (76,6 tỷ đồng) và FUEVFVND (13,2 tỷ đồng), trước khi tiếp tục bán ra nhiều cổ phiếu như HPX (29,8 tỷ đồng), PHR (22,6 tỷ đồng), HUB (20,8 tỷ đồng)...

Sàn HNX ghi nhận giao dịch kém tích cực hơn khi khối ngoại bán ròng 3,4 tỷ đồng. Tuy vậy, về khối lượng, nhóm này vẫn mua ròng nhẹ 31.703 đơn vị.

Ở chiều mua, nhà đầu tư ngoại mua ròng lần lượt các mã IDJ (2 tỷ đồng), TNG (2 tỷ đồng), TVD (1,3 tỷ đồng) và MAS (1,1 tỷ đồng). Bên cạnh đó, lực cầu dưới 1 tỷ đồng cũng được ghi nhận tại PVI (939 triệu đồng), IDC (746 triệu đồng), HUT (673 triệu đồng)...

Trái chiều, nhóm này bán ròng mạnh 7,3 tỷ đồng ở cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân, trước khi bán nhẹ hơn 3,1 tỷ đồng của PVS. Theo sau, top bán ròng lần lượt còn có PHP, THD, SCI, CEO,...

Tại thị trường UPCoM, tương tự tại HOSE, khối ngoại rót ròng 56,8 tỷ đồng vào thị trường cổ phiếu, hay mua ròng về khối lượng 913.629 đơn vị.

Về giá trị cụ thể, cổ phiếu QNS của Đường Quảng Ngãi dẫn đầu danh mục mua ròng với giá trị 45,5 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với phiên trước. Danh mục mua ròng theo sau còn có sự xuất hiện của LTG (4,3 tỷ đồng), NTC (4,1 tỷ đồng), VEA (3 tỷ đồng), ACV (1,1 tỷ đồng)...

Chiều ngược lại, nhóm này chủ yếu bán ròng ở cổ phiếu BVB của Bảo Việt Bank (1,9 tỷ đồng). Bên cạnh đó, lực xả còn tìm đến các mã BSR (593 triệu đồng), ABI (511 tỷ đồng), MTL (351 triệu đồng)...

Thảo Bùi