Phiên 1/3: Khối ngoại giao dịch tích cực trở lại, mua ròng gần 13 triệu đơn vị chứng chỉ quỹ ETF
VN-Index xuất hiện lực bán mạnh sát phiên ATC chủ yếu là do nhóm VN30 đảo chiều vào cuối phiên. Nhìn chung thị trường vẫn đang duy trì xu hướng đi ngang, các nhịp giằng co & rung lắc liên tục xuất hiện trong phiên.
Đóng cửa, VN-Index tăng 8,65 điểm (0,58%) lên 1.498,78 điểm, HNX-Index tăng 3,14 điểm (0,71%) đạt 443,56 điểm, UPCoM-Index tăng 0,18 điểm (0,16%) lên 112,38 điểm.
Thanh khoản phiên giao dịch hôm nay đã cải thiện hơn so với phiên trước và trở lại cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường đạt 31.457 tỷ đồng, tương đương hơn 1,03 tỷ đơn vị cổ phiếu được mua bán. Tính riêng trên HOSE thì thanh khoản đạt gần 26.313 tỷ đồng, tăng 11,5%.
Tại sàn HOSE, sau những phiên mua bán luân phiên, khối ngoại trở lại gom ròng 144 tỷ đồng, tương đương rót vốn ròng vào 11,5 triệu đơn vị cổ phiếu. Dòng tiền lan tỏa tại hầu hết các nhóm ngành như bất động sản, hóa chất, xây dựng và vật liệu...
Tương tự phiên trước, lực cầu ngoại tập trung phần lớn ở nhóm chứng chỉ quỹ ETF khi mua ròng hơn 372 tỷ đồng mã FUEVFVND, tăng gấp 2,6 lần so với phiên liền trước. Về khối lượng, nhóm này mua gom gần 13 triệu đơn vị chứng chỉ quỹ.
Tại thị trường cổ phiếu, tương tự phiên trước, cổ phiếu NLG của Nam Long Group được mua gom với giá trị 63 tỷ đồng. Dòng tiền theo sau cũng tìm đến một số đại diện lớn của nhóm ngân hàng - dịch vụ tài chính như VND (54,7 tỷ đồng), TPB (39,6 tỷ đồng), MBB (39 tỷ đồng).
Hai đại diện của nhóm thép là HSG và NKG tiếp tục thu hút gần 33 tỷ đồng vốn ngoại sau phiên tăng kịch trần. Các mã được gom ròng nhẹ hơn trong phiên còn có DPM, VCG, VNM...
Trái ngược với HSG và NKG, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tiếp đà bị xả ròng hơn 287 tỷ đồng. Mặc dù lực bán đã giảm hơn 18% so với phiên trước đó, đà tăng của mã này vẫn bị kéo tụt về cuối phiên, đóng cửa đánh mất 0,64% giá trị.
Nối tiếp, lực xả cũng xuất hiện tại một số đại diện lớn của nhóm bất động sản, xây dựng, trong đó phải kể đến như VIC (81,7 tỷ đồng), KBC (56,1 tỷ đồng), PDR (23,9 tỷ đồng), VHM (17,9 tỷ đồng). Một số cổ phiếu ghi nhận giao dịch cùng chiều còn có HDB (54,2 tỷ đồng), CTG (32,7 tỷ đồng), SSI (19,8 tỷ đồng)...
Trái lại, trên sàn HNX, nhà đầu tư ngoại đẩy mạnh bán ròng lên mức 27,5 tỷ đồng, tương đương 798.006 đơn vị. Quy mô bán ròng tăng gần 40% so với phiên cuối tháng 2.
Lực xả tại cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Mã này bị bán ròng 17,6 tỷ đồng sau nhiều phiên bán liên tiếp. Theo sau, khối ngoại cũng rút ròng 10 tỷ đồng mã PVS, trước khi bán nhẹ hơn các mã VCS, CEO, PVC, PVG...
Ở chiều mua, nhóm này bất ngờ rót ròng 3,9 tỷ đồng vào CEO và 2,2 tỷ đồng mua gom cổ phiếu SCI. Tương tự, quy mô mua gom dưới 500 triệu đồng cũng xuất hiện tại các cổ phiếu như VMC, VCS, PRE...
Điểm tích cực là thị trường UPCoM ghi nhận giao dịch tích cực hơn khi khối ngoại duy trì mua ròng 5,3 tỷ đồng. Về khối lượng, nhóm này rót ròng vào 316.248 đơn vị cổ phiếu.
Cụ thể, nhóm này tiếp tục gom 6,8 tỷ đồng cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Nối tiếp, lực cầu tìm đến bộ đôi cổ phiếu BVB (2,7 tỷ đồng) và VEA (1,8 tỷ đồng), trước khi rót vốn nhẹ hơn vào các mã ACV, VOC, VNB...
Chiều ngược lại, các nhà đầu tư ngoại tiếp tục rút ròng chủ yếu khỏi QNS của Đường Quảng Ngãi (4,9 tỷ đồng), theo sau bán ròng MCM (2,2 tỷ đồng) và AAS (1,1 tỷ đồng). Một số mã ghi nhận giao dịch cùng chiều phải kể đến như VGI, VGG, VTP...