|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phát triển 'kinh tế xanh' tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu, gia nhập thị trường ngoại

09:57 | 29/11/2022
Chia sẻ
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, Việt Nam cần thay đổi tư duy, đặc biệt là “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế.

Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2022 chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” diễn ra chiều 28/11, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam tiếp tục đà tăng trưởng cao. 

Cụ thể, kim ngạch 10 tháng đầu năm 2022 đạt gần 620 tỷ USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất siêu 9,4 tỷ USD. Dự kiến cả năm xuất khảu đạt 750 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm trước và tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, thương mại toàn cầu đang đứng trước nhiều sức ép do những diễn biến phức tạp của căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, lạm phát gia tăng khiến Chính phủ nhiều nước thắt chặt chính sách tài khoá, tiền tệ, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy...

Ngoài những khó khăn trên, ông Nguyễn Hồng Diên cho biết thêm hiện nay nhiều nước nhập khẩu đưa ra những quy định khắt khe về môi trường, trách nhiệm xã hội.

 Do đó, Bộ Công Thương khuyến cáo để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, Việt Nam cần thay đổi tư duy. Nghĩa là quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi sản xuất và cung ứng thương mại quốc tế để đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.  

Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2022. (Ảnh: Như Huỳnh)

Còn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TP HCM, việc chuyển dịch sang mô hình kinh tế xanh có thể tạo ra 24 triệu việc làm mới vào năm 2030.

“Kinh tế xanh mở ra những cánh cửa mới cho tăng trưởng xuất khẩu thông qua các giải pháp phát triển công nghệ xanh để nâng cao năng suất và hiệu quả, tăng cường lòng tin của nhà đầu tư, mở ra các thị trường mới, tăng nguồn thu ngân sách thông qua thuế xanh, giảm rủi ro trong môi trường kinh doanh”, ông Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh. 

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết thời gian qua các FTA đã tạo điều kiện gia tăng xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh được tại thị trường EU, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA Việt Nam đã ký kết, doanh nghiệp Việt cần tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về môi trường và đáp ứng được thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững.

"EU là thị trường không ngừng cập nhật chính sách hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hoá vào EU, cần thay đổi, đặc biệt chú ý hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững", ông Jean- Jacques Bouflet nói.

Ông Bartosz Cieleszynski, Phó trưởng Ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, cho biết thương mại xanh không chỉ giới hạn ở các sản phẩm nông nghiệp. Các nhà sản xuất Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp cũng có thể tham gia vào xuất khẩu xanh.

Các sản phẩm như giày dép và hàng may mặc có thể tham gia chương trình chứng nhận tự nguyện như BCI (Sáng kiến Bông tốt hơn) hay GOTS (Tiêu chuẩn Dệt may Hữu cơ Toàn cầu) và PETA (Chứng nhận Bảo vệ Động vật).

Những chương trình chứng nhận này với việc yêu cầu bảo tồn đa dạng sinh học và tình trạng tốt của đất, quản lý nước bền vững, giảm sử dụng thuốc trừ sâu, đảm bảo mức lương tối thiểu và trả lương bình đẳng, không có lao động trẻ em và ngược đãi động vật, rất được người tiêu dùng và nhà nhập khẩu EU quan tâm.

Sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn xã hội và môi trường thường đắt hàng hơn mặc dù giá cao. Vì thế, các nhà sản xuất và điều hành thương mại của Việt Nam nên quan tâm đến định hướng lựa chọn của người tiêu dùng EU.

“Tất cả các ngành kinh tế đều có thể tham gia vào công nghệ xanh và thương mại bền vững. Những khoản đầu tư lớn vào năng lượng tái táo và cơ sở hạ tầng điện lực có thể giúp giảm chi phí của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, nhờ đó giúp các doanh nghiệp này trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường EU”, ông Bartosz Cieleszynski khẳng định.

Như Huỳnh