|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng: Nhiều dư địa trong các lĩnh vực 'xanh', 'số', 'đổi mới sáng tạo' giữa Việt Nam - EU

14:48 | 28/11/2022
Chia sẻ
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện với EU, mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới và đề nghị các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích phát triển con người, khuyến khích đầu tư trong nhiều lĩnh vực mới nổi.

Sáng 28/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức.  

Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã phê duyệt chiến lược phát triển xanh và Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị tác động lớn của biến đổi khí hậu nên việc phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu rất quan trọng với Việt Nam.

Phát triển xanh, chống biến đổi khí hậu không phải của một quốc gia, không quốc gia nào đứng ngoài cuộc nên cần có sự thống nhất toàn cầu. Đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế trong chống biến đổi khí hậu.

Chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số tác động đến toàn dân nên cần có sự hợp tác của toàn dân. Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách hướng đến người dân và người dân phải được tham gia chính sách và thụ hưởng những kết quả này. Chống biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số là xu thế tất yếu trên thế giới hiện nay.

“Chúng tôi hiểu rõ rằng, trên hành trình đi đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Việt Nam không thể đi một mình. Việt Nam đánh giá cao vai trò đi đầu của Liên minh châu Âu (EU) trong nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế xanh vì một tương lai bền vững. Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện với EU và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai bên trong thời gian tới.

Tôi tin tưởng quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU sẽ được tiếp tục củng cố hơn nữa trong thời gian tới với nhiều dư địa trong các lĩnh vực “xanh”, “số” và “đổi mới sáng tạo”, Thủ tướng cho hay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế xanh GEFE 2022. (Ảnh: Như Huỳnh)

Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng cho biết trong 11 tháng năm 2022, trong bối cảnh nhiều biến động trên thế giới như lạm phát, khủng hoảng năng lượng, an ninh lương thực,... Việt Nam vẫn ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng ba quý đạt hơn 8%, bình quân cả năm đạt 8%. Các vấn đề về an ninh lương thực, xuất nhập khẩu, thu chi ngân sách đều được đảm bảo.

Trong phát triển xanh, Việt Nam đã có cam kết với các nước trên thế giới như Việt Nam cùng với 150 quốc gia cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050, cùng 150 quốc gia tham gia liên minh thích ứng toàn cầu.

Việt Nam cũng đang xây dựng hai mục tiêu lớn là năm 2030 trở thành nước phát triển hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là nước thu nhập cao.

Để làm được điều này, Việt Nam tập trung vào ba trụ cột. Thứ nhất là tình hữu nghị Việt Nam và EU, thứ hai là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thứ ba là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tuân thủ các quy luật thị trường, có sự can thiệp của Nhà nước khi cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình đó, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là động lực, nguồn lực của phát triển. 

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Với mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác của các nước châu Âu với Việt Nam thời gian qua, cho biết Việt Nam đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp. 

Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn vì lợi ích phát triển con người, tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước EU, khuyến khích đầu tư trong nhiều lĩnh vực

"Mong các đối tác Liên minh châu Âu hỗ trợ công nghệ tiên tiến, nguồn vốn xanh và rẻ, đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn vốn. Mong chính phủ, các định chế tài chính hỗ trợ về lãi suất cho doanh nghiệp để doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư, góp phần cải tiến công nghệ. Khuyến khích đổi mới sáng tạo vào các ngành mới nổi, đầu tư cho nghiên cứu phát triển để phát triển hài hoà và bền vững, với tinh thần tất cả cùng thắng, lợi ích thì hài hòa, rủi ro và khó khăn thì chia sẻ",  Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tại Triển lãm Kinh tế xanh GEFE 2022. (Ảnh: Như Huỳnh)

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, trong bối cảnh thế giới đang biến đổi, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã và đang có những chiến lược về phát triển xanh và phát triển bền vững. Hiện nay, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp,... với Việt Nam đây là những thách thức quan trọng cần giải quyết trong thời gian tới.

Hiện Việt Nam đã xây dựng chiến lược phát triển năng lượng phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” với mục tiêu tăng trưởng xanh, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

"Trong bối cảnh các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt được khai thác đến mức giới hạn, quá trình chuyển đổi năng lượng với xu hướng phát triển nhanh của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió đã mở ra những cơ hội mới cho thị trường năng lượng Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định. 

Như Huỳnh