Phát triển hạ tầng đo lường quốc gia để tăng sức cạnh tranh
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết nhiều giải pháp sẽ được thực hiện đồng bộ để phát triển hạ tầng đo lường tại Việt Nam. Ảnh: VGP
Đây là nội dung được thảo luận tại "Diễn đàn phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 19/4.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, hệ thống các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn cả nước đã được xác lập và phát triển với hơn 350 tổ chức được cấp giấy chứng nhận, trên 3.000 kiểm định viên đã và đang kiểm định khoảng 32 triệu phương tiện đo thuộc Danh mục phương tiện đo nhóm 2 bắt buộc phải kiểm định, hiệu chuẩn trên phạm vi cả nước.Đây là nội dung được thảo luận tại “Diễn đàn phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 19/4.
Việt Nam cũng đã là thành viên của 4 tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, đã tham gia một số Ban kỹ thuật/tiểu ban kỹ thuật của các tổ chức đo lường quốc tế và được quốc tế thừa nhận khả năng đo và hiệu chuẩn đối với nhiều phép đo.
Tuy nhiên, đánh giá về công tác đo lường của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh thẳng thắn chỉ rõ, hạ tầng đo lường quốc gia của Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình của khu vực ASEAN; chưa bắt kịp xu thế thế giới là phát triển hạ tầng đo lường quốc gia như là một công cụ mạnh để tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, chưa đáp ứng được những yêu cầu cao của một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới, quan trọng như công nghiệp hỗ trợ, cơ khí chế tạo, điện tử viễn thông, trang thiết bị y tế công nghệ cao, logistics...
Mặt khác, hệ thống các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng 70% đến 75% yêu cầu kiểm định. Một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp chưa chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hệ thống các hoạt động tự bảo đảm đo lường cho chính hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Năng lực sản xuất phương tiện đo, chuẩn đo lường ở trong nước còn rất hạn chế (chỉ chiếm khoảng 15% tổng số phương tiện đo, chuẩn đo lường đang sử dụng tại Việt Nam).
Ngày 10/8/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu định hướng phát triển cho hạ tầng đo lường, để nâng cao, đổi mới hơn nữa trong hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam,
Cụ thể đến năm 2025, sẽ phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch, công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận, thống nhất chung định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến cấp bộ ngành, địa phương, phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại. Bên cạnh đó, triển khai Chương trình đảm bảo đo lường ít nhất 50.000 doanh nghiệp, triển khai áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường ít nhất 1.000 phòng thí nghiệm được công nhận trong cả nước cho các lĩnh vực đo lường.
Tại “Diễn đàn phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” các đại biểu đã thảo luận để tìm ra giải pháp tiếp tục phát triển hạ tầng đo lường quốc gia, bàn các giải pháp thực hiện quả Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đề xuất các nội dung triển khai phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ, bàn luận về những nội dung liên quan đến các chính sách tạo thuận lợi hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường quốc gia; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định, ngay sau Diễn đàn, nhiều giải pháp sẽ được triển khai để hướng tới mục tiêu phát triển hạ tầng đo lường quốc gia theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, phù hợp với quy hoạch phát triển Bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; xây dựng và triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp.