Phát triển chanh dây không theo quy hoạch coi chừng phải 'giải cứu'
Chanh dây Tây Nguyên rớt giá mạnh |
Phát triển không theo quy hoạch
Tình trạng hồ tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh cùng với giá hạt tiêu xuống thấp thời gian qua khiến không ít nông dân trên địa bàn huyện Chư Sê (Gia Lai) lâm vào cảnh khốn đốn. Trong khi đó, khoảng 1 năm trở lại đây, giá chanh dây khá ổn định và luôn duy trì ở mức tương đối cao. Vì vậy, nhiều hộ dân nơi đây đã đổ xô chuyển phần diện tích hồ tiêu chết sang trồng chanh dây với hy vọng tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Người dân cần thận trọng khi mở rộng diện tích trồng chanh dây. Ảnh: Q.T |
Năm ngoái, gia đình anh Võ Vương Vũ (làng Pang, xã Dun, huyện Chư Sê) có 1 ha hồ tiêu bị chết do dịch bệnh. Năm nay, trên diện tích này, anh vừa trồng cà phê, vừa kéo kẽm làm giàn để trồng hơn 300 gốc chanh dây. “Người dân chúng tôi giờ bấn loạn hết rồi, không biết trồng cây gì để cho an toàn nữa. Thấy chanh dây có giá ổn định nên tôi cũng quyết định đầu tư trồng”. Cũng theo anh Vũ, để có kinh phí đầu tư trồng 300 gốc chanh dây, gia đình anh phải đi vay mượn thêm của người thân. Và dù tận dụng trụ tiêu để trồng nhằm giảm chi phí nhưng đến nay, tổng số tiền đầu tư trồng, chăm sóc hơn 300 gốc chanh dây đã lên đến hơn 40 triệu đồng.
Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Duyên (thôn Hòa Thành, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) cũng đầu tư hàng chục triệu đồng để trồng hơn 200 gốc chanh dây trên diện tích hồ tiêu chết. “Hồ tiêu chết gần hết, cà phê thì giá cả bấp bênh. Thấy nhiều người trên địa bàn trồng chanh dây cho thu nhập cao nên gia đình tôi cũng quyết định đầu tư trồng hơn 200 gốc với hy vọng bù đắp phần nào chi phí sinh hoạt gia đình”.
Theo khảo sát của P.V, việc nông dân đổ xô trồng chanh dây đang diễn ra ở hầu hết địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nhiều địa phương không nằm trong quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu của tỉnh nhưng diện tích chanh dây người dân trồng tương đối lớn. Cụ thể, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, tổng diện tích chanh dây toàn huyện đã lên đến gần 600 ha, trong đó, diện tích trồng mới năm 2018 là hơn 230 ha. Tổng diện tích chanh dây toàn huyện Chư Sê đến nay cũng đã tăng lên hơn 370 ha. Con số này trên địa bàn huyện Chư Pưh cũng đã lên đến hàng trăm héc ta… Còn tại các địa phương nằm trong quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu của tỉnh như Mang Yang, Đak Pơ, Ia Grai… diện tích chanh dây cũng không ngừng tăng và đã vượt quy hoạch. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay, tổng diện tích chanh dây trên địa bàn tỉnh khoảng 2.104 ha, trong đó chỉ có 578 ha được Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao ký cam kết bao tiêu sản phẩm.
Hệ lụy trước mắt
Những năm qua, chanh dây là loại cây trồng có biên độ dao động giá khá cao. Có thời điểm giá chanh dây lên trên 50 ngàn đồng/kg nhưng cũng có lúc chỉ còn vài ngàn đồng/kg. Nhiều người giàu lên nhờ chanh dây nhưng cũng không ít người ôm nợ khi chạy theo loại cây này. Gần nhất là đầu năm 2017, giá chanh dây có lúc giảm xuống còn dưới 5 ngàn đồng/kg quả loại 1 khiến nhiều hộ dân lâm vào cảnh khốn đốn khi nguồn thu không đủ bù đắp chi phí. Chị Nguyễn Thị Kiều Trang (làng Pang, xã Ia Glai, huyện Chư Sê) nhớ lại: “Thời điểm đó, 300 gốc chanh dây của gia đình tôi mới bắt đầu bước vào thu hoạch, giá cũng khá cao, gần 20 ngàn đồng/kg. Nhưng chỉ vài ngày sau, giá liên tục giảm rồi xuống dưới 5 ngàn đồng/kg chanh loại 1, thậm chí chanh loại 2, 3 còn không bán được. Tôi phải đem ra chợ bán, rồi bán cho các quán nước giải khát hay rao bán trên mạng xã hội nhưng cũng chả được bao nhiêu, đành để chanh chín rụng đầy gốc”.
Đầu năm 2017, một công ty đến huyện Chư Pưh bán giống chanh dây, vật tư nông nghiệp và hứa bao tiêu sản phẩm với giá cao nên hàng chục hộ dân ở xã Ia Blứ, Ia Hla đã vay mượn để chuyển đổi hàng trăm héc ta hồ tiêu chết sang trồng chanh dây với hy vọng sẽ có cuộc sống khấm khá hơn. Tuy nhiên, sau hơn 6 tháng trồng, cần mẫn chăm sóc, hầu hết diện tích này không cho quả. Trong khi đó, doanh nghiệp bán giống, vật tư nông nghiệp và hứa bao tiêu sản phẩm cho người trồng chanh dây thì mất tích. Đời sống của những hộ dân này vốn đã khốn khổ vì hồ tiêu nay lại mang thêm nợ với cây chanh dây.
Dự án Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Gia Lai tại xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang) của Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao đã khởi công xây dựng ngày 21-1-2018. Các dây chuyền dự án đầu tư bao gồm: Nhà máy chế biến nước quả cô đặc công suất thiết kế 10.000 tấn/năm; Nhà máy chế biến rau quả đông lạnh công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến rau quả đồ hộp công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm. Dự kiến khi đi vào hoạt động, hàng năm, Nhà máy sẽ thu mua và chế biến hàng trăm ngàn tấn rau quả các loại như chanh dây, chuối, bơ, xoài, sầu riêng, mãng cầu, khoai lang cùng nhiều loại rau quả khác của Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. |
Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: “Việc bảo quản, chế biến sâu sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp của huyện Chư Sê nói riêng và của tỉnh nói chung còn nhiều hạn chế, kể cả với sản phẩm chanh dây. Đây là vấn đề cần được giải quyết. Cùng với đó, chanh dây hiện nay chủ yếu xuất khẩu thô sang thị trường Trung Quốc. Việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường này chính là nguyên nhân dẫn đến giá chanh dây bấp bênh trong những năm qua”.
Ngoài ra, không ít diện tích tái canh cà phê năm đầu trên địa bàn tỉnh cũng được người dân tận dụng trồng xen canh cây chanh dây. Việc trồng xen chanh dây đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của cây cà phê. Ông Nguyễn Cường Quốc-cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: “Qua kiểm tra thực tế tại một số vườn chanh dây trồng xen trong cà phê tái canh cho thấy, cây cà phê sinh trưởng và phát triển kém, dễ bị đổ ngã do không đủ ánh sáng. Ngoài ra, chanh dây là loại cây trồng sử dụng khá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học nên phần nào ảnh hưởng đến kết cấu của đất khiến đất bị chai hóa”.
Cần gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ
Chanh không trái, người dân Ia Blứ khó khăn chồng chất khi chuyển diện tích tiêu chết sang trồng chanh dây. Ảnh: Q.T |
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê cho biết, chanh dây là loại cây trồng khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Chanh dây cũng đóng vai trò tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh cây trồng của địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là loại cây có sự bất ổn về giá và cũng khó trồng, khó chăm sóc, dễ xảy ra dịch bệnh nếu trồng đại trà. Do đó, địa phương không khuyến khích người dân ồ ạt mở rộng diện tích mà phải đa dạng hóa cây trồng để tránh rủi ro khi cung vượt cầu. “Đặc biệt, chúng tôi khuyến cáo người dân không nên vay mượn tiền số lượng lớn để đầu tư trồng chanh dây, tránh đi theo “vết xe đổ” của cây hồ tiêu như những năm trước”-ông Hợp nói.
Tương tự, ông Nguyễn Cường Quốc cũng cho rằng, người dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích chanh dây. Đặc biệt, không nên trồng xen canh chanh dây trên diện tích cà phê tái canh. Nếu xen canh thì nên trồng với mức độ thưa và thường xuyên cắt tỉa cành để tránh ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây cà phê. Đồng thời, người dân nên liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, đơn vị thu mua nhằm giảm thiểu rủi ro.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/