|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Phát hành trái phiếu xanh năm 2021 đạt 37.000 tỷ nhưng 10 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3.000 tỷ đồng

15:48 | 03/11/2023
Chia sẻ
Theo chuyên gia từ Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ), trái phiếu xanh của Việt Nam không những không tăng trưởng mà còn giảm mạnh. Trong khi năm 2021, khối lượng phát hành đã đạt 37.000 tỷ đồng nhưng đến 10 tháng đầu năm nay chỉ khoảng 3.000 tỷ đồng.

Bàn về câu chuyện huy động nguồn lực tài chính xanh tại Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023 diễn ra sáng 3/11, TS. Nguyễn Thanh Hải - Chuyên gia Kinh tế, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam cho biết thế giới đang thay đổi mạnh mẽ thông qua 2 xu hướng phát triển toàn cầu là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Quá trình chuyển đổi xanh song song với chuyển đổi số này được gọi là “Chuyển đổi kép” và gắn rất chặt với các mục tiêu tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và thực thi cam kết phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) năm 2050 và chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Việt nam là nền kinh tế quy mô tuy còn nhỏ, nhưng có độ mở rất cao, liên kết chặt chẽ với kinh tế thế giới và chịu tác động lớn của Biến đổi khí hậu, nên cũng cũng không thể nằm ngoài xu thế phát triển này. Nguồn vốn Tài chính xanh trên thế giới trong 10 năm gần đây tăng theo cấp số nhân, đã trở thành dòng vốn chủ đạo và được khuyến khích phát triển.

Quy mô thị trường tài chính xanh toàn cầu đã tăng từ 5,2 tỷ đô la vào năm 2012 lên hơn 540 tỷ đô la vào năm 2021. Trái phiếu xanh chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường tài chính xanh, với lượng phát hành hàng năm tăng từ 2,3 tỷ USD năm 2012 lên 335 tỷ USD và đã đạt tổng dư nợ 2,008 tỷ USD vào năm 2022.

Trong Báo cáo điểm lại tháng 8/2023, Ngân hàng thế giới ước tính riêng tổng nhu cầu tài chính phát sinh thêm để Việt Nam thực hiện lộ trình giảm thải các-bon và nâng cao khả năng chống chịu có thể lên đến khoảng 701 tỷ USD trong giai đoạn 2022 - 2040, tương đương 6,8% GDP mỗi năm.

Với Việt Nam, tính đến hết tháng 6/2023, tín dụng xanh của Việt Nam đã đạt 528.000 tỷ đồng, tỷ trọng trên tổng dư nợ là 4,2%, tăng hơn 5% so với cuối năm 2022.

Năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn trong tín dụng xanh. (Nguồn: GIZ).

Đặc biệt, ngành năng lượng chiếm tỷ trọng rất lớn trong việc chuyển đổi sang kinh tế xanh của Việt Nam. Tỷ trọng của tín dụng xanh dành cho năng lượng tái tạo cũng rất lớn. Trong số hơn 500.000 tỷ đồng tín dụng xanh có tới 233.000 tỷ đồng dành cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. Theo số liệu mới nhất mà ông Hải thông tin, tín dụng xanh đã lên tới 243.000 tỷ đồng.

"Khoản tín dụng này chiếm khoảng 35% tổng vốn dành cho các dự án điện mặt trời, điện gió quy mô lên tới 22KW trong thời gian qua. Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm về năng lượng tái tạo, trong đó riêng tín dụng xanh đã khoảng 11 tỷ USD, chiếm 2% tổng dư nợ của nền kinh tế", ông Hải nhận định.

Với lĩnh vực trái phiếu xanh, quy mô lại đang giảm mạnh, năm 2021 là 37.000 tỷ nhưng đến 2023 chỉ còn khoảng hơn 3.000 tỷ đồng. So với quốc tế, con số này còn rất khiêm tốn, bởi trên thế giới, trái phiếu xanh chiếm hơn 50% tổng giá trị phát hành trái phiếu.

Theo ông, về lâu dài, để phát triển thành công thị trường vốn xanh tại Việt Nam, cần có các nhóm giải pháp hỗ trợ để chuẩn hóa khung tiêu chí đánh giá, tạo cầu cho các sản phẩm tài chính xanh. Ngoài ra, cần phát triển hơn nữa sự hình thành và tham gia của các quỹ đầu tư tập thể thông qua việc xây dựng cơ chế thuế; khuyến khích tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán thông qua quỹ đầu tư, phù hợp các với thông lệ quốc tế.

Cần có cơ chế ưu đãi cho DN chuyển đổi xanh

Diễn đàn Tăng trưởng xanh Việt Nam 2023. (Ảnh: Hạ An).

Còn theo ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, để tăng khả năng tiếp cận dòng vốn xanh của doanh nghiệp thì cần có cơ chế ưu đãi cho đầu tư xanh, tín dụng xanh nhằm khuyến khích đầu tư vào các dự án chuyển đổi xanh.

Rà soát, sửa đổi bổ sung quy định về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc tiếp cận nguồn vốn cho tăng trưởng xanh của nước ngoài; Nâng cấp, thể chế hóa Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và yêu cầu Báo cáo bền vững đối với doanh nghiệp ở các địa phương.

Bên cạnh đó, cần rà soát và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh cũng như phát hành trái phiếu xanh. Theo ông, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh và ngân hàng xanh, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về tín dụng xanh phù hợp với quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, cũng như quy định về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. 

Theo ông, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra khái niệm về tín dụng xanh, yêu cầu quản lý rủi ro môi trường nhưng cần chi tiết hóa các thông tin về cấp tín dụng xanh, thể chế hóa việc quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng tại các văn bản pháp lý chuyên ngành.

Với trái phiếu xanh, Nghị định 153 đã đưa ra khái niệm về trái phiếu doanh nghiệp xanh, nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu xanh, quy định về công bố thông tin trước đợt chào bán và công bố thông tin định kỳ của tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh. Tuy nhiên, cần chi tiết hóa và bổ sung các quy định về phát hành trái phiếu xanh.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng quy định về bảo hiểm xanh; xây dựng danh mục các sản phẩm bảo hiểm xanh nhằm bảo hiểm trách nhiệm ô nhiễm môi trường đối với các ngành có rủi ro môi trường cao: hoạt động này phát triển từ yêu cầu của mục tiêu phát triển nhanh và bền vững về việc phát triển thị trường bảo hiểm xanh.

Hạ An