|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phần mềm lậu, tài khoản rác tràn lan khiến mối đe doạ an ninh mạng gia tăng tại Việt Nam

14:24 | 03/04/2024
Chia sẻ
Với sự phát triển nhanh chóng của hoạt động kinh tế số, Việt Nam đang rơi vào tầm ngắm của các tổ chức tin tặc nước ngoài.

Ngày 2/4, một doanh nghiệp trong ngành năng lượng Việt Nam là PVOil thông báo hệ thống công nghệ bị hacker tấn công. Sự kiện diễn ra chỉ một ngày sau khi công ty chứng khoán VNDirect hoạt động trở lại. Đơn vị môi giới chứng khoán có thị phần thứ ba Việt Nam mất hơn một tuần để khắc phục sự cố an ninh mạng khiến công ty phải ngừng giao dịch và ngắt kết nối với HOSE cũng như HNX.

8 ngày là thời gian để VNDirect xử lý vụ tấn công do mã độc và cũng trong thời gian đó, Bảo hiểm Bưu điện cùng PVOil là những đơn vị tiếp theo bị hacker xâm nhập hệ thống.

Theo báo cáo của Trung tâm An ninh mạng Quốc gia, gần 14.000 tổ chức trên khắp Việt Nam đã bị tấn công mạng trong năm 2023, tăng 10% so với năm trước. Mặc dù thiệt hại ước tính do phần mềm độc hại gây ra đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp xuống còn 17,3 nghìn tỷ đồng nhưng theo các chuyên gia, một số chỉ số an ninh mạng khác vẫn tiếp tục xấu đi.

 Sự cố an ninh mạng tại VNDirect mở đầu cho hàng loạt vụ tấn công khác. (Ảnh: VNDirect).

Theo chuyên gia an ninh mạng của Menlo Security - Ngọc Bùi, điều kiện kinh tế, đặc biệt là ở các khu vực có cơ hội việc làm hạn chế và mức lương thấp, có thể khiến nhiều đối tượng chuyển hướng sang các hoạt động tấn công mạng.

"Điều này đặt ra vấn đề phải tạo thêm công việc hợp pháp trong lĩnh vực công nghệ nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và chống lại tội phạm mạng", ông Ngọc Bùi trả lời trên chuyên trang an ninh mạng Dark Reading.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á. Theo gã khổng lồ tư vấn PricewaterhouseCoopers, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến ​​sẽ vượt qua 43 tỷ USD vào năm 2025, một phần nhờ sự tập trung vào công nghệ với các sáng kiến như thành phố thông minh và trí tuệ nhân tạo. Hồi giữa tháng 3, gần 60 công ty Mỹ gồm những ông lớn như Meta và Boeing... đã đến thăm Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Thế nhưng, theo Bkav Technology Group, gần 750.000 hệ thống đã bị tấn công bởi phần mềm độc hại đánh cắp thông tin đăng nhập vào năm 2023, tăng 40% so với năm trước.

Ngoài ra, gian lận tài chính trực tuyến gia tăng do một vấn đề đặc thù tại Việt Nam khi chủ tài khoản ngân hàng bán quyền truy cập vào các tài khoản không sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc phụ trách an ninh mạng tại Bkav cho biết, những "tài khoản rác" này khiến việc truy vết tội phạm mạng theo dấu dòng tiền trở nên khó khăn.

Ông nói: "Nhiều người chỉ đơn giản nghĩ rằng bán các tài khoản mà họ không sử dụng sẽ không thành vấn đề. Nhưng thực tế, những kẻ xấu đã lợi dụng các tài khoản ngân hàng này để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp, che giấu nguồn tiền, gây khó khăn cho quá trình điều tra".

Phần mềm bẻ khóa hoặc lậu là một vấn đề lớn khác. Theo Bkav, 53% máy tính được cho là sử dụng phần mềm lậu.

Sarah Jones, nhà phân tích nghiên cứu tình báo mối đe dọa an ninh mạng tại Critical Start cho biết, trong khi Chính phủ đã ban hành các nghị định để nâng cao nhận thức về an ninh mạng, người dân vẫn tiếp tục "hưởng ứng" tham gia vào các hành vi kỹ thuật số rủi ro như tài khoản ngân hàng rác hoặc sử dụng phần mềm bẻ khóa.

Bà nói: "Sự phát triển kỹ thuật số nhanh chóng của Việt Nam tạo ra mục tiêu lớn hơn cho tội phạm mạng. Việc thiếu nhận thức về an ninh mạng trong số người dùng khiến họ dễ bị tấn công hơn". 

Nhà phân tích nhấn mạnh thói quen sử dụng phần mềm bẻ khóa càng khiến các cá nhân và tổ chức dễ bị tấn công bởi phần mềm độc hại.

Thành Vũ

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.