|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Phần lớn người Việt mua hàng online vì khuyến mại

12:03 | 22/10/2020
Chia sẻ
Nhu cầu mua sắm trên thương mại điện tử đã tăng lên rõ rệt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Đây cũng là "phao cứu sinh" cho nhiều doanh nghiệp, giúp họ tăng doanh thu và giữ khách hàng.

Thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỉ USD trong năm nay

Báo cáo tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến - VOMF 2020 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức ngày 21/10, ông Lê Hoàng Long, Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ của Nielsen Việt Nam, cho biết các khảo sát Nielsen thực hiện gần đây đã chỉ ra rằng, nhu cầu mua sắm trên thương mại điện tử đã tăng lên rõ rệt kể từ khi đại dịch bùng phát. 

Song xu hướng mua online thay đổi khi các số lượng đơn hàng về thực phẩm, nhu yếu phẩm tăng lên còn nhóm hàng thời trang, phi thực phẩm giảm đi. Vì thế, giới kinh doanh thương mại điện tử cần thay đổi để phù hợp với xu hướng mới của khách hàng.

Kết quả khảo sát cho thấy 53% người tiêu dùng trả lời họ mua hàng qua mạng do chương trình khuyến mại. 

30% người mua hàng để bổ sung và gia tăng lượng tích trữ. Hiện đa số khách hàng mua sắm online là người trẻ trong độ tuổi 18 - 29, làm văn phòng. 63% số họ là phụ nữ; 88% sử dụng các thiết bị di động và 81% lượng người vẫn thanh toán theo phương thức COD (nhận hàng trả tiền).

Trong thời gian qua, số người lên mạng để mua các sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng (FMCG) tăng trưởng mạnh. Vì vậy, ông Lê Hoàng Long cho rằng FMCG là nguồn tăng trưởng đầy tiềm năng cho ngành thương mại điện tử tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nielsen: 53% người mua hàng online vì có khuyến mại - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Long, Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ của Nielsen Việt Nam. (Ảnh: Như Huỳnh).

Trong khi đó, VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30%, khi đó qui mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỉ USD.

VECOM cho hay Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2019 của Google, Temasek và Bain&Company dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình cho cả giai đoạn 2015 - 2025 là 29%. Khi đó, qui mô thương mại điện tử của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỉ USD và đứng ở vị trí thứ 3 trong khối ASEAN.

Tìm cơ hội tăng trưởng đột phá sau COVID-19 

Giám đốc bộ phận nghiên cứu bán lẻ của Nielsen Việt Nam cho rằng bản thân các doanh nghiệp cần tập trung xây dựng trải nghiệm mua sắm qua Mobile App; xây dựng thói quen mua sắm tích trữ hay bổ sung hàng hóa để dần thay thế cho thói quen mua vì khuyến mại của khách hàng.

Đặc biệt, dù hiện nay đa số người tiêu dùng vẫn có thói quen thanh toán tiền mặt nhưng tương lai việc sử dụng ví điện tử thanh toán sẽ nhiều hơn. Theo số liệu từ công ty Nielsen Việt Nam, trong năm nay khoảng 53% người dùng ví điện tử thanh toán khi mua hàng qua mạng, tăng 28% so với năm 2019.

Trong khi đó, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đánh giá ảnh hưởng của dịch COVID9 tới doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn, nếu không có sự thay đổi, bứt phá, doanh nghiệp sẽ khó tồn tại.

Ông Hải cho rằng, trong giai đoạn hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có cách phát triển nhanh và mạnh mẽ trong thời gian ngắn, với ngân sách thấp nhất có thể, hay còn gọi là chiến lược "growth hacking". Bất kì doanh nghiệp nào cũng cần triển khai các chiến lược tăng trưởng đột phá, nhất là sau khi cơn bão COVID-19 qua đi.

Nielsen: 53% người mua hàng online vì có khuyến mại - Ảnh 2.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương). (Ảnh: Như Huỳnh).

Dẫn chứng những gương mặt sáng giá trên thế giới áp dụng chiến thuật này thành công, ông Hải nói: Airbnb, Facebook, Pinterest, Instagram, Dropbox, Hubspot, Hotmail - đã bắt đầu từ số 0 đến khi có hơn hàng chục triệu người dùng chỉ trong vài năm ngắn ngủi.

“Các doanh nghiệp, startup có thể không theo con đường của những tập đoàn, nhưng hoàn toàn có thể học hỏi những chiến lược bứt phá để áp dụng hậu COVID-19”, ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, để kinh doanh bứt phá nhanh, doanh nghiệp có thể chọn giải pháp tiếp thị super app (còn được gọi là ứng dụng tất cả trong một - one-stop app). Mô hình này là một nền tảng công nghệ tích hợp đa dịch vụ như đặt xe, giao hàng, mua sắm, trò chuyện, thanh toán…

Ông Đỗ Hữu Hưng, Giám đốc của ACCESSTRADE Việt Nam cho rằng “super app” là xu thế bởi mô hình này giúp doanh nghiệp thêm khách hàng mới từ đối tác và giảm chi phí giữ chân khách hàng với nhiều dịch vụ, từ đó giảm chi phí marketing tăng doanh thu hiệu quả hơn.

“Có thể người dùng không có nhu cầu rõ ràng về super app nhưng họ muốn tiện lợi, nhanh chóng nên đây sẽ là xu thế kinh doanh mới”, ông Hưng cho biết thêm.

Các chuyên gia cho rằng kinh doanh trực tuyến có thể là một vấn đề nan giải đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng đây là xu thế tất yếu và doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt để có thể bứt phá hơn sau dịch.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Như Huỳnh

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.