|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 2] Trung Quốc - nguồn lây lan dịch ASF trên khắp châu Á

17:15 | 15/06/2019
Chia sẻ
Dịch ASF đã được xác nhận bùng phát tại Việt Nam, Campuchia và Mông Cổ cũng như Hong Kong. Ngày 31/5, Triều Tiên thông báo dấu hiệu lây nhiễm dịch ASF tại một tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc.
[Phần 2]: Trung Quốc - nguồn lây lan dịch ASF trên khắp châu Á - Ảnh 1.

Công nhân khử trùng tại một trang trại heo ở Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc vào tháng 8/2018 khi dịch tả heo châu Phi bùng phát. Ảnh: Getty Image.

Dịch tả heo châu Phi (ASF) được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 8/2018 tại phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc với khoảng 1.000 con heo bị tiêu hủy. 

Hai tuần sau, ổ dịch thứ hai được phát hiện tại trung tâm tỉnh Hà Nam, nơi cách Liêu Ninh 2.000 km. Với tuyến đường thương mại qua biên giới và du lịch, không thể tránh khỏi khả năng dịch ASF sẽ phát tán ra các quốc gia gần biên giới Trung Quốc.

Dịch ASF cũng đã được xác nhận bùng phát tại Việt Nam, Campuchia và Mông Cổ cũng như Hong Kong. Ngày 31/5, Triều Tiên thông báo sự bùng phát của dịch ASF tại một tỉnh giáp biên giới với Trung Quốc, theo báo cáo từ Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc.

Sự xuất hiện của dịch ASF đặc biệt ảnh hưởng lớn tới Việt Nam, nơi có mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người cao nhất thế giới, tiếp theo là Trung Quốc.

Loại virus này được báo cáo lần đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 2. Đến giữa tháng 3, dịch bệnh đã xuất hiện tại các tỉnh sản xuất thịt heo lớn nhất cả nước và hai triệu con heo đã bị tiêu hủy vào cuối tháng 5. Trong khi đó theo báo cáo chính thức từ Trung Quốc, quốc gia này chỉ tiêu hủy một triệu con mặc dù con số thực tế cao hơn nhiều.

Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn bệnh dịch, Rabobank dự kiến sản lượng thịt heo của Việt Nam trong tháng 5 sẽ giảm 10%.

Việt Nam đã không có động thái nào đổ lỗi cho Trung Quốc về sự bùng phát của dịch ASF nhưng chính nước láng giềng này là nguồn gốc của virus, theo Nikkei Asia Review

Phát biểu với báo chí hồi tháng 3, các quan chức tại Hà Nội cho biết mặc dù dịch có ở tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, hai khu vực Trung Quốc giáp biên giới Việt Nam, rất khó xác định nguồn lây nhiễm xảy ra ở Việt Nam. Mặc dù phát ngôn thận trọng, các nhà khoa học Việt Nam đã xác định rằng các mẫu virus từ Việt Nam và Trung Quốc là giống hệt nhau.

Cả Nhật Bản và Đài Loan cũng phát hiện ra các trường hợp nhiễm virus ASF ở khu vực gần biên giới đồng thời ngăn chặn dịch bệnh thành công, ít nhất là cho đến nay.

Vào tháng 4, Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản báo cáo rằng khách du lịch đã mang xúc xích bị nhiễm bệnh từ Trung Quốc vào nước này. 

Trước đó, nhà chức trách Đài Loan đã báo cáo về việc phát hiện 3 xác heo bị nhiễm bệnh đã dạt vào bờ biển đảo Kim Môn thuộc lãnh hải Đài Loan, nằm cách bờ biển phía đông nam Trung Quốc 5 km. Nếu như du khách đặt chân tới đại lục Đài Loan bị phát hiện mang theo hành lí chứa các sản phẩm thịt heo sẽ bị xử hành chính.

Những quốc gia châu Á khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Myanmar và Lào đang trong tình trạng báo động về những nơi dịch ASF hoành hành.

[Phần 2]: Trung Quốc - nguồn lây lan dịch ASF trên khắp châu Á - Ảnh 2.

Nguồn: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc

Ngăn chặn dịch ASF

Trung Quốc phải đối mặt với thách thức lớn trong việc ngăn chặn và loại bỏ dịch bệnh này. Cơ quan quản lí dịch ASF yêu cầu kiểm soát cực kì nghiêm ngặt đối với thức ăn cho heo để loại trừ bất kì nguyên liệu nhiễm bệnh nào, loại bỏ heo rừng làm đường lây truyền, chẩn đoán nhanh, giết mổ và xử lí tất cả các động vật nơi báo cáo dịch bệnh cũng như khử trùng toàn bộ nông trại.

Một khi dịch được kiểm soát, một trong những kết quả lớn nhất dịch ASF mang lại cho Trung Quốc là tái cấu trúc ngành chăn nuôi heo. 

"Cách duy nhất để nông dân và các công ty có thể loại bỏ được dịch bệnh này là hội nhập theo chiều dọc", theo Even Pay, chuyên gia phân tích nông nghiệp tại China Policy, một công ty tư vấn chiến lược ở Bắc Kinh.

Bà Pay giải thích các công ty sẽ cần phải tự nuôi heo con và có khả năng tự sản xuất thức ăn, người chăn nuôi phải đảm bảo gia súc không tiếp xúc với heo bị dịch bên ngoài. Giao thông vận tải sẽ cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

"Qui mô các trang trại heo của Trung Quốc đã tăng rất nhiều trong 5 năm qua do áp lực điều tiết thị trường khiến những người chăn nuôi nhỏ lẻ và kém chuyên nghiệp không có chỗ đứng".

Điều này có thể dẫn đến những thay đổi trong thực đơn người tiêu dùng Trung Quốc vì từ lâu họ đã sẵn sàng trả giá cao cho thịt heo tươi. Do đó, thịt heo tươi thường được vận chuyển khoảng cách xa đến các lò giết mổ gần trung tâm - đôi khi cách trang trại hàng ngàn km.

"Việc này sẽ cực kì tốn kém hoặc thậm chí là không thể trong bối cảnh phòng ngừa và kiểm soát dịch ASF. Kiểm soát dịch bệnh thậm chí có thể thay đổi điều này và về lâu dài thị hiếu đối với thịt tươi có thể thay đổi". Bà Pay nhận định

Linh Giang