[Phần 2] Sự kiện hàng hóa nổi bật 2018: Sóng giá ập đến thị trường dầu thô, Việt Nam xuất siêu 7,2 tỉ USD cả năm
Một năm sóng giá với giá dầu thô
2018 là năm đầy biến động của giá dầu thô, đặc biệt là quý IV. Sau khi ông Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5 đồng thời ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ nước này,
Cùng lúc đó, một số nước khai thác dầu thô lớn như Arab Saudi, Nga vẫn đang thực hiện các biện pháp kiềm chế sản lượng.
Một năm sóng giá với giá dầu thô |
Những động thái này khiến thị trường lo ngại rằng nguồn cung dầu thô sẽ bị hụt dẫn đến giá dầu thô liên tục tăng mạnh. Đỉnh điểm hồi tháng 10, giá dầu thô chạm ngưỡng đỉnh 4 năm ở mức 87 USD/thùng đối với giá dầu Brent và dầu WTI đạt ngưỡng 77 USD/thùng.
Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi bắt đầu từ tháng 11 khi cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo tiêu thụ và nhu cầu dầu toàn cầu sẽ suy yếu do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại. Thêm vào đó, áp lực dư cung vẫn lớn khi sản lượng dầu thô Mỹ không ngừng tăng.
Kết quả là liên tiếp sau đó là những chuỗi ngày lao dốc của giá dầu thô. Đặc biệt, có những phiên giá dầu ghi nhận mức rơi tự do tới 7% hoặc gần gần 8%.
Tính đến ngày 29/12, giá dầu WTI và dầu Brent chỉ còn khoảng 45,3 USD/thùng và 53,3 USD/thùng.
So với ngưỡng đỉnh 4 năm thiết lập hồi tháng 10, giá dầu WTI và dầu Brent giảm 42% và 39%. Tính chung trong năm 2018, giá dầu WTI giảm 25%, giá dầu Brent giảm 20%.
Nâng thuế môi trường kịch trần đối với xăng dầu
Ngày 22/2, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1/7, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được đề xuất tăng lên kịch khung quy định của luật.
Nâng thuế môi trường kịch trần đối với xăng dầu |
Cụ thể, thuế môi trường đối với xăng tăng 1.000 đồng/kg lên kịch khung 4.000 đồng/lít. Dầu mazut tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít. Mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên mức trần 2.000 đồng/kg.
Trước đề nghị này nhiều ý kiến bày tỏ quan ngại sẽ ảnh hưởng lớn đến giá xăng dầu trong nước và chỉ số CPI.
Báo Dân Trí dẫn lời bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá , Tổng cục Thống kê cho rằng nếu tăng thuế bảo vệ môi trường kịch trần sẽ tạo thêm sức ép lên mặt bằng giá cả, CPI sẽ bị tác động tăng thêm 0,27%-0,29%.
Trong tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Tài chính chuẩn bị trình biểu thuế mới đánh thuế bảo vệ môi trường ra Quốc hội. Tại thời điểm đó, theo dự tính nếu được thông qua, biểu thuế sẽ có hiệu lực trong tháng 10, tức là chậm hơn 3 tháng so với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, phải đến giữa tháng 9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới thảo luận và biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Giải cứu thanh long
Chắc hẳn, trong những ngày cuối năm 2018, ngay cả khi giá thanh long đã phục hồi lên khoảng 20.000 đồng/kg, người dân tỉnh Bình Thuận vẫn chưa thể nào quên nỗi “ảm ảnh” từ cuộc giải cứu thanh long hồi tháng 10.
Khi đó, giá thanh long chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều hộ không thể bán được nên buộc phải chặt bỏ quả. Nguyên nhân là Trung Quốc bất ngờ ngừng mua và khiến giá mặt hàng này lao dốc thảm hại.
Được biết, thanh long ở Bình Thuận chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Tỉ trọng thanh long xuất khẩu sang thị trường này chiếm tới 70 - 80%. Các thị trường khác cũng tiêu thụ thăng long Việt Nam như Mỹ, Australia… cũng có giá bằng Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn tại các thị trường này khắt khe hơn.
Trung Quốc thắt chặt việc nhập khẩu sắn
Việc xuất khẩu sắn sang Trung Quốc những tháng cuối năm 2018 trở nên khó khăn hơn bởi quy định nhãn mác, xuất xứ nguồn gốc mà phía nước này đưa ra.
Theo đó, từ ngày 15/11, tại khu vực cửa khẩu Na Hình (Lạng Sơn), Trung Quốc yêu cầu hàng hóa trên bao bì phải ghi rõ loại hàng, quy cách, hàm lượng, ngày sản xuất... nếu hàng hóa không đáp ứng đầy đủ yêu cầu thì sẽ không đủ điều kiện nhập khẩu.
Cụ thể, các lực lượng chức năng phía Trung Quốc thông báo hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tinh bột sắn, sắn lát vào thị trường Trung Quốc chưa thông qua Chính phủ Việt Nam để đăng ký danh sách doanh nghiệp sản xuất với cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Trung Quốc thắt chặt việc nhập khẩu sắn |
Do vậy, bắt đầu từ ngày 15/11 mặt hàng tinh bột sắn, sắn lát không được phép thông quan.
Cơ quan Hải quan Trung Quốc yêu cầu tinh bột sắn, sắn lát phải do doanh nghiệp Việt Nam có trong danh sách đã được đăng ký với cơ quan Hải quan Trung Quốc sản xuất.
Khi thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu phải xuất trình chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan Kiểm dịch của Việt Nam chứng nhận. Nhãn mác biểu thị trên bao bì phải được in lên bao bì vừa đóng gói trước khi xuất xưởng, không cho phép hàng hóa đến cửa khẩu mới dùng biện pháp phun tạm thời hoặc lồng bao bì có in sẵn sản phẩm hay những cách thức và hình thức khác.
Trên bao bì cần ghi rõ các mục như nơi sản xuất, phân loại chất lượng, đơn vị sản xuất, ngày sản xuất và ghi rõ ràng hàng hóa dùng trong thực phẩm hay dùng trong công nghiệp.
Trung Quốc nổi lên là thị trường tiêu thụ lớn sắn Việt Nam trong năm nay. Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, tính chung 11 tháng năm 2018, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu đạt 2,22 triệu tấn, thu về 881,26 triệu USD.
Trong đó, xuất khẩu sắn sang Trung Quốc giai đoàn này đạt 1,96 triệu tấn, trị giá 772,84 triệu USD, chiếm tỉ trọng lần lượt 88,3% về lượng và 87,7% về kim ngạch.
Theo ông Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc, nhu cầu mặt hàng này tại Trung Quốc rất lớn, đặc biệt là ở tỉnh Quảng Tây. Từ lâu, nhiều tỉnh Trung Quốc yêu cầu sử dụng xăng E5 và E10 kéo theo nhu cầu sắn để sản xuất loại xăng này cao.
Trong khi đó, nước này trồng được rất ít sắn và phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Việt Nam tiếp tục xuất siêu hơn 7 tỉ USD năm 2018
Tiếp nối thành công năm 2017, năm nay, Việt Nam xuất siêu 7,2 tỉ USD các mặt hàng.
Cụ thể, theo Tổng Cục Thống kê tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỉ USD, tăng 13,8% so với năm 2017.
Việt Nam tiếp tục xuất siêu hơn 7 tỉ USD năm 2018 |
Trong năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỉ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỉ USD.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam chi 237,51 tỉ USD để nhập khẩu hàng hóa, tăng 11,5% so với năm trước. Trong đó, có 36 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỉ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng trên 10 tỉ USD.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/