|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

[Phần 1] Ngành công nghiệp thịt heo Mỹ thấy gì khi Trung Quốc chật vật đối phó ASF

10:19 | 13/06/2019
Chia sẻ
Trong tháng 5, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng vì giá thực phẩm leo thang khi giá thịt heo tăng vọt. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc dự báo giá thịt heo sẽ tăng 70% vào cuối năm nay.
[Phần 1]: Nikkei: Nỗi lo dịch ASF đẩy tỉ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng cao - Ảnh 1.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ gánh chịu hậu quả kinh tế nghiêm trọng do dịch ASF gây ra trong một hoặc hai năm tới. Ảnh: Reuters.

Cuối năm 2002, khi virus SARS bắt đầu lan rộng ở miền Nam Trung Quốc và cho đến tháng 2/2003, cơ quan y tế mới báo cáo về tình trạng bệnh dịch lây nhiễm lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). 

Sự mất kiểm soát đối với những biểu hiện ban đầu của dịch bệnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho virus lây lan trên toàn cầu, dẫn tới sự lây nhiễm hơn 8.000 người và khiến hơn 700 người ở 37 quốc gia tử vong.

Nỗi lo dịch ASF đẩy tỉ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng cao

Sự lây lan nhanh chóng của dịch tả heo châu Phi (ASF) trên khắp Trung Quốc và các nước láng giềng hiện nay là một tình trạng tương tự. Giống như hậu quả mà SARS gây ra, Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả kinh tế nghiêm trọng từ dịch ASF trong một hoặc hai năm tới, theo các chuyên gia.

"Dịch bệnh này sẽ có những tác động tới nền kinh tế vĩ mô và quan trọng nhất nó sẽ làm cho giá thực phẩm, không chỉ thịt heo mà cả các sản phẩm protein thay thế như thịt gà và trứng đắt hơn trong một đến hai năm tới. Điều này ảnh hưởng đến việc tiêu dùng của người có thu thập thấp và trung bình", theo ông Even Pay, chuyên gia phân tích nông nghiệp tại China Policy, một công ty tư vấn chiến lược ở Bắc Kinh. 

Dịch ASF được báo cáo lần đầu tiên vào tháng 8/2018 và hiện lây ra khắp các khu vực ở Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng hiện tại cũng sẽ thúc đẩy lạm phát, tạo ra lực cản cho nền kinh tế của Trung Quốc tại thời điểm tăng trưởng đã chậm lại, theo Nikkei Asia Review.

Trong tháng 5, lạm phát tiêu dùng của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 15 tháng vì giá thực phẩm leo thang khi giá thịt heo tăng vọt, theo dữ liệu chính thức mới nhất. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc dự báo giá thịt heo sẽ tăng 70% vào cuối năm nay (đây có thể là một ước tính chủ quan).

[Phần 1]: Nikkei: Nỗi lo dịch ASF đẩy tỉ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng cao - Ảnh 2.

Nguồn: Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc

Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu nên hậu quả của dịch ASF có thể sẽ lan rộng ra thị trường quốc tế. Do đó, những mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc như ngũ cốc và hạt chứa dầu có thể giảm vì khi nhu cầu thịt tăng. 

"Mặc dù chỉ có lạm phát sản xuất và rau củ quả tấn công người tiêu dùng nhưng giá thịt heo đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng lớn heo nuôi bị tiêu hủy", theo ông Christopher Balding, Phó Giáo sư tại Đại học Fulbright Việt Nam, cho biết. 

"Với khối lượng thịt heo dự trữ giảm hơn 20% do dịch ASF, việc thiếu nguồn cung đang đẩy giá thịt heo tăng cao, một yếu tố gây nên lạm phát".

Qui mô thiệt hại dự kiến sẽ tấn công mạnh ngành công nghiệp thịt heo trị giá 128 tỉ USD của Trung Quốc. 

Theo ước tính của Rabobank, trong năm nay Trung Quốc sẽ chịu tổn thất 30% trong sản xuất thịt heo do hậu quả của dịch ASF. Con số 30% trong sản xuất tương đương với toàn bộ nguồn cung thịt hàng năm của châu Âu và lớn hơn 30% so với sản xuất thịt heo hàng năm của Mỹ.

Lợi hay hại cho Mỹ từ dịch ASF

Trung Quốc giết mổ 700 triệu con heo hàng năm và ước tính 150 - 200 triệu con bị ảnh hưởng kể từ khi dịch bùng phát. 

Các chuyên gia nghiên cứu của Rabobank dự đoán sự kết hợp của việc chuyển đổi sang nguồn protein thay thế khác cũng như tăng nhập khẩu thịt heo từ những thị trường như Mỹ, châu Âu và Brazil sẽ không đủ để bù lỗ, dự đoán khoảng cách nguồn cung ròng là gần 10 triệu tấn trong năm nay.

Những khó khăn từ dịch ASF gây ra cho Trung Quốc đến cùng thời điểm cuộc chiến thương mại leo thang với Mỹ. 

Trước khi dịch ASF lan rộng trên toàn quốc, Trung Quốc đã áp dụng mức thuế trả đũa 62% đối với thịt heo xuất khẩu của Mỹ. Bắc Kinh khó có thể xóa bỏ các mức thuế đó vì động thái như vậy sẽ được coi là một dấu hiệu của sự thua trận trong cuộc chiến thương mại.

[Phần 1]: Nikkei: Nỗi lo dịch ASF đẩy tỉ lệ lạm phát của Trung Quốc tăng cao - Ảnh 3.

Người tiêu dùng mua thịt heo đông lạnh tại một khu chợ ở Hong Kong, nơi bùng phát dịch ASF vào tháng 5. Ảnh: AP.

Ngành công nghiệp thịt heo của Mỹ nhìn thấy cả cơ hội và thách thức khi Trung Quốc chật vật đối phó với dịch ASF. 

Giá thịt heo giao sau của Mỹ đã hồi phục vào mùa thu năm ngoái khi tin tức về dịch bệnh ở Trung Quốc bùng phát, đạt mức cao nhất vào tháng 11/2018, sau đó chạm đáy vào cuối tháng 2 và hồi phục vào tháng 3 khi Trung Quốc nhập khẩu số lượng lớn thịt heo từ Mỹ.

Thuế quan của Trung Quốc đối với thịt heo của Mỹ giảm ít, nhiều do giá giảm. 

Dennis Smith, chuyên gia phân tích của Archer Financial Services ở Chicago, cho hay giá các sản phẩm từ heo như giăm bông, thịt thăn giao dịch ở mức thấp nhất 10 năm vào mùa thu năm ngoái. Cuối tháng 2, giá giăm bông chạm đáy 10 năm, còn giá thịt thăn giao dịch ở mức thấp nhất chưa từng thấy.

Vào giữa tháng 5, Trung Quốc đã hủy đơn đặt hàng 3.247 tấn thịt heo từ Mỹ, đây là vụ hủy hợp đồng lớn nhất trong năm, giáng một đòn mạnh vào người nông dân Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại. 

Việc hủy bỏ đơn hàng được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ tấn công Trung Quốc bằng một làn sóng thuế quan mới khi Bắc Kinh không tuân theo thỏa thuận trước đó nhằm xoa dịu xung đột giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Linh Giang

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.