[Phần 1] Hana Financial Group – ‘Hôn nhân tin đồn’ với BIDV và những cuộc 'chinh phạt'
Những cuộc 'chinh phạt'
Giới tài chính gần đây nhắc đến khá nhiều về Tập đoàn Tài chính Hana (Hana Financial Group) của Hàn Quốc khi liên tục rộ lên tin đồn về khả năng sẽ tham gia mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – Mã: BID).
Quá trình tăng vốn của BIDV chật vật suốt 4 năm nay khi vẫn chưa tìm được đối tác ngoại chính thức nào. Tiêu chí của BIDV đưa ra hồi năm 2014 về đối tác chiến lược là phải có tổng tài sản tối thiếu 20 tỷ USD, kinh nghiệm 5 năm trên lĩnh vực tài chính…
Xét về điều kiện này, Hana hẳn đã đáp ứng hoàn toàn.
Tập đoàn Tài chính Hana tiền thân là Công ty tài chính đầu tư Hàn Quốc, bắt đầu hoạt động bằng 2 chi nhánh vào năm 1971. Quá trình hình thành và phát triển của Tập đoàn đánh dấu 4 giai đoạn quan trọng.
Cụ thể, giai đoạn 1971 - 1991 cho ra đời Công ty tài chính đầu tư Hàn Quốc. Năm 1984, bán tài khoản quản lý hối phiếu đầu tiên tại Hàn Quốc.
Giai đoạn 1991 - 2005 thiết lập để trở thành ngân hàng hàng đầu, đánh dấu bằng những cuộc "chinh phạt" hợp nhất và tiếp nhận một loạt ngân hàng.
Trong đó, vào tháng 7/1991, Công ty mẹ đã chuyển đổi thành Ngân hàng Hana với quy mô tài sản là 150 triệu won. Tháng 9/1995, áp dụng dịch vụ ngân hàng tư nhân đầu tiên tại Hàn Quốc. Tháng 11/1996, niêm yết trên thị trường chứng khoán London với giá trị 73 triệu USD. Năm 1998, Hana thu hút được khoản đầu tư 152 triệu USD từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC)
Tháng 6/1998, Tập đoàn tiếp nhận Ngân hàng Chungcheong cho ra đời Ngân hàng Hana tại Chungcheong (một tỉnh phía Tây Hàn Quốc). Đến tháng 1/1998, sáp nhập với Ngân hàng Boram, cho ra đời Ngân hàng Hana Tổng hợp. Tháng 8 năm nay, ra đời ngân hàng di động, với dịch vụ tài chính di động đầu tiên tại Hàn Quốc.
Tháng 1/2000. Tập đoàn mở trung tâm tài chính đêm đầu tiên trong giới ngân hàng. Tháng 12/2002, hợp danh với Ngân hàng Seoul; tháng 2/2004 tiếp nhận Ngân hàng Quốc tế Thanh Đảo của Trung Quốc; tháng 5/2005, tiếp nhận Công ty Chứng khoán Đầu tư Daehan.
Giai đoạn 2005 - 2011 là đột phát thành tập đoàn tài chính tổng hợp đánh dấu bằng sự kiện Tập đoàn Tài chính Hana ra đời vào tháng 12/2005.
Năm 2006, hợp nhất công ty con có tên Công ty Chứng khoán Hana. Năm 2007, thành lập Công ty quản lý Tài sản Hana UBS, ra đời Công ty TNHH Ngân hàng Hana tại Trung Quốc. Năm 2008, ra đời Công ty Bảo hiểm Nhân thọ HSBC, ký hợp đồng mua thị phần có quy mô 300 tỷ won (265 triệu USD) với Ngân hàng Gilim.
Năm 2009, quỹ tài chính vi mô Hana ra đời; năm 2010 ra đời công ty thẻ Hana SK (liên danh giữa Tập đoàn Tài chính Hana và SK Telecom).
Giai đoạn từ 2012 về sau này, Hana mục tiêu trở thành tập đoàn tài chính toàn cầu. Dấu mốc đầu tiên vào tháng 2/2012, Tập đoàn tiếp quản Ngân hàng Hối đoái Hàn Quốc (Korea Exchange Bank - KEB) từ Công ty Đầu tư Lone Star của Mỹ. Việc mua lại 51,02% cổ phần của KEB, ngân hàng lớn thứ 6 của Hàn Quốc, với trị giá 4.690 tỷ won (4,1 tỷ USD) được xem là thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng Hàn Quốc.
Đến ngày 1/9/2015, Ngân hàng Hana và Ngân hàng Ngoại hối Hàn Quốc (Korea Exchange Bank) chính thức sáp nhập thành Ngân hàng KEB Hana, chấm dứt lịch sử 48 năm của Korea Exchange Bank kể từ khi thành lập vào năm 1967.
Các dấu mốc quan trọng của Hana Financial Group 5 năm trở lại đây:
(Nguồn: hanafn) |
Hana Financial Group ‘khủng’ cỡ nào?
Tính đến đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Tập đoàn đạt đến 476.138 tỷ won (tương đương hơn 40 tỷ USD), nằm trong top 100 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới (xét về vốn cơ bản).
Tháng 4/2018, mạng lưới của Hana phủ 24 quốc gia với 153 chi nhánh, được xem là Tập đoàn có mạng lưới nước ngoài lớn nhất Hàn Quốc. Trong đó, nhiều nhất là ở Indonesia với 68 chi nhánh, Trung Quốc 33 chi nhánh, Canada 12 chi nhánh, Việt Nam có 2 chi nhánh và 1 văn phòng đại diện tại TP HCM và Hà Nội.
Mạng lưới Hana trên thế giới. (Nguồn: Hana Financial Group) |
Hiện Công ty Cổ phần Tài chính Hana là công ty mẹ điều hành Tập đoàn với ba trục chính là Chiến lược kinh doanh, Kênh lưu thông, Khai thác sản phẩm nhằm tăng cường những nguồn năng lực của các công ty cổ phần và các công ty liên quan.
Sơ đồ các công ty thuộc Công ty Cổ phần Tài chính Hana – Công ty mẹ quản lý kinh doanh và tài chính của Tập đoàn. (Nguồn: Hana Financial Group) (Click vô để xem ảnh đầy đủ kích thước) |
Còn nhớ hồi tháng 3, Businesskorea đưa tin, đại diện của Hana Financial Group có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tài chính tại Việt Nam thông qua việc mua cổ phần của BIDV. Việc đàm phán hai bên có vẻ thuận lợi khi chỉ còn chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Chủ tịch Kim Jung-tai nhấn mạnh sự hợp tác giữa Hana và BIDV sẽ tạo cơ hội kinh doanh tốt, đặc biệt là lĩnh vực thanh toán di động tại Việt Nam.
Ngay cả Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho biết Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và chào đón Hana tới đầu tư thị trường tài chính Việt Nam, ông đánh giá cao việc Keb Hana hợp tác với BIDV và cho rằng hai bên có nhiều tiềm năng trong khai thác lĩnh vực fintech và thanh toán di động ở Việt Nam thời gian tới.
Được biết, Hana Financial Group tiếp tục củng cố vị thế dẫn đầu của mình trong ngân hàng kỹ thuật số của Hàn Quốc bằng cách thành lập Finnq năm 2016. Tính đến năm 2017, Hana có gần 8,4 triệu người dùng Mobile Banking, mục tiêu đến 2025, hoạt động phi ngân hàng sẽ đóng góp 30% tổng lợi nhuận.
Finnq là một liên doanh được thành lập vào năm 2016 giữa Hana Financial Group và SK Telecom, trong đó Hana nắm giữ 51% cổ phần. Finnq kết hợp dịch vụ tài chính của Hana Financial Group với chuyên môn công nghệ di động của SK Telecom, công ty cung cấp các dịch vụ tài chính di động, là một phần của cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng như quản lý tài sản di động, tư vấn tài chính, các dịch vụ tài khoản, tài chính các nhân... |
Theo một số nguồn tin, phía BIDV đang chạy roadshows để tìm kiếm các nhà đầu tư tài chính tiềm năng. Tuy nhiên, quá trình này mất nhiều thời gian do yêu cầu của NHNN rằng giá phát hành không thể thấp hơn giá thị trường.
Vào ngày 14/9, BIDV thông báo về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản trong tháng 10. Nhiều chuyên gia kỳ vọng việc lấy ý kiến này có liên quan đến chào bán công khai hoặc riêng lẻ cổ phiếu của BIDV cho các nhà đầu tư chiến lược.
Kết thúc phiên 10/10, cổ phiếu BIDV đóng cửa ở 35.350 đồng/cp, tăng khoảng 60% trong ba tháng qua, thanh khoản bình quân 10 ngày đạt 2,5 triệu đơn vị/phiên. Vốn hóa đạt 120.852 tỷ đồng.
Xem thêm |