|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư'

20:33 | 09/06/2017
Chia sẻ
Chiều 9/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Phiên họp chiều 9/6 của Quốc hội kéo dài thời gian thảo luận đến 18h30' thay vì kết thúc lúc 17h như mọi khi.

"Phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư"

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Tuấn Anh (Bình Phước) đồng tình với 8 giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất giải pháp cần tập trung nhằm thu hút cộng đồng doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, để góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

"Phải xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư", ĐB Nguyễn Tuấn Anh phát biểu.

ĐB Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho biết, năm 2016, hai chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. ĐB Phúc đề nghị Chính phủ phân tích đầy đủ nguyên nhân chủ quan của những hạn chế yếu kém, để thấy thấu đáo vấn đề, từ đó rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thời gian tới.

Đối với năm 2017, trước những dự báo tình hình thế giới và trong nước tác động không thuận lợi đến kinh tế-xã hội của đất nước, đại biểu còn phân vân chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP 6,7%. Do vậy, đại biểu này đề nghị Chính phủ cần giải thích rõ, có sức thuyết phục hơn cơ sở của chỉ tiêu này để đảm bảo tính khả thi cao.

ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) đề nghị Chính phủ cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán chống buôn lậu gian lận thương mại, chống thất thu thuế và nợ đọng tiền thuế.

Kế hoạch tăng trưởng GDP 6,7%

Trước khả năng tăng trưởng chỉ có thể đạt 6,3% trong năm nay, ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng Chính phủ phải xác định dư địa khai thác để có thể được thêm khoảng 0,5% tăng trưởng nhưng không tạo ra áp lực cho lạm phát, nợ công.

Theo ĐB Hoa, Chính phủ tăng tổng cầu của nền kinh tế thông qua tăng mức tăng trưởng tín dụng thêm 2% so với tổng dư nợ tín dụng, bao gồm cả cho tiêu dùng, đầu tư.

"Tăng trưởng tín dụng thêm 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ vì lạm phát cơ bản đang diễn biến thuận lợi. Quý I/2017, lạm phát cơ bản chỉ ở mức 1,66%. Tuy nhiên, kèm theo giải pháp này thì Chính phủ không tăng điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục từ nay tới cuối năm", ĐB Hoa phát biểu.

ĐB Hoa đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ nút thắt cho tăng trưởng hiện nay là thủ tục hành chính cho xây dựng, đầu tư để thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư tư nhân, nhất là thủ tục giải ngân nhanh cho các dự án đầu tư giao thông.

“Nếu tới Quý III/2017, Chính phủ, các địa phương giải ngân được 70% vốn đầu tư thì sẽ có tác động tăng trưởng tốt. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cái này rồi và cần phải quyết liệt hơn nữa”, ĐB Hoa phát biểu.

phai xu ly nghiem to chuc ca nhan nhung nhieu gay kho khan cho doanh nghiep va nha dau tu
Chính phủ phải xác định dư địa khai thác để có thể được thêm khoảng 0,5% tăng trưởng nhưng không tạo ra áp lực cho lạm phát, nợ công. Ảnh: UEF.

Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp trong nước

Một số đại biểu Quốc hội góp ý cần đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nội địa để đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu: “Trong khi Quốc hội đang chuẩn bị thông qua Luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa thì trên thương trường tiếp tục diễn ra các thương vụ thâu tóm, sáp nhập trong thị trường bán lẻ. Hiện tượng này gây nguy cơ khó khăn cho các DN trong nước, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, bởi các sản phẩm của họ vơi dần sau khi các siêu thị Việt rơi vào tay các ông chủ ngoại”.

Theo tỉnh Bình Dương, một thị trường hơn 90 triệu dân với phần lớn là dân số trẻ, kinh tế đang phát triển và đời sống thu nhập đang được cải thiện nhưng Việt Nam phải nhìn người Việt mua hàng ngoại, DN ngoại mua DN Việt.

"Khi các tập đoàn nước ngoài chi phối thị trường nội địa thông qua hệ thống các kênh phân phối và bán lẻ thì chắc chắn sẽ tạo ra hệ lụy cho các ngành sản xuất nội địa”, ĐB Nhân kết luận.

Trong khi đó, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) chỉ ra có những nơi, những cấp mà cán bộ trì trệ, bảo thủ sẽ là thách thức lớn đối với tinh thần Chính phủ kiến tạo.

ĐB Tám đặt vấn đề về sự chậm đổi mới trong quản lý Nhà nước ở các cấp gắn liền với các rào cản về lợi ích đã khiến cho số doanh nghiệp giải thể, phá sản bằng 79% số doanh nghiệp thành lập mới trong năm vừa qua và cho rằng Chính phủ cần phải đánh giá cụ thể hơn về con số này.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tô Đức