|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

PBoC giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần đầu tiên trong năm 2023

07:56 | 18/03/2023
Chia sẻ
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) ngày 17/3 cho biết họ sẽ cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải dự trữ để giúp duy trì thanh khoản dồi dào và hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

Theo đó, PBoC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) khoảng 25 điểm cơ bản kể từ ngày 27/3 đối với tất cả các ngân hàng, ngoại trừ những ngân hàng đã thực hiện tỷ lệ dự trữ bắt buộc 5%. Đây là lần đầu tiên PBoC cắt giảm RRR trong năm 2023.

PBoC vẫn chưa đưa ra ước tính về lượng thanh khoản dài hạn sẽ được “giải phóng” sau khi cắt giảm RRR. Giới phân tích ước tính rằng con số đó vào khoảng 500 tỷ NDT (72,6 tỷ USD).

Ngân hàng trung ương cho biết RRR trung bình của các tổ chức tài chính sẽ đứng ở mức khoảng 7,6% sau quyết định cắt giảm.

Trong thông báo, PBoC cho biết việc cắt giảm phản ánh ý định kết hợp tốt các chính sách vĩ mô, cải thiện mức độ dịch vụ cho nền kinh tế thực và giữ thanh khoản đủ hợp lý trong hệ thống ngân hàng.

Động thái này diễn ra sớm hơn dự đoán của thị trường tài chính, theo sau các số liệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi dần nhưng không đồng đều còn hoạt động tín dụng tăng mạnh hơn dự kiến trong hai tháng đầu năm.

Nhà kinh tế trưởng Wen Bin tại ngân hàng China Minsheng Bank, đánh giá môi trường bên ngoài ngày càng trở nên phức tạp khi rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng nước ngoài đang gia tăng và thanh khoản toàn cầu chịu áp lực lớn. Trong hai tháng đầu năm nay, các chỉ số kinh tế chính của Trung Quốc cho thấy xu hướng tích cực, nhưng nền tảng phục hồi tổng thể vẫn chưa vững chắc.

PBOC đã cắt giảm RRR 15 lần kể từ năm 2018, từ mức gần 15% xuống khoảng 7,6% hiện tại. Một số nhà phân tích đã suy đoán về việc cơ quan này còn bao nhiêu dư địa để cắt giảm thêm.

Chuyên gia Julian Evans-Pritchard tại công ty tư vấn Capital Economics cho biết động thái của PBoC sẽ cung cấp một phần cứu trợ tài chính cho các ngân hàng lớn và vừa của Trung Quốc. Nó cũng có thể giúp giảm nhẹ lãi suất cho vay. Nhưng với các dấu hiệu hạn chế chính sách ngày càng rộng, chuyên gia này nghi ngờ quyết định trên sẽ khó có tác động đáng kể và lâu dài đối với các điều kiện tiền tệ hoặc tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc.

Hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã khởi sắc trong hai tháng đầu năm 2023, khi tiêu dùng và đầu tư vào cơ sở hạ tầng thúc đẩy đà phục hồi sau sự gián đoạn do đại dịch COVID-19. Nhưng các động cơ tăng trưởng truyền thống khác vẫn đối mặt nhiều rủi ro: xuất khẩu dự kiến sẽ vẫn yếu trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, còn lĩnh vực bất động sản chỉ mới bắt đầu chuyển hướng một cách chậm chạp khỏi cuộc khủng hoảng trước đó.

Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn khoảng 5% trong năm nay, sau khi nền kinh tế hạ nhiệt và chỉ tăng trưởng 3% vào năm ngoái - một trong những mức tăng trưởng yếu nhất trong gần nửa thế kỷ qua.

H.Thủy (Theo Reuters)

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.