|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Pacific Airlines lỗ hơn 2.000 tỷ năm 2022

12:06 | 12/12/2023
Chia sẻ
Công ty mẹ Vietnam Airlines cho biết đang triển khai những giải pháp phối hợp nguồn lực, đàm phán với nhà cung cấp việc giãn/hoãn thanh toán, hỗ trợ giảm giá nhằm giúp Pacific Airlines vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

 Ảnh: Pacific Airlines.

Theo báo cáo thường niên 2022 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - Mã: HVN), Pacific Airlines - do Vietnam Airlines nắm 98,84% vốn, ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 gần 3.487 tỷ đồng, lỗ trước thuế 2.096 tỷ đồng, giảm lỗ 212 tỷ đồng so với năm 2021.

Phía Vietnam Airlines cho biết năm 2022, thị trường hàng không nội địa bắt đầu phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên thị trường hàng không quốc tế chưa khôi phục được như kỳ vọng do nhiều thị trường trọng điểm vẫn còn đóng cửa hoặc mở cửa hạn chế.

Bên cạnh đó giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá biến động mạnh đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của Pacific Airlines.

Trước tình hình hết sức khó khăn của Pacific Airlines, Vietnam Airlines cho biết tiếp tục triển khai những giải pháp phối hợp nguồn lực, đàm phán với nhà cung cấp việc giãn/hoãn thanh toán, hỗ trợ giảm giá nhằm giúp hãng này vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

Năm 2022, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc tiếp nhận số cổ phần tại Pacific Airlines do cổ đông Qantas cho tặng, nâng tổng số cổ phần sở hữu của Vietnam Airlines từ 68,85% lên 98,84% vốn điều lệ.

Năm 2022, Vietnam Airlines lỗ sau thuế 11.223 tỷ đồng chủ yếu đến từ kết quả lỗ của công ty mẹ và hãng hàng không Pacific Airlines, trong khi các công ty thành viên khác đa số có kết quả kinh doanh khả quan và có lãi.

Một đơn vị thành viên do Vietnam Airlines nắm 14% vốn, Cambodia Angkor Air - hãng hàng không quốc gia của Campuchia ghi nhậntổng doanh thu K6 đạt 38,8 triệu USD và lỗ 10,26 triệu USD năm 2022 song đã giảm lỗ 7,4 triệu USD so với năm 2021.

Vietnam Airlines cho hay năm 2022, thị trường hàng không đi/đến Campuchia dần hồi phục, nhu cầu thị trường tăng trên cơ sở các chính sách mở cửa của chính phủ Campuchia và Việt Nam, giúp K6 cải thiện kết quả kinh doanh so với năm 2021.

Tuy nhiên, thị trường nguồn của K6 là Trung Quốc mở cửa chậm hơn so với dự kiến. Bên cạnh đó, do tình hình địa chính trị phức tạp, chi phí nhiên liệu tăng cao, nên các chỉ tiêu sản lượng và hiệu quả đều thấp.

K6 đã nỗ lực khôi phục lại các đường bay đến Việt Nam, Trung Quốc, đồng thời thực hiện các giải pháp tăng doanh thu, triệt để cắt giảm chi phí, đàm phán giãn hoãn thanh toán, tận dụng mọi cơ hội để tăng cường khai thác chuyến bay thuê chuyến, chuyến bay chở hàng giúp bổ sung dòng tiền duy trì hoạt động.

HK