Hà Nội 18 °C | 03:34PM, 09/01/2025
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

OPEC nâng tỷ lệ tuân thủ cam kết giảm sản xuất trong tháng 12 nhờ sản lượng tại Venezuela giảm

19:05 | 06/01/2018
Chia sẻ
Theo một khảo sát của Reuters, OPEC đã tăng tỷ lệ tuân thủ thỏa thuận giảm nguồn cung dầu trong tháng 12 nhờ sản lượng giảm tại Venezuela và những đợt giảm thêm từ các quốc gia xuất khẩu ở vùng Vịnh.
opec nang ty le tuan thu cam ket giam san xuat trong thang 12 nho san luong tai venezuela giam
Điều này cho thấy OPEC tuân thủ chặt chẽ thỏa thuận cắt giảm, mặc dù giá dầu đang ở mức cao.

Kết quả điều tra chỉ ra, tỷ lệ tuân thủ các biện pháp hạn chế của OPEC đã tăng từ mức 125% trong tháng 11 lên 128%. Đây là lần đầu tiên kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực vào tháng 1 năm ngoái, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) khai thác dưới mục tiêu của OPEC, tham gia cùng Arab Saudi và Kuwait.

OPEC đang giảm sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng/ngày như là một phần của thỏa thuận với Nga và các nhà sản xuất không thuộc OPEC. Reuters cho biết, thỏa thuận sẽ kéo dài cho đến cuối năm 2018.

Giá dầu chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2015 trong tuần này, nhờ lượng hàng tồn kho giảm, nhu cầu tăng mạnh mẽ và sự tuân thủ cam kết của OPEC. Nhiều quốc gia xuất khẩu, vẫn chịu ảnh hưởng từ việc giá giảm năm 2014, đang tận hưởng doanh thu tăng thêm từ đợt tăng này.

"Tất cả chúng ta đều hài lòng về điều này," một quan chức của một quốc gia thuộc OPEC cho biết về giá dầu tăng vào đầu năm 2018.

Cuộc khảo sát chỉ ra không có dấu hiệu nào về việc các quốc gia xuất khẩu tăng đầu ra để kiếm tiền bằng nhờ việc giá tăng cao hoặc thay thế việc sản lượng giảm tại Venezuela. Khai thác tại Venezuela giảm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang bao trùm quốc gia này.

Trước đây, việc tuân thủ thỏa thuận thấp vì giá dầu phục hồi đã làm giảm hiệu quả của các cam kết của OPEC.

Theo các nguồn tin từ cuộc khảo sát, Arab Saudi, quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu, đã giảm sản lượng 60.000 thùng/ngày, đưa nguồn cung giảm xuống dưới mức tiêu của OPEC đối với vương quốc này.

Cùng với đó, sản lượng tại Venezuela, nơi ngành công nghiệp dầu mỏ thiếu vốn đầu tư, đã giảm xuống dưới mức mục tiêu của OPEC. Cả hoạt động xuất khẩu và lọc dầu đều thấp trong tháng 12.

Theo kết quả khảo sát từ Reuters, UAE, chủ tịch OPEC tiếp theo, đã giảm sản lượng và vẫn giữ được sự tuân thủ cao nhất. UAE tuân thủ cam kết khá muộn trong hầu hết năm 2017 khi so với các quốc gia khác như Arab Saudi.

"UAE đảm nhận vị trí chủ tịch OPEC trong năm nay và họ cảm thấy nên cố gắng làm tốt hơn”, một nguồn tin, người đã thảo luận vấn đề này với các quan chức của OPEC, cho biết.

Ngoài ra, sản xuất tại Libya giảm 30.000 thùng/ngày, do đường ống dẫn dầu bị hỏng trong một cuộc tấn công và các sự cố khác.

Trong số các quốc gia có sản lượng cao hơn, với mức tăng lớn nhất đến từ ​​Nigeria, với xuất khẩu trong tháng 12/2017 đạt mức cao nhất trong vòng 21 tháng, mặc dù xuất khẩu thực tế thấp hơn con số đó.

Theo sau là Iraq. Kết quả khảo sát cho thấy, xuất khẩu từ miền nam Iraq đạt kỷ lục 3,55 triệu thùng/ngày trong tháng 12, bù lại mức xuất khẩu tương đối thấp tại miền bắc quốc gia này.

Sản lượng ở miền bắc Iraq vẫn đi xuống sau khi giảm vào giữa tháng 10 năm ngoái, khi lực lượng Iraq giành lại quyền kiểm soát mỏ dầu từ quân đội Kurd, chiếm đóng từ năm 2014. Điều này đã có tác dụng phụ trong việc thúc đẩy sự tuân thủ cam kết của Iraq.

Tại Algeria, sản xuất tăng sau khi giảm tác động từ kế hoạch bảo dưỡng mỏ dầu.

Cuối năm 2016, OPEC công bố mục tiêu sản xuất là 32,5 triệu thùng/ngày. Mục tiêu gồm quốc gia thành viên mới nhất.

Kết quả từ cuộc khảo sát cũng chỉ ra, sản lượng trong tháng 12 đã đạt trung bình 32,28 triệu thùng/ngày, nhiều hơn khoảng 530.000 thùng/ngày so với mục tiêu đã được điều chỉnh, sau khi loại bỏ Indonesia và không gồm Equatorial Guinea.

Với Equatorial Guinea, sản xuất trong tháng 12 đạt 32,41 triệu thùng/ngày, tăng 20.000 thùng/ngày vào tháng 11. Theo khảo sát của Reuters, tổng sản lượng tháng 11 đã được điều chỉnh giảm 90.000 thùng/ngày xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2017.

Khảo sát của Reuters dựa trên số liệu xuất nhập khẩu do các nguồn bên ngoài cung cấp, số liệu của Thomson Reuters, và thông tin từ các công ty dầu mỏ, OPEC và công ty tư vấn.

Lyly Cao