|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

OPEC đang trong tình trạng \"tiến thoái lưỡng nan\"

08:19 | 16/03/2017
Chia sẻ
Forbes đưa tin, OPEC đang đứng trước quyết định nan giải về việc có nên duy trì chương trình giảm sản lượng dầu hay mở cửa tự do sản xuất như trước.
opec dang trong tinh trang tien thoai luong nan
Ông Khalid Al-Falih, Bộ trưởng Năng lượng của Saudi. Nguồn: Forbes.

Tại hội nghị CERAWeek ở Houston vào tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng của Saudi, ông Khalid al-Falih cảnh báo những công ty sản xuất dầu mỏ rằng nếu họ tăng sản lượng sản xuất quá nhanh OPEC sẽ không hỗ trợ họ nữa. Ông nói những công ty sản xuất dầu mỏ “không nên tự kết luận rằng OPEC sẽ kéo dài thời gian giảm sản lượng sản xuất”.

Thực tế là OPEC đang trong giai đoạn khó khăn, và thị trường dầu thì đang rất hồi hộp về quyết định cuối cùng của OPEC.

Trong buổi họp gần đây nhất của các thành viên Tổ chức xuất khẩu Dầu mỏ hồi tháng 11/2016, họ đã quyết định giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày để can thiệp vào tình trạng dư thừa nguồn cung toàn cầu. OPEC cũng công bố rằng các quốc gia xuất khẩu dầu lớn dù không nằm trong nhóm thành viên OPEC, cụ thể là Nga, cũng cần phối hợp để giảm sản lượng sản xuất, nhằm giảm tổng sản lượng mục tiêu xuống 1,8 triệu thùng/ngày.

Nhờ thông tin này, giá dầu nhanh chóng phục hồi 15%, và cho đến cuối tuần trước vẫn duy trì trong khoảng 50 USD – 55 USD/thùng. Tuy nhiên, cuối tuần trước thị trường quay đầu giảm vì lo lắng rằng OPEC sẽ không kéo dài thời gian giảm sản xuất, và cùng với đó là việc sản lượng đầu ra của Mỹ tăng, dẫn đến nguy cơ dư thừa nguồn cung quay trở lại.

Gần 2 năm trước, giá dầu giảm đã làm thị trường dầu của Mỹ thiệt hại nặng. Sản lượng sản xuất dầu thô của Mỹ đã giảm từ 9,6 triệu thùng/ngày trong tháng 4/2015 xuống dưới 8,6 triệu thùng/ ngày trong tháng 9/2015. Nhưng trước khi OPEC công bố quy định mới, sản xuất đã bắt đầu tăng trở lại và thêm gần 500.000 thùng/ ngày để đạt 9,1 triệu thùng/ ngày.

Dù việc tăng sản lượng này chỉ bằng 1/3 tổng sản lượng bị cắt giảm bởi OPEC. Nhưng thị trường dầu lo sợ rằng 500.000 thùng/ngày mới chỉ là bắt đầu của việc tăng sản lượng, dẫn đến lo ngại OPEC có thể sẽ quyết định từ bỏ kế hoạch mục tiêu họ đặt ra trước đó.

Điều này đẩy OPEC vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” vì tôn trọng các công ty sản xuất dầu của Mỹ. Buổi họp tiếp theo của OPEC vào ngày 25/5 tại Vienna, và có 3 khả năng sẽ diễn ra sau buổi họp này.

Khả năng đầu tiên là OPEC quyết định duy trì giảm sản lượng như được công bố hồi tháng 11/2016, trong khi sản xuất ở Mỹ tiếp tục tăng lên, bù đắp phần nào việc cắt giảm của OPEC. Và theo dự tính, trong vòng 1 hoặc 2 năm tới, sản lượng của Mỹ sẽ bù đắp toàn bộ sản lượng bị OPEC cắt giảm.

Khả năng thứ 2 là OPEC quyết định nâng mức sản lượng cắt giảm vào buổi họp tới, giúp giá dầu được cải thiện. Nhưng, có lẽ các công ty sản xuất Mỹ sẽ thêm giàn khoan với tốc độ nhanh hơn. Mặt khác, hàng tồn kho toàn cầu sẽ giảm nhanh hơn so với tốc độ hiện tại. Các công ty Mỹ sẽ hưởng lợi trong bối cảnh này, tuy nhiên vẫn chưa rõ là việc giá dầu tăng có đủ để bù đắp cho số sản lượng bị OPEC giảm.

Và khả năng cuối cùng, cũng là điều mà thị trường lo sợ nhất đó là OPEC sẽ bỏ mặc việc giảm sản lượng và cho phép các nhà xuất khẩu sản xuất trở lại như họ muốn. Đây cũng là cách duy nhất để OPEC củng cố lời nói trước đó là sẽ không chịu trách nhiệm cho các công ty sản xuất dầu của Mỹ. Mặc dù bước đi này sẽ làm chậm năng suất của các nhà sản xuất Mỹ, việc giá dầu giảm cũng sẽ tác động mạnh đến các thành viên của OPEC.

Theo Forbes, vấn đề cốt lõi là OPEC sản xuất 41% lượng dầu cho toàn cầu với 13 thành viên. Trong khi, Mỹ cung cấp 13%, nhưng có hàng nghìn công ty đứng ra sản xuất dầu ở Mỹ, và mỗi công ty hoạt động cho lợi ích riêng của mình. Vì vậy, OPEC có thể quyết định đồng thời giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày (khoảng 2,6% sản lượng của OPEC trong năm 2015), nhưng đối với các công ty sản xuất của Mỹ thì điều đó là không thể.

OPEC đối mặt với quyết định khó khăn về việc có nên tiếp tục hỗ trợ các công ty của Mỹ bằng việc hạn chế sản lượng của chính các thành viên OPEC, hay nên mở cửa sản xuất để “từ chối gánh trách nhiệm”.

Lyly Cao