Ông Vương Đình Huệ: 'Giữ lại trường đại học và bệnh viện lớn ở nội đô'
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bí thư thành ủy Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sắp tới, Hà Nội sẽ trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thủ đô ở tất cả các thể chế, chính sách về chính quyền đô thị, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các đô thị đặc biệt, thành phố lớn như Hà Nội…
Tăng quyền cho Hà Nội trong chi ngân sách
Về việc vận hành chính quyền đô thị không tổ chức hội đồng nhân dân cấp phường cần Nghị định hướng dẫn cơ cấu tổ chức, bộ máy, vận hành… Nghị quyết Quốc hội đã giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Hà Nội xây dựng cơ chế vận hành ban hành trong năm nay, để từ năm 2021 áp dụng thực hiện.
Ngoài ra, xem xét cơ chế đặc thù, phân cấp, phân quyền, quan trọng nhất là tăng thẩm quyền cho Hà Nội trong việc quyết định một số vấn đề.
“Cụ thể, một số quận, huyện nội đô có kinh tế phát triển, kết dư ngân sách cao trong khi một số huyện rất khó khăn như Ba Vì còn chưa thể hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Hà Nội muốn sử dụng phần ngân sách kết dư này để ủng hộ cho các địa phương khác nói chung và một số huyện khó khăn của Hà Nội nói riêng giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…thì Luật Ngân sách không cho phép”, Bí thư Vương Đình Huệ nêu ý kiến.
“Với Nghị quyết cơ chế đặc thù cho Hà Nội này mới có thể thực hiện được. Nguồn lực đã có sẵn trong lòng Hà Nội rồi, bây giờ trao cho Hà Nội thẩm quyền sử dụng”, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
“Hay như một loạt hệ thống chợ dân sinh rất thiết yếu không có khả năng xã hội hóa cao, những chợ hạ tầng thiết yếu không đủ hấp dẫn nhà đầu tư, thì họ sẽ không bỏ tiền ra. Nếu muốn sửa chữa lại hệ thống các chợ này, theo luật không được dùng kinh phí sự nghiệp, thế nhưng Nghị quyết lần này cho phép Hà Nội sử dụng kinh phí sự nghiệp về kinh tế, y tế, giáo dục…để mua sắm, bảo dưỡng các hệ thống, thiết chế như vậy”, Bí thư thành ủy Hà Nội nói.
Không di dời trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô một cách máy móc
Theo Bí thư Vương Đình Huệ, Hà Nội sắp tới đây cũng phải rà soát, tính toán, điều chỉnh lại vấn đề quy hoạch thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó kiên quyết đưa các nhà máy có thể gây ô nhiễm ra khỏi khu vực nội đô; còn một số bệnh viện, cơ sở trường đại học có thể giữ lại trong nội đô, làm đầu mối về giao dịch quốc tế, đào tạo bậc cao… Tinh thần là sẽ không di dời một cách máy móc các trụ sở cũ của các trường đại học ra khỏi nội thành.
Thành phố cũng đang cân nhắc một số phương hướng giải quyết theo cách mới. Chẳng hạn, sau khi các bệnh viện, trường học di dời ra khỏi nội đô thì cơ sở cũ của các đơn vị này tại nội đô sẽ được sử dụng để xây dựng thành mô hình “khách sạn bệnh viện” hoặc đầu mối đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu mối về quan hệ giao dịch quốc tế. Tương tự, các trường đại học cũng vậy.
“Ngay tại các nước phát triển, trong nội đô của họ vẫn có các trường đại học có tuổi đời hàng trăm năm, có những trụ sở bệnh viện lớn dùng làm cơ sở nghiên cứu khoa học bậc cao, đầu mối giao lưu quốc tế…”, ông Vương Đình Huệ cho biết thêm.
Còn đối với các cơ sở thuần túy điều trị, khám chữa bệnh có thể ra ngoại thành sẽ thoải mái hơn, không cần thiết phải giữ lại đầu mối trong nội thành.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/