Ông Vũ Bằng: Luật chứng khoán mới sẽ giải quyết triệt để việc nới room
Tại hội thảo Phát triển bền vững thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế, TS. Vũ Bằng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) nói, luật chứng khoán mới sẽ được ban hành để giải quyết triệt để các vướng mắc về luật đầu tư nước ngoài.
Ông Bằng cho rằng cần tăng cường minh bạch số liệu đầu tư gián tiếp để nắm được dòng vốn đầu tư qua kênh này vào thị trường và có thái độ ứng xử phù hợp; cần hướng tới tháo gỡ vướng mắc để nâng cao tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào thị trường, cho phép thành lập chi nhánh của ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Bằng cũng nêu lên vấn đề cần phải triển khai thị trường chứng khoán phái sinh tốt hơn. Năm 2015, thị trường trái phiếu chính phủ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất châu Á, tuy nhiên các sản phẩm chứng khoán khác vẫn còn đang phát triển chậm chạp.
UBCKNN cũng đang chạy thử các sản phẩm phái sinh tại một số công ty chứng khoán và tiến tới năm 2017 sẽ triển khai chứng khoán phái sinh, giao dịch chỉ số và trái phiếu chính phủ. Ông Bằng kỳ vọng trong những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ có TTCK phái sinh cổ phiếu và các hàng hóa khác như vàng, lãi suất.
Ông Bằng thẳng thắn, nhiều ý kiến cho rằng việc này có thể gây ra tình trạng “dẫm lên chân nhau” trong trách nhiệm quản lý các hàng hóa được trao đổi trong chứng khoán phái sinh. Tuy nhiên, ông Bằng đề xuất phương án chuẩn hóa các mặt hàng trên và thành lập một sàn giao dịch riêng cho loại chứng khoán này nhằm đảm bảo tính thống nhất và phù hợp trong cách thức quản lý, giống như Hàn Quốc và một số quốc gia trên thế giới. Thêm vào đó, việc dần hợp nhất hai sàn chứng khoán vào một sẽ giúp phân định thị trường tốt hơn.
Chủ tịch UBCK cho biết, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay, thị trường tài chính (TTTC) đóng góp khoảng 63% GDP, trong đó số dư trái phiếu là 24% GDP, vốn hóa cổ phiếu là trên 39% GDP. Qúa trình hoàn thiện hóa thị trường chứng khoán đã và đang diễn ra từng bước, tiếp cận dần tới chuẩn mực quốc tế và kì vọng đến năm 2020, vốn hóa cổ phiếu tương đương 70% GDP.
Theo ông Bằng, TTCK Việt Nam đang được định hướng tái cấu trúc dựa trên 4 trụ cột gồm nâng dần tiêu chuẩn niêm yết; tiêu chuẩn phát hành; công bố thông tin tăng cường quản trị công ty; mở cửa thị trường, tự do hóa tài khoản, tham gia vào các hiệp định tự do hóa quốc tế.
Về tiêu chuẩn niêm yết, tiêu chuẩn đã tăng dần từ 5 tỷ đồng đến 120 tỷ đồng, các tiêu chí về định lượng cũng được tăng cường để nâng cao chất lượng niêm yết. Yêu cầu về phát hành cũng được nâng lên, kể cả với các công ty chưa phải đại chúng. Tổ chức chứng khoán đã bắt đầu làm quen với việc áp dụng các chuẩn mực mới như Basel II, KM…
Đối với vấn đề quản trị công ty, ông Bằng cho rằng cần phải có lộ trình vì còn phụ thuộc vào văn hóa, thói quen của doanh nghiệp trong khi chi phí quản trị còn cao. Nếu áp dụng ngay các điều kiện quốc tế thì các doanh nghiệp khó mà tuân thủ được. Ông Bằng cho rằng nên hạn chế các quy định pháp lý, chỉ nên dừng ở mức độ nguyên tắc chung như khuyến nghị, khuyến cáo để không gây khó cho các doanh nghiệp.
Về hệ thống giao dịch, các quy tắc cũng đã tiệm cận dần với yêu cầu quốc tế. Ban đầu chu kỳ thanh toán là T+4 nhưng được giảm dần và hiện tại duy trì ở T+2, tức là hơn tiêu chuẩn của nhóm các nước G30. Rút kinh nghiệm từ một số quốc gia, việc thanh toán mọi loại chứng khoán và mọi kỳ hạn đều tập trung ở một trung tâm, giúp thống nhất trong quản lý vấn đề thanh toán. TTCK Việt Nam đang tích cực mở cửa thị trường, biểu hiện qua việc nới room các nhóm ngành và tỷ lệ sở hữu ở các công ty chứng khoán đã lên đến 100%.