|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Trương Gia Bình: FPT sẽ kiếm 500 triệu USD từ Nhật Bản vào năm 2020

16:35 | 07/12/2018
Chia sẻ
Nhật Bản là thị trường quan trọng của FPT, nơi tạo ra tới 60% doanh thu phần mềm từ nước ngoài.

Trao đổi với Nikkei, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch của CTCP FPT, ông Trương Gia Bình cho biết, công ty đang có kế hoạch tăng cường hoạt động tại thị trường Nhật Bản, đất nước trung tâm trong chiến lược châu Á.

"Chúng tôi muốn tăng đội ngũ nhân viên của mình tại Nhật Bản lên 2,5 lần, đạt 3.000 người vào năm 2020. Mục tiêu doanh thu tại thị trường này của FPT khoảng 500 triệu USD”, ông Bình cho biết. Công ty cũng đang cân nhắc các phương án mua bán sáp nhập.

ong truong gia binh fpt se kiem 500 trieu usd tu nhat ban vao nam 2020
FPT có tham vọng với thị trường Nhật Bản

Nhật Bản là thị trường quan trọng của FPT, nơi tạo ra tới 60% doanh thu phần mềm từ nước ngoài. Công ty FPT Japan Holdings cũng đang liên tục chiêu mộ nhân tài trong thời gian gần đây với việc tuyển thêm 100 kỹ sư mỗi tháng.

Ngoài lao động địa phương, FPT cũng hướng đến việc đào tạo thêm các kỹ sư Việt Nam thông thạo tiếng Nhật. Tại Đại học FPT, công ty cung cấp chương trình đào tạo tiếng Nhật cùng với việc đào tạo về kỹ thuật và công nghệ thông tin. Ngoài ra, FPT hợp tác với các trường về ngôn ngữ có trụ sở tại Nhật Bản và có kế hoạch thực hiện vào năm tới.

"Ngôn ngữ là vấn đề lớn nhất cản trở các công ty nước ngoài xâm nhập thị trường Nhật Bản”, ông Bình cho biết. "Trong thế giới phần mềm nói riêng, bạn cần hiểu chính xác nhu cầu của khách hàng. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi ở các nước châu Á khác, nhưng ở Nhật, bạn không thể kinh doanh mà không thành thạo thứ tiếng của họ."

FPT đang tìm cách tận dụng cơ hội khi mà nhu cầu về công nghệ thông tin của các công ty Nhật Bản tăng lên, điều này càng được thúc đẩy với việc chuẩn bị cho Thế vận hội Tokyo năm 2020.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đã chi 16,84 nghìn tỉ Yên (tương đương 149 tỉ USD) cho các khoản đầu tư liên quan đến công nghệ thông tin như hệ thống phát triển và trung tâm dữ liệu trong năm 2017, con số này đứng thứ ba sau Mỹ và Trung Quốc, theo thống kê của IDC Japan.

Ông Bình tiết lộ kế hoạch để FPT Nhật Bản đảm nhiệm thêm hoạt động tại các thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. “Thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đều có sức tăng trưởng mạnh. Hai năm trước chúng tôi đã tiếp cận hai thị trường này, tuy nhiên hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu”.

Khi được hỏi về việc cạnh tranh trong gia công phần mềm tại Nhật Bản, ông BÌnh cho biết Tata Consultancy Services và Infosys của Ấn Độ là những đối thủ chính của FPT nếu xét về chi phí. Nhưng hai doanh nghiệp nói trên tập trung vào các thị trường nói tiếng Anh, còn với thị trường Nhật Bản, FPT có lợi thế.

Tuy vậy không phải là không có thách thức, các doanh nghiệp Ấn Độ cũng đang tìm đường thâm nhập vào thị trường Nhật. Tata Consultancy Services đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 10 với Đại học Tokyo để nghiên cứu chung và trao đổi nhân sự ở những lĩnh vực như robot. Còn Infosys cũng đang thuê thêm các kỹ sư Nhật Bản, và có vẻ như sẽ tăng doanh số bán hàng của mình ở nước này lên khoảng 50 tỉ Yên trong vòng 3 – 4 năm.

Xem thêm

Bạch Mộc