|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Trương Gia Bình: 'COVID-19 như một cú hích ác liệt thúc đẩy CMCN 4.0'

18:07 | 08/04/2020
Chia sẻ
Theo Chủ tịch CTCP Tập đoàn FPT, sự kiện đại dịch chưa từng có trong lịch sử có thể khiến cho các doanh nghiệp đủ khỏe, hoặc ít chịu tác động đẩy mạnh thay đổi hơn nữa để có thể vươn lên mạnh mẽ sau dịch bệnh.
Ông Trương Gia Bình: COVID-19 như một cú hích ác liệt - Ảnh 1.

Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch CTCP FPT. Nguồn: KT&DB

Chiều 8/4, CTCP FPT (Mã: FPT) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến trong giai đoạn cả nước thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cách li xã hội. Công tác tổ chức được giới đầu tư đánh giá là tương đối thành công khi truyền tải được khung cảnh toàn đại hội đến những người tham gia họp trực tuyến; ở chiều ngược lại việc phản hồi ý kiến và màn hỏi đáp cũng diễn ra dễ dàng.

Ông Vũ Hữu Điền - Giám đốc phụ trách danh mục đầu tư của công ty quản lí quĩ Dragon Capital đánh giá, với việc tổ chức họp trực tuyến thành công, FPT đưa ra gợi ý cho các doanh nghiệp lớn khác về các tổ chức ĐHĐCĐ mà không cần phải đợi đến thời điểm dịch bệnh chấm dứt.

Ba điểm sáng mà ông Trương Gia Bình thấy được từ COVID-19

Trong năm nay, FPT đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 32.450 tỉ đồng, tăng hơn 17%; lợi nhuận trước thuế 5.510 tỉ đồng, tăng 18%. Tuy vậy do đây là kế hoạch được đề ra trước thời điểm COVID-19 trở nên phức tạp, ban lãnh đạo công ty xin ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. 

Các tờ trình khác như việc chi trả cổ tức 35% năm 2019, và 20% năm 2020, phát hành cổ phiếu ESOP và cho cán bộ lãnh đạo cấp cao… đều được ĐHĐCĐ thông qua. 

Một trong những vấn đề nóng hổi được rất nhiều cổ đông FPT quan tâm là dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng ra sao đến hoạt động kinh doanh của công ty. 

Nói về điều này, Chủ tịch Trương Gia Bình cho rằng, COVID-19 đã trở cú hích ác liệt thúc đẩy tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0. Một thứ khiến cho chúng ta thay đổi một cách nhanh chóng cách thức làm việc, sinh hoạt, giao tiếp… 

Tuy nhiên, quan điểm của Tập đoàn là sẵn sàng đối đầu thách thức, ông Bình cho biết FPT sẽ tiến hành đẩy nhanh sự thay đổi từ chính mình, đẩy nhanh các công cụ chuyển đổi số để có thể mạnh mẽ hơn sau khi dịch bệnh qua. 

Theo Chủ tịch FPT, công ty sẽ phải đấu tranh trên ba mặt trận: chống dịch, bảo vệ doanh nghiệp; công ăn việc làm của người lao động; và tìm kiếm cơ hội trong dịch. 

Ba điểm sáng mà ban lãnh đạo FPT đang thấy được cho biết bao gồm: 

- Thứ nhất, các miếng bánh lấy lại từ Trung Quốc, Ấn Độ khi các quốc gia này trong giai đoạn cách li. Theo ông Bình, trong giai đoạn này doanh nghiệp nào quản trị tốt, chống dịch tốt và vẫn có khả năng làm việc không ngừng sẽ chiếm ưu thế. Chủ tịch FPT tiết lộ rằng công ty đã thắng được gói tổng thầu từ một tập đoàn lớn của nước ngoài giá trị tới 100 triệu USD. 

- Thứ hai, xu hướng tiêu dùng của khách hàng trong nước thay đổi; FPT thấy cơ hội từ việc học tập, làm việc, giải trí tại nhà gia tăng. Công ty đang liên kết cung cấp giải pháp, dịch vụ cho sự đổi thay này.

- Thứ ba, FPT cũng đang bổ sung, tìm kiếm tài năng có thể thúc đẩy công ty phát triển hơn; những người có thể đang gặp khó khăn. 

Ông Trương Gia Bình nói thêm rằng, COVID-19 chính là giai đoạn cho các doanh nghiệp mạnh, khỏe, hoặc ít bị ảnh hưởng thực hiện các bước chuẩn bị để có thể đầu tư mạnh mẽ sau dịch. 

FPT đang muốn trở thành giải pháp tốt nhất cho các khách hàng Nhật Bản, Mỹ... chịu ảnh hưởng bởi COVID-19

Thực tế trong quí I, kết quả kinh doanh của FPT vẫn chưa bị tác động mạnh. Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Tổng giám đốc cho biết doanh thu vẫn tăng 16% và lợi nhuận tăng 19% so với cùng kì. Có được điều này là nhờ các hợp đồng kí từ trước của công ty vẫn đang được triển khai. 

Tuy nhiên mảng quảng cáo online của Tập đoàn được cho biết sụt giảm tương đối lớn do phía các doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí. Mảng giáo dục đào tạo cũng đang bị ảnh hưởng nhưng phía FPT đã chuyển dần sang hình thức học trực tuyến.

COVID-19 cũng tác động đến hoạt động bán hàng trong các lĩnh vực kinh doanh khác nhau của FPT, khiến cho cách thức tiếp cận khách hàng cũng phải thay đổi. Tuy nhiên điều này được cho biết là chưa làm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả cuối cùng. 

Phía FPT đã sớm có các biện pháp cắt giảm chi phí, giảm các khoản đầu tư không trực tiếp vào hoạt động kinh doanh; đồng thời cũng đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động giúp thúc đẩy doanh số.

Đối với các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ khi chịu tác động nặng của COVID-19, ông Trương Gia Bình cho biết các doanh nghiệp khách hàng sẽ phải xem xét lại các chương trình trong diện cắt giảm hay duy trì. Các doanh nghiệp này sẽ đánh giá việc đối tác có giao dịch vụ đúng hạn hay không, so sánh chi phí với các đối tác khác nhau kể cả ở Trung Quốc, Ấn Độ, hay nội địa. 

Chủ tịch FPT cho biết công ty đang muốn trở thành giải pháp trong kế hoạch ứng phó của họ, đóng vai trò như một tổng thầu, chịu trách nhiệm về chất lượng và thời gian giao hàng; điều này khiến cho các giá trị hợp đồng nhận được thậm chí lớn hơn nhiều bởi khách hàng thay vì làm việc với nhiều đối tác thì nay chỉ còn làm việc với một đối tác chính. 

Chuyển đổi số có thể giúp các "ông vua" nông sản Việt Nam bay cao hơn trên thị trường quốc tế?

Trong lĩnh vực chuyển đổi số, FPT đã triển khai được năm thứ hai. Thời điểm hiện tại ông Trương Gia Bình nói rằng công ty đang làm việc với ba “ông vua” trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam. 

Mục tiêu của FPT là đưa “vua tôm” Minh Phú từ nắm 10% thị phần tôm thế giới, tăng lên 25%; đưa “vua gỗ” của Việt Nam từ vị trí thứ tư lên vị trí thứ một; cũng như giúp cải thiện thị phần của “vua hồ tiêu”. 

Điều này sẽ có được nhờ sự kết hợp với tài nguyên sẵn có của các doanh nghiệp và kết hợp với giải pháp công nghệ thông tin của FPT. 

Phía FPT cho biết sẽ không chỉ dừng lại ở tư vấn, mà kết hợp cả tư vấn và triển khai. Theo ông Bình, FPT hiện có trên kệ những sản phẩm thiết kế sẵn để giúp khách hàng có thể cải thiện ngay về hiệu quả công việc và tiết kiệm thời gian. 

“Trong năm nay, FPT muốn có thêm nhiều trải nghiệm tư vấn chuyển đổi số quốc tế hơn nữa”, ông Bình cho biết.

Đông A

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.