|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Trương Gia Bình: Các bạn trẻ khi khởi nghiệp hãy chọn đúng vợ nếu muốn thành công

18:15 | 21/05/2024
Chia sẻ
Tỷ phú công nghệ Ấn Độ nói với ông Trương Gia Bình rằng cho đến tận ngày hôm nay ông vẫn biết ơn người phụ nữ đã đứng sau mình.

Chiều 20/5, tỷ phú công nghệ Ấn Độ Narayana Murthy có buổi gặp gỡ giới công nghệ Việt Nam tại khu Công nghệ cao Hòa Lạc do ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT dẫn dắt. Ông Narayana Murthy là Đồng sáng lập hãng phần mềm Infosys, đồng thời là nhân vật có sức ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ. Ông được mệnh danh là ”cha đẻ” ngành CNTT Ấn Độ hay “Bill Gates của Ấn Độ”.

Tại cuộc gặp gỡ, ông Murthy đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh, quản trị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp... yếu tố đã giúp ông và cộng sự đưa Infosys từ công ty vô danh thành công ty công nghệ có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

 Ông Narayana Murthy (trái) và ông Trương Gia Bình. (Ảnh: FPT cung cấp).

Ông Trương Gia Bình chia sẻ khi quyết định vươn ra thế giới ở lĩnh vực phần mềm, FPT đã học hỏi rất nhiều từ các công ty Ấn Độ như Infosys. Năm 1999, ông Bình tới Ấn Độ và ngạc nhiên với sự phát triển của ngành CNTT tại đây. Khi ấy, ông đã hỏi ông Murthy: Liệu Việt Nam có làm được phần mềm không? Ông Murthy đáp rằng: Tất nhiên là làm được.

“Đó là một lời động viên khích lệ chúng tôi bước chân ra toàn cầu. Với lời động viên đó, chúng tôi đã cử nhiều phái đoàn sang Ấn Độ học hỏi. Hôm nay, chúng tôi muốn học hỏi thêm từ ngài  Narayana Murthy, học hỏi thêm từ Ấn Độ. Người ta thường nói đằng sau thành công người đàn ông có bóng dáng người phụ nữ. Anh có thể chia sẻ về người đứng sau mình?”, ông Trương Gia Bình đặt vấn đề.

Trước khi trả lời ông Bình, ông Murthy kể về giai đoạn đầu lập nghiệp. Trước khi startup, vị tỷ phú Ấn Độ từng làm việc trong công ty phần mềm ở nước ngoài. Khi từ Paris trở về Ấn Độ, ông hiểu ra rằng để giải quyết được đói nghèo, Ấn Độ cần giải quyết được vấn đề việc làm với thu nhập thỏa đáng cho người dân. 

“Vai trò của chính phủ là đảm bảo chính sách cho tất cả doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nhanh hơn, hiệu quả hơn còn doanh nghiệp đảm bảo tạo công ăn việc làm cho người dân, tạo ra của cải cho xã hội”, ông Murthy nói thêm.

Khi ấy, ông đã gặp vợ mình là bà Sudha ở Pune. “Cô ấy là một người rất tuyệt vời. Cô ấy đã hỗ trợ tôi trong kinh doanh. Cho đến tận ngày hôm nay tôi vẫn biết ơn người phụ nữ đã đứng sau tôi”, ông Murthy kể.

Ông Trương Gia Bình tiếp lời: “Tôi được nghe chính vợ ông kể rằng, cha của chị từng từ chối ông vì nghèo. Nhưng chị Sudha vẫn quyết tâm lấy ông vì thấy ở ông một con người đầy hoài bão. Thậm chí sau đó còn rút hết tiền tiết kiệm đưa ông 250 USD để khởi nghiệp, thành lập Infosys. Sudha cũng cho ông thời hạn ba năm nếu không thành công thì phải đi làm để nuôi gia đình”.

Ngoài ra, ông Bình cũng được nghe kể về câu chuyện thú vị khác, khi bà Sudha còn đi học phổ thông, cô giáo hỏi nếu sau này làm triệu phú em sẽ làm gì. Bà Sudha đã trả lời rằng: Sau này em không làm triệu phú nhưng nếu là triệu phú em sẽ giúp xây các thư viện, phòng đọc sách. 

Ngày nay, đã có hơn 7.000 thư viện, phòng đọc sách được bà xây dựng trên khắp Ấn Độ. 

Cuối cùng, ông Bình kết luận: “Vì vậy, các bạn trẻ khi muốn startup, hãy chọn đúng vợ nếu muốn thành công”.

Sau này, khi Infosys bắt đầu ổn định ông Murthy đã đề ra nguyên tắc: “Không một nhà sáng lập nào, lãnh đạo nào của Infosys có vợ và con tham gia điều hành hoặc can thiệp vào công việc của công ty”. Do đó, bà Sudha đã lui về hậu phương để ủng hộ chồng.

Bà là một tác giả, nhà giáo dục và nhà từ thiện nổi tiếng. Bà từng giữ chức Chủ tịch quỹ từ thiện của tập đoàn Infosys. Năm 2006, bà được trao giải thưởng Padma Shri cho các sáng kiến công tác xã hội.

Đức Huy