|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Trịnh Xuân Thanh cùng 3 'thuyền trưởng' của PVP Land và Công ty Minh Ngân khai gì trong vụ tham ô tại đây?

11:35 | 26/12/2017
Chia sẻ
Ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch HĐQT của PVC cùng 3 vị "thuyền trưởng" gồm ông Đào Duy Phong - nguyên là Chủ tịch HĐQT PVP Land, ông Lê Hoà Bình - Chủ tịch Công ty cổ phần Minh Ngân và ông Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng giám đốc PVP Land đóng vai trò gì trong vụ "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVP Land và Công ty Minh Ngân?

Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an đã đưa ra kết luận liên quan vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) và Công ty cổ phần Minh Ngân.

Các bị can trong vụ án phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội của mình và liên đới trách nhiệm với số tiền chênh lệch giá trị cổ phần trị giá hơn 87,1 tỷ đồng của PVP Land, phải chịu trách nhiệm dân sự với số tiền 49 tỷ đồng đã chiếm đoạt.

Cơ quan Cảnh sát điều tra đã quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án đề Viện Kiểm soát nhân dân tối cao (Vụ 3) và đề nghị truy tố 8 đối tượng. Vậy 8 đối tượng, đặc biệt là ông Trịnh Xuân Thanh cùng 3 vị "thuyền trưởng" của PVP Land và Công ty Minh Ngân đóng khai gì trong vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại đây?

ong trinh xuan thanh cung 3 thuyen truong cua pvp land va cong ty minh ngan khai gi trong vu tham o tai day
Ông Trịnh Xuân Thanh - Chủ tịch của PVC

Ông Thanh không thừa nhận thoả thuận chỉ đạo bán chênh lệch để hưởng lợi

Bị can Trịnh Xuân Thanh, nguyên là Chủ Tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) khai báo rằng ông đã thừa nhận được ông Đinh Mạnh Thắng (em của ông Đinh La Thăng - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) mời đến ăn tối tại nhà hàng số 1 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội.

Tại bữa ăn có 4 người gồm ông Trịnh Xuân Thanh, ông Thắng, ông Han Gi Cheol, bà Thái Kiều Hương. Tại đây, ông Thắng đã đặt vấn đề nhờ ông Thanh phê duyệt phương án cho thoái vốn dự án Nam Đàn Plaza mà ông Đào Duy Phong đang trình PVC, ông Thanh cho biết đã nhận lời giúp ngay.

Cuối tháng 3/2010, ông Phong đưa ông Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới dự án) đến gặp ông Thanh, ông duy nói muốn mua lại toàn bộ cổ phần của PVP Land tại Nam Đàn Plaza.

Sau khi nghe ông Duy khẳng định đủ năng lực tài chính, ông Thanh nói sẽ ủng hộ việc chuyển nhượng cổ phần với điều kiện PVC được ưu tiền là đơn vị thi công dự án.

Ông Thanh thừa nhận theo quy định của PVC thì ông Phong và ông Nguyễn Ngọc Sinh (nguyên Tổng giám đốc của PVP Land) là người đại diện phần vốn của PVC tại PVP Land thì phải báo cấp trên về các quyết định của mình trong đó có việc xin ý kiến phê duyệt cho thoái vốn tại dự án Nam Đàn Plaza.

Về việc ông Thắng chuyển 14 tỷ đồng cho ông Thanh, ông Thanh thừa nhận rằng vài ngày sau buổi đi ăn với ông Thắng, bà Hương, ông Han thì ông Thanh được lái xe của ông Thắng chuyển cho một vali tiền, ông Thanh khai mang vali đó về nhà, có mở ra thấy tiền nhưng không đếm nên không rõ bao nhiêu tiền. Sau đó một số hôm, ông Thanh đã trả lại ông Thắng tại văn phòng PVC. Ông Thanh không thừa nhận đó là chênh lệch giá, không thừa nhận thoả thuận chỉ đạo bán chênh lệch để hưởng lợi.

Nguyên Chủ tịch PVP Land được hưởng 10 tỷ đồng từ tiền bán chênh lệch

Bị can Đào Duy Phong, nguyên là Chủ tịch HĐQT PVP Land khai cuối tháng 3/2010, ông Trịnh Xuân Thanh (cấp trên của ông Phong) và ông Đinh Mạnh Thắng (cấp trên của ông Thanh và ông Phong) đã gọi điện thông báo cho ông Phong có khách mua cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương. Theo đó, ông Phong tự hiểu là phải bán cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho khách hàng mà ông Thanh, ông Thắng đề cập đến.

Một lúc sau thì bà Thái Kiều Hương đưa ông Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đến gặp ông Phong và thông báo ý kiến của ông Thanh có khách mua với giá 40 triệu đồng/m2 nhưng chỉ ký hợp đồng với 35 triệu đồng/m2. Số chênh lệch (khoảng 24 tỷ đồng) thì ông Phong được hưởng 10 tỷ đồng còn lại ông Thanh được hưởng.

Ông Sinh đã thoả thuận với ông Phong ký hợp đồng với giá 34 triệu đồng/m2, giảm tiếp 1 triệu đồng/m2 dùng để “chi phí”. Sau khi nhận 10 tỷ đồng thì ông Phong đưa ông Sinh 2 tỷ đồng. Ông Trần Ngọc Long - lái xe của ông Phong và ông Trần Huy Hùng – lái xe của ông Sinh cũng xác nhận đã chuyển ông Sinh túi tiền do ông Phong đưa.

Chủ tịch Công ty Minh Ngân đồng ý chuyển nhượng giá 34 triệu đồng/m2

Bị can Lê Hoà Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân khai trước thời điểm ký hợp đồng số 66, khi gặp Nguyễn Ngọc sinh và Đặng Sỹ Hùng, đại diện cho PVP Land và có mặt Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, ông Bình được Sinh và Hùng đặt vấn đề trong giá chuyển nhượng đã thống nhất hợp đồng chính thức sẽ ký với giá 13.578 đồng/cp (tương đương 34 triệu đồng/m2) còn phần chênh lệch 18 triệu đồng/m2 sẽ đưa riêng cho một số cá nhân, ông Bình đã đồng ý.

Về những cá nhân được hưởng số tiền chênh lệch trên, ông Bình được Huỳnh Nguyễn Quốc Huy cho biết phần chênh lệch từ 34 – 40 triệu đồng/m2 (tức 6 triệu đồng/m2) sẽ phải đưa cho Đào Duy Phong, phần chênh từ 40 – 52 triệu đồng/m2 (12 triệu đồng/m2) sẽ đưa cho Đặng Sỹ Hùng, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy, Thái Kiều Hương.

Theo yêu cầu của ông Hùng, ông Duy và bà Hương, ông Bình đã đưa bà Hương 5 tỷ đồng ngày 29/3/2010 để bà Hương đưa ông Đinh Mạnh Thắng, em trai của ông Đinh La Thăng và đưa bà Hương 14 tỷ đồng ngày 6/4/2010 để bà Hương chuyển cho ông Trịnh Xuân Thanh. Đồng thời đưa ông Phong 10 tỷ đồng ngày 13/4/2010 và đưa ông Hùng 20 tỷ đồng ngày 15/4/2010. Ngoài ra, ông Bình đã chi 13 tỷ đồng tiền công môi giới cho ông Duy.

Nguyên TGĐ của PVP Land thừa nhận ký hợp đồng khi chưa được ĐHĐCĐ chấp thuận

Bị can Nguyễn Ngọc Sinh, nguyên Tổng giám đốc PVP Land khai vào ngày 30/3/2010 ông Sinh được ông Đào Duy Phong thông báo có đối tác mua cổ phần với 34 triệu đồng/m2, yêu cầu ông Sinh nếu đồng ý thì lập tờ trình để Hội đồng quản trị phê duyệt theo quy trình.

Qua trao đổi tập thể với ban lãnh đạo PVP Land thấy việc bán cổ phần với giá này là hợp lý, có lãi nên ông Sinh đã giao ông Đặng Sỹ Hùng dự thảo để ông Sinh ký tờ trình bán với giá 34 triệu đồng/m2, kết quả đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ông Sinh không được ông Đặng Sỹ Hùng báo cáo và cũng không biết việc các cổ đông của Công ty Xuyên Thái Bình Dương ký hợp đồng đặt cọc bán cổ phần với giá thống nhất 52 triệu đồng/m2.

Ông Nguyên Ngọc Sinh thừa nhận việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 66 ngày 2/4/2010 khi chưa có biên bản họp và quyết định của đại hội đồng cổ đông Công ty Xuyên Thái Bình Dương chấp thuận việc bán cổ phần của cổ đông sáng lập là trái với điều lệ Công ty cũng như việc ông Sinh ký hợp đồng chỉ căn cứ vào Nghị quyết Hội đồng quản trị Công ty PVP Land là trái với quy định về quyền hạn và nghĩa vụ của Tổng giám đốc theo điều lệ Công ty PVP Land.

Ông Trịnh Xuân Thanh sinh năm 1966. Ông Thanh nguyên là Chủ Tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Ngày 16/9/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can về tội Cố ý là trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Hiện ông Thanh đang bị tạm giam tại trại giam tại trại giam B14 Bộ Công an trong vụ án trên do Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an được chuyển hồ sơ thụ lý.

Ông Đào Duy Phong sinh năm 1958. Ông Phong nguyên là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Ông Phong bị tạm giam từ ngày 1/12/2010 đến ngày 1/9/2011 sau đó bị bắt, tạm giam lần 2 từ ngày 1/11/2016.

Ông Lê Hoà Bình sinh năm 1954. Ông Bình là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng và Dịch vụ 1/5 và Công ty cổ phần Minh Ngân.

Năm 1987, Toà án Nhân dân TP Hà Nội phạt cảnh cáo ông Bình về tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Ông Bình bị bắt tạm giam từ ngày 7/9/2010 đến ngày 11/11/2014. Hiện ông Bình đã được toại ngoại.

Ông Nguyễn Ngọc Sinh sinh năm 1972. Ông Sinh là nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).

Ông Sinh bị bắt, tạm giam từ ngày 1/12/2010 đến ngày 16/9/2011 sau đó bị bắt, tạm giam lần thứ 2 từ ngày 15/11/2017.

Hoàng Kiều