Ông Trần Tuấn Anh: Khánh Hòa cần làm rõ đặc thù của đô thị trực thuộc Trung ương
Ngày 11/5, đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do ôngTrần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa về triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và định hướng phát triển Khu Kinh tế Vân Phong theo Kết luận số 53 của Bộ Chính trị.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực tỉnh Khánh Hòa cho biết, giai đoạn 2013 - 2020, kinh tế Khánh Hòa phát triển tương đối ổn định với tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân đạt 4,7%/năm (giai đoạn 2013 - 2019, đạt 7,5%/năm).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó, đến năm 2020, tỷ trọng dịch vụ - du lịch chiếm 52,31%, công nghiệp - xây dựng chiếm 26,65%, nông - lâm - thủy sản chiếm 10,71%. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong GRDP chiếm bình quân 36,25%/năm; năng suất lao động bình quân tăng 5,8%/năm.
Trong giai đoạn này Khánh Hòa thu hút 425 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 232.968 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 279.302 tỷ đồng, tăng bình quân 13,3%/năm; năm 2020 gấp 2,4 lần so với năm 2013; đạt tỷ lệ 53,5% GRDP giai đoạn 2016 - 2020, cao hơn bình quân cả nước cùng giai đoạn.
Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành và Trưởng Ban kinh tế Trung ương đánh giá cao giai đoạn phát triển vừa qua của Khánh Hòa.
Tuy nhiên, ông Trần Tuấn Anh nhận định, Khánh Hòa vẫn chưa phát huy được ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa chiến lược, địa kinh tế; về tài nguyên nguyên biển, đảo; tài nguyên văn hoá, con người,… cho phát triển, nhất là phát triển kinh tế biển và để đạt được mục tiêu mà Kết luận 53 đã đề ra.
Theo Trưởng Ban kinh tế Trung ương, để phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đưa Khánh Hòa sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh đề xuất đưa việc tổng kết Kết luận 53 vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị năm 2022, Khánh Hòa cần chủ động phối hợp với các Ban, Bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai tổng kết và đề xuất với Bộ Chính trị ban hành Kết luận/Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó, bên cạnh việc đề xuất các quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp mới, cần làm rõ đặc thù của đô thị trực thuộc Trung ương (Hải Phòng là TP Cảng quốc tế; Cần Thơ là Trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long; Thừa Thiên Huế là Thành phố di sản,…) cũng như luận giải một cách có khoa học và thực tiễn về mô hình phát triển; thể chế quản lý; các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp đối với Khu Kinh tế Vân Phong.
Ngoài ra, Khánh Hòa cần khẩn trương thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 , phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, làm cơ sở cho việc thu hút đầu tư và quản lý phát triển tỉnh.
Ông Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, Khánh Hòa cần phải trở thành một tỉnh mạnh về biển và giàu, đẹp từ biển.
Song song với đó, tỉnh cần đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu các ngành kinh tế theo hướng đẳng cấp, chất lượng, đa dạng, kết nối với kinh tế biển; phục vụ phát triển kinh tế biển, lấy kinh tế biển làm trọng tâm; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân và đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh mới.
Kết luận số 53-KL/TW ngày 24/12/2012, của Bộ Chính trị (Kết luận 53-KL/TW) về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương; là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và của cả nước.
Trong đó, việc phát triển Khu kinh tế Vân Phong được xác định không chỉ là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư mà còn là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.