Ông Trần Ngọc Báu: Kinh tế Mỹ có thể suy thoái từ tháng 6/2024, dấu hiệu Fed có thể nới lỏng sớm hơn
Mới đây trên kênh Tài chính và Kinh doanh, ông Trần Ngọc Báu, CEO của WiGroup cho rằng kinh tế Mỹ sẽ suy yếu mạnh vào năm 2024.
Ông nhắc lại dự báo của các tổ chức, theo đó tăng trưởng GDP của Mỹ có thể đạt 2,4% năm 2023, nhưng năm 2024 còn xuống thấp hơn ở mức 1,5%. Đồng thời dự báo lạm phát năm 2024 cũng giảm xuống 2,7%, từ mức dự báo năm 2023 là 3,8%.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 4,7% trong năm 2024, dự báo năm 2023 là 5,2%. Trong khi đó, EU được dự báo phục hồi nhẹ.
"Năm 2024, Việt Nam và các quốc gia mới nổi sẽ tăng trưởng tốt hơn năm 2023. Châu Âu cũng tương tự. Nhưng các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc sẽ đối mặt suy giảm tăng trưởng. Năm 2023, kinh tế tăng trưởng chậm lạm phát cao, năm 2024 kinh tế vẫn tăng trưởng chậm nhưng lạm phát thấp", ông nói.
Theo CEO WiGroup, một số chỉ báo cho thấy kinh tế Mỹ có thể suy thoái từ tháng 6/2024 như xuất hiện đường cong lợi suất đảo ngược, thị trường lao động có dấu hiệu căng thẳng.
“6 tháng đến một năm sau khi khu vực sản xuất khó khăn, thị trường lao động mới bắt đầu phản ánh tác động, sau đó mới lây lan đến khu vực tiêu dùng. Ngoài ra, nhìn lại giai đoạn trước, 3 đến 6 tháng sau khi lãi suất quỹ liên bang giảm, kinh tế Mỹ bước vào suy thoái”, ông Báu cho hay.
Từ dự báo kinh tế Mỹ có thể suy thoái vào giữa năm 2024, ông Báu cho rằng Fed sẽ nới lỏng tiền tệ với tốc độ mạnh hơn thị trường đang kỳ vọng.
Quay trở lại tình hình kinh tế trong nước, theo CEO WiGroup, nền kinh tế vẫn yếu, một số chỉ số vĩ mô tăng so với cùng kỳ do nền thấp vào năm ngoái, duy nhất có xuất khẩu hồi phục nhẹ.
Tuy nhiên khó kỳ vọng lĩnh vực xuất khẩu phục hồi mạnh năm tới hoặc tâm lý tiêu dùng được cải thiện do kinh tế các nước đối tác lớn của Việt Nam dự báo vẫn yếu trong năm 2024.
Điểm tích cực là bối cảnh quốc tế ủng hộ chính sách nới lỏng tiền tệ của Việt Nam. Áp lực tỷ giá không cao khi Fed được dự báo sẽ nới lỏng sớm hơn. Lãi suất trong nước sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ nhưng cung tiền sẽ cao hơn do thanh khoản được cải thiện nhờ nhà điều hành mua ròng USD trở lại.
Cũng tại chương trình, chuyên gia Long Phan, CEO và Founder của AFA Group, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng lên là chỉ báo chưa đầy đủ cho nhận định kinh tế nước này suy thoái. Theo ông, cần phải quan tâm đến khái niệm "toàn dụng lao động và "dưới cân bằng toàn dụng lao động".
Nền kinh tế có toàn dụng lao động nghĩa là nền kinh tế đang sử dụng tất cả các yếu tố đầu vào (lao động, vốn, đất đai,...) để phát huy hết tiềm năng của nó.
Dưới cân bằng toàn dụng lao động là một khái niệm kinh tế vĩ mô mô tả một trạng thái kinh tế ở đó GDP trong ngắn hạn của một nền kinh tế thấp hơn GDP thực tiềm năng hay GDP trong dài hạn.
Khi một nền kinh tế ở dưới mức GDP thực trong dài hạn, nền kinh tế sẽ sớm rơi vào tình trạng tỷ lệ thất nghiệp tăng lên và cạn kiệt tài nguyên, dẫn đến suy thoái kinh tế. Khi đó nền kinh tế ở dưới mức toàn dụng lao động.
Ông Long Phan cũng cho rằng điểm đáng chú ý ở đây không phải câu chuyện kinh tế Mỹ dự báo suy thoái giữa năm 2024, mà quan trọng đây là dấu hiệu cho thấy Fed sẽ nới lỏng sớm hơn.