Ông Trần Hùng bị cáo buộc 'phớt lờ' đường dây sản xuất 150 triệu sách giáo khoa giả
Cơ quan CSĐT Bộ Công an hiện đang điều tra vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Môi giới hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần In và Văn hóa Truyền thông Hà Nội; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Phú Hưng, Đội Quản lý thị trưởng số 17, Cục Quản lý thị trường (QLTT), theo Công an Nhân dân đưa tin.
Tính đến ngày 20/8, công an đã khởi tố tổng cộng 12 bị can.
Trong đó, ông Trần Hùng (nguyên tổ trưởng tổ 304 nay là tổ trưởng tổ 1444, Tổng cục QLTT, Bộ Công Thương) cùng ba cán bộ QLTT, cùng bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bước đầu, Cơ quan điều tra đã làm rõ, đường dây sản xuất sách giáo khoa giả này đã sản xuất, tiêu thụ khoảng 150 triệu cuốn trên nhiều địa bàn khác nhau, diễn ra trong nhiều năm.
Phát hiện sai phạm nhưng "phớt lờ"
Trước đó, ngày 9/7/2020, Đội QLTT số 17 (Đội lưu động) thuộc Cục QLTT Hà Nội chủ trì, phối hợp với Tổng cục QLTT, Đội QLTT số 15 (quản lý địa bàn quận Hoàng Mai) và NXB Giáo dục Việt Nam… tiến hành kiểm tra kho sách của Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát tại số 87 Ngõ 1141 Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội.
Khi đó, Đoàn kiểm tra đã phát hiện 27.360 quyển sách giáo khoa giả. Dù phát hiện việc làm giả sách giáo khoa nhưng các cán bộ QLTT đã không báo cáo tới Cơ quan điều tra có thẩm quyền mà tự ý xử lý vụ việc.
Mở rộng vụ án, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Môi giới hối lộ”. Tiếp đó, VKSND tối cao phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) về tội “Môi giới hối lộ”. Cùng thời điểm, VKSND tối cao phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Trần Hùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Tại thời điểm đó, bị can Trần Hùng là người trực tiếp chỉ đạo Cục QLTT Hà Nội và Đội QLTT số 17 tiến hành kiểm tra kho của Công ty Phú Hưng Phát do bị can Cao Thị Minh Thuận làm Giám đốc, phát hiện, thu giữ 27.360 quyển sách thuộc 68 đầu sách giáo khoa giả vào ngày 9/7/2020.
Tuy nhiên, sau đó, bị can Nguyễn Duy Hải gặp và tác động, “nhờ” bị can Hùng xử lý nhẹ vụ việc của bị can Thuận.
Cơ quan điều tra xác định ông Trần Hùng không chỉ đạo giải quyết vụ việc đối với cấp dưới theo chức năng, nhiệm vụ được giao; dẫn đến việc bị can Cao Thị Minh Thuận tiếp tục thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả với số lượng lớn.
Đường dây sản xuất sách lậu lớn nhất cả nước
Trước đó, khoảng 10h15 ngày 18/6, CBCS Cục Cảnh sát Kinh tế, Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đột kích Công ty In, văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Phú Hưng Phát, phát hiện 19 xưởng in, gia công và 15 kho hàng, 3 dây chuyền máy in offset 4 màu cùng các loại máy cắt, xén, vào keo, vào bìa, gấp tay sách... phục vụ sản xuất sách giả.
Đây là đường dây sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả với số lượng lớn nhất cả nước từ trước tới nay.
Ngày 23/6, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, tạm giam 7 bị can về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” gồm:
Cao Thị Minh Thuận, 42 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát, Chủ các Nhà sách Minh Thuận, 358 Nguyễn Trãi, Hà Nội;
Hoàng Mạnh Chiến, 39 tuổi, Giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội;
Nguyễn Mạnh Hà, 49 tuổi, Phó Giám đốc Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội;
Hoàng Thị Ánh Vân, 38 tuổi, Kế toán trưởng Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội;
Nguyễn Đức Khương, 41 tuổi, Chủ xưởng gia công sách Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội;
Đỗ Đức Thắng, 49 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa Công ty CP In và Văn hóa truyền thông Hà Nội;
Nguyễn Hữu Trung, 41 tuổi, nhân viên Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát.
Theo kết quả điều tra ban đầu, đường dây sản xuất, mua bán, tiêu thụ sách giáo khoa giả đã hoạt động nhiều năm nay tại 19 địa điểm, hai văn phòng công ty, xưởng in, xưởng gia công và 15 kho hàng nằm rải rác trên địa bàn Hà Nội. Cơ quan điều tra đã thu giữ hơn 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả cùng rất nhiều tang vật liên quan.