|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Trần Đình Long: “Hoà Phát là “xe tăng, xe lu” đi thị trường giữa”

07:25 | 10/08/2016
Chia sẻ
“Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp có nghĩa là Hoà Phát chấp nhận cạnh tranh. Hoà Phát là “xe tăng, xe lu” đi thị trường giữa. Nhiều người đi thị trường ngách, nhưng Hoà Phát cứ đường thẳng mà đi. Mình tôn trọng họ, nhưng mình không có gì phải lo”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoà Phát, chia sẻ.

Trong cuộc trò chuyện với nhà đầu tư mới đây, ông Long luôn nói mình không quá am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp vì mới bắt đầu bước vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, không có câu hỏi nào của cổ đông, nhà đầu tư mà ông Long không làm họ hài lòng. Một bức tranh được “vẽ” khá rõ nét về mảng nông nghiệp của Hoà Phát ở hiện tại và tương lai.

Thu về hơn 3.000 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm, song riêng mảng nông nghiệp lại đang lỗ khiến nhiều cổ đông của Hòa Phát băn khoăn lo lắng. Không ít cổ đông lo ngại áp lực cạnh tranh của lĩnh vực này ngày càng lớn, lợi nhuận biên ngày càng thấp khi có không ít đại gia đầu tư vào nông nghiệp.

Trước những lo lắng của nhà đầu tư, cổ đông, ông Long chia sẻ đúng là đầu tư vào nông nghiệp là Hoà Phát đang đầu tư theo xu hướng thị trường. “Nhưng cạnh tranh rất tốt, suy cho cùng mình không thể làm một mình một chợ. Bạn hãy chỉ cho tôi ngành nào làm một mình một chợ”.

tin nhap 20160810071257
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát

Lý do nào khiến ông tin rằng Hoà Phát sẽ thành công trong lĩnh vực nông nghiệp?

Khi đặt chân vào nông nghiệp, nhiều người sợ, không ít quỹ đầu tư có trao đổi với tôi đây là ngành rủi ro, thu hồi vốn lâu. Đúng là vậy. Nhưng đây là chiến lược. Lĩnh vực nông nghiệp là lĩnh vực có yếu tố rủi ro cao nhưng đi kèm đó là lợi nhuận lớn.

Thực tế, gốc rễ của Hoà Phát 23 năm trước chỉ làm máy nông nghiệp, nếu không mạnh dạn đầu tư vào thép thì đâu có thương hiệu thép Hoà Phát như ngày hôm nay. Nhưng thời điểm đó, khi chúng tôi quyết định đầu tư vào thép, rất nhiều người đã khuyên tôi không nên làm vì thể nào cũng chết. Nhưng kết quả thế nào, đến nay thì ai cũng thấy rồi.

Có vẻ như Hòa Phát đang bị thua lỗ trong lĩnh vực nông nghiệp?

Về lĩnh vực nông nghiệp, tôi có thể tổng kết ngắn gọn: ta không đặt mục tiêu lợi nhuận trước mắt, nhưng mọi việc vẫn đang triển khai đúng kế hoạch. Mong các nhà đầu tư yên tâm, bình tĩnh vì mọi việc đã nằm trong định hướng, kế hoạch, chiến lược của tập đoàn.

Đầu tư vào nông nghiệp tuy rủi ro cao nhưng cũng đi kèm với cơ hội lớn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm có nguồn gốc, thực phẩm sạch chưa bao giờ lại cao như hiện nay.

Chiến lược của Hoà Phát về nông nghiệp là không nhìn trong ngắn hạn, lấy lợi nhuận của ngành trớc đầu tư ngành hàng sau.

Trong ngắn hạn khoảng 3 năm tới, cổ đông chưa thể trông mong lợi nhuận thu về từ các công ty nông nghiệp. Miễn sao là Hoà Phát vẫn có lợi nhuận tốt nhất, không ảnh hướng đến lợi nhuận của nhà đầu tư, cổ đông. Tuy nhiên, đầu tư nông nghiệp về lâu dài sẽ giúp công ty phải triển ổn định, bền vững.

Tại sao Hoà Phát nói chỉ đầu tư 300 tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp nhưng bây giờ đã đội lên con số 1.400 tỷ đồng?

300 tỷ đồng là đầu tư cho nhà máy thức ăn chăn nuôi và đây chỉ là vốn ban đầu. Tất cả số vốn đầu tư vào nông nghiệp hiện nay đều theo kế hoạch, không có gì mới và đột phá cả.

Kế hoạch của Hoà Phát là quy hoạch khép kín một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi và phấn đấu đến năm 2018 có một triệu đầu lớn, thức ăn chăn nuôi.

Còn để có lãi, nhà máy nào cũng vậy, phải sản xuất đến một lượng nhất định mới đến điểm hòa và có lãi. Nhà máy thức ăn chăn nuôi của Hòa Phát có công suất 300 ngàn tấn/năm thì theo nguyên tắc, phải được 150 ngàn tấn mới đạt điểm hòa, trên mức đó mới có lãi.

Theo báo cáo của nhà máy thì thời điểm hiện nay vẫn lỗ chút xíu. Tuy nhiên, điều đáng mừng là tình hình bán hàng rất tốt, vượt cả mong đợi. Còn đòi hỏi có lãi ngay trong năm 2016 thì chưa thể được, vì nhà máy vừa xây dựng cơ bản xong và đang làm thị trường.

Ông có thể nói rõ hơn kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Hoà Phát ở hiện tại và tương lai?

Trong 4 sản phẩm chiến lược gồm: Thức ăn chăn nuôi, lợn, bò, gà thì Hòa Phát mới chủ yếu đầu tư thức ăn chăn nuôi và lợn.

Về thức ăn chăn nuôi, đến nay Hòa Phát đã hoàn thành nhà máy ở Hưng Yên với công suất 300 nghìn tấn/năm và đang đi vào chạy thử. Còn dự án nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Đồng Nai cũng có công suất 300 nghìn tấn/năm đã hoàn thành 50%, dự kiến sẽ cho sản phẩm vào năm 2017. Nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ ba ở Phú Thọ cũng đã được chuẩn bị mặt bằng xây dựng.

Hiện công ty đang tìm hiểu để xây dựng một nhà máy thức ăn chăn nuôi hoặc mua lại một nhà máy ở ĐBSCL để lấp đầy thị trường toàn quốc. Với tiến độ xây dựng các nhà máy, tôi tin tưởng đến năm 2020 Hòa Phát sẽ cung cấp ra thị trường 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi.

Về chăn nuôi lợn, hiện Hòa Phát đã nhập khẩu hai đợt gồm 1.400 lợn giống cụ kị từ Đan Mạch và đang nuôi ở các trang trại tại Yên Bái, Bình Phước. Theo dự kiến, đến năm 2018, Hòa Phát sẽ cung ứng lô lợn giống đầu tiên ra thị trường và dự kiến 10 năm tới sẽ cung cấp 1 triệu đầu lợn ra thị trường.

tin nhap 20160810071257

Về chăn nuôi bò, Hòa Phát đang chuẩn bị nhập khẩu bò Úc về vỗ béo. Riêng với lĩnh vực gia cầm, tập đoàn vẫn chưa có kế hoạch cụ thể, song dự kiến sẽ gây một đàn gia cầm khoảng 1 triệu đầu gà, đồng thời cung cấp trứng thành phẩm ra thị trường.

Tóm lại, trong chuỗi 3 F (Feed, Farm, Food), Hòa Phát mới thực hiện hai công đoạn đầu.

Như vậy, nhà đầu tư đòi hỏi có lãi ngay thì không có. Nếu nhà đầu tư chỉ đầu tư ngắn hạn thì không ở được với Hoà Phát.

Là doanh nghiệp đi sau, Hoà Phát sẽ phải làm gì để giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận biên của lĩnh vực nông nghiệp. Bởi hiện nay, lợi nhuận biên trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi chẳng hạn, chỉ đạt khoảng 7 – 10%. Đây là mức thấp?

Là đơn vị đi sau, nên 5 năm trước mắt, chúng tôi cũng chỉ yêu cầu chi phí sản xuất của Hoà Phát tương đương với công ty lớn, như thế là tốt rồi. Thực tế, chi phí hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi khá minh bạch rõ ràng nên khó có gì đặc biệt.

Còn về lợi nhuận biên, chúng tôi cũng chỉ mong đạt được mức 7 – 10% thôi. Vì lĩnh vực thức ăn chăn nuôi không phải là sản phẩm quý hiếm, rất phổ thông.

Xin cám ơn ông!