Ông Phan Đăng Tuất: 'Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần bảo vệ thay vì hỗ trợ'
|
Ông Tuất chia sẻ câu chuyện thực tế về một doanh nghiệp vừa và nhỏ của chính ông cũng đang bị "quấy nhiễu" khá nhiều từ thuế tới an ninh... tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự án "Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa" do VCCI tổ chức sáng 13/4.
"Doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được bảo vệ để làm ăn chính đáng thay vì hỗ trợ những thứ không cần hỗ trợ", ông khẳng định. Theo ông, chính từ "hỗ trợ" trong Dự án Luật có thể "xúc phạm" chính các doanh nghiệp này bởi các doanh nghiệp mong muốn kinh doanh bình đẳng, sòng phẳng, nghiêm túc góp phần phát triển đất nước.
Đề xuất thay thế chữ "hỗ trợ" bằng "bảo vệ" trong dự thảo, nguyên chủ tịch Sabeco Phan Đăng Tuất dẫn giải thêm, hiện nay trong công cuộc hội nhập thương mại toàn cầu rất "kị" hỗ trợ. Các FTA đều có điều khoản yêu cầu cạnh tranh lành mạnh, tránh hỗ trợ. Ông cho biết, thực tế đã dẫn khá nhiều ví dụ "đau thương" vì có hỗ trợ mà hàng hóa Việt Nam chịu nhiều điều chính từ các đối tác FTA. Ngoài ra, nếu dự thảo Luật bắt buộc có từ hỗ trợ sẽ rất bất cập vì chủ thế hỗ trợ quá nhiều từ Chính phủ, VCCI tới UBND các tỉnh...
Đồng tình với quan điểm của ông Tuất, Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nữ Hà Nội cho rằng các doanh nghiệp cần được tạo điều kiện để phát triển thay vì hỗ trợ.
Bên cạnh đó, ông Phan Đăng Tuất cũng chỉ ra dự thảo Luật đang ôm đồm quá nhiều loại hỗ trợ. Với 7 mục hỗ trợ từ tín dụng, thuế, mặt bằng sản xuất, ươm mầm công nghệ, mở rộng thị trường, thông tin và tư vấn cho tới hỗ trợ nguồn nhân lực, theo ông Tuất là quá rộng. "Đây như 7 món hỗ trợ "lẩu thập cẩm". Các hỗ trợ này đều nằm dưới điều chỉnh của các Luật chuyên ngành vì vậy theo tôi quy định trong dự thảo này là vô nghĩa", ông nói.
Với gần 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chia ra mỗi doanh nghiệp chỉ được hỗ trợ 10 triệu đồng đã đủ làm "điêu đứng" ngân sách, ông Tuất tính toán.
Luật sư Trương Thanh Đức góp ý, dự án Luật đang hỗ trợ đối tượng quá rộng, cần phân biệt rõ để có sự hỗ trợ khác nhau. Có thể xem xét bỏ việc hỗ trợ đối với doanh nghiệp vừa (nhất là tiêu chí xếp hạng doanh nghiệp vừa theo Dự thảo đúng ra có thể coi là doanh nghiệp lớn), chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trong đó có các hộ kinh doanh.
"Đặc biệt lưu ý, doanh nghiệp siêu nhỏ gần như không có người đỡ đầu, không tham gia VCCI và các Hiệp hội doanh nghiệp, vì vậy vị thể trên thực tế giống như vừa là “trẻ em” vừa là “mồ côi”, ông Đức phát biểu.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cũng chỉ ra bất cập trong việc phân loại doanh nghiệp vừa nhỏ. "Tiêu chí mức vốn dưới 100 tỷ đồng vậy đây là vốn điều lệ hay vốn tổng tài sản trên báo cáo tài chính?", ông Giang đặt dấu hỏi. Tài liệu nào để chứng minh đây là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tránh các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ để chuyển giá.
Ngoài ra, số lượng lao động trên doanh nghiệp sẽ được xác định theo đăng ký tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội hay lao động thực tế, một vị đại diện doanh nghiệp cũng góp ý tại hội thảo.
Chia sẻ với các ý kiến đóng góp tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết các thảo luận Dự án Luật hiện nay cũng đang xem xét kỹ tới tên gọi của dự án, có thể đề xuất đổi thành "Luật phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa" để phù hợp hơn trong bối cảnh hội nhập hiện nay.