Ông Phạm Văn Tam rút khỏi ban điều hành Asanzo, thành lập Tập đoàn đầu tư Winsan vốn nghìn tỉ
Sau một năm lùm xùm về hàng hoá nhãn mác "sản xuất tại Việt Nam" của Asanzo, mới đây, CEO công ty này - ông Phạm Văn Tam lại đứng ra thành lập một tập đoàn đầu tư tài chính với tên gọi Winsan.
Theo đó, Winsan sẽ hoạt động dưới mô hình công ty đầu tư tài chính cho các doanh nghiệp qui mô vừa và nhỏ.
Không chỉ tập trung đầu tư vào startup điện tử, phần cứng như trước, Winsan có kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát,...
"Winsan như một chiếc 'bơm trợ lực' cho các doanh nghiệp có nhiều tiềm năng nhân rộng nhưng còn thiếu nguồn lực tài chính lẫn kinh nghiệm quản trị", ông Phạm Văn Tam chia sẻ.
Thành lập Tập đoàn Winsan
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, CTCP Đầu tư Tập đoàn Winsan được thành lập vào 25/5/2020, với mã số thuế là 0316285753. Trụ sở đặt tại phường Tân Thới Hoà, quận Tân Phú, TP HCM.
Người đại diện pháp luật, đồng thời giữ vị trí Giám đốc Winsan là ông Phạm Văn Tam, sinh năm 1980, ngụ tại quận 10, TP HCM. Hiện ông Phạm Văn Tam cũng đang là CEO CTCP Tập đoàn Asanzo.
Theo đăng kí, ngành nghề kinh doanh chính của Winsan là tư vấn đầu tư, hỗ trợ dịch vụ tài chính. Ngoài ra, còn các ngành khác như: môi giới hàng hoá, kinh doanh bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất,...
Vốn điều lệ của Winsan lên tới 300 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông góp vốn, trong đó ông Phạm Văn Tam là người đóng góp chính với số tiền góp 285 tỉ đồng, chiếm tới 95% vốn sở hữu.
Hai cổ đông còn lại là bà Nguyễn Thị Hiền góp 13,5 tỉ đồng, sở hữu 4,5% cổ phần và ông Phùng Đông Hưng góp 1,5 tỉ đồng, chiếm 0,5% vốn điều lệ.
Winsan sẽ kinh doanh gì?
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Tam cho biết mô hình Tập đoàn đầu tư đã được nung nấu khoảng 3 năm trở lại đây, khi chứng kiến hiệu quả kinh doanh của công ty tăng cao nhờ trao quyền điều hành sản xuất cho các giám đốc trẻ.
Ông Tam cho biết, nguồn lực ban đầu của Winsan dự kiến sẽ khoảng 1.000 tỉ đồng và có thể tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới. Khoảng 70% số vốn sẽ tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp trong mảng công nghệ - điện tử.
Ngoài ra, Winsan cũng sẽ mở rộng danh mục đầu tư thêm nhiều lĩnh vực khác như nha khoa, thực phẩm tiêu dùng, thức uống giải khát,...
"Trong giai đoạn đầu tiên, chúng tôi chọn lọc các doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ, sản phẩm phục vụ cho phần đông người tiêu dùng bình dân, người lao động thu nhập thấp. Việc siết tiêu chí này giúp tối ưu hóa các khoản đầu tư vốn", ông Tam chia sẻ.
Bên cạnh rót vốn, tập đoàn khẳng định sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tuyển dụng nhân sự giỏi, chuyên gia đầu ngành để đảm nhận các vị trí cấp cao, hỗ trợ các công ty này bứt phá trên cuộc đua cạnh tranh, giảm tỉ lệ thất bại.
Ngoài đầu tư tài chính, trong thời gian tới Winsan cũng có ý định tiến vào mảng kinh doanh bất động sản công nghiệp và hướng lĩnh vực kinh doanh này trở thành một phần quan trọng của Tập đoàn.
Ông chủ Winsan cho biết, trong bối cảnh Covid-19 tác động đến nền kinh tế thì thương mại điện tử có cơ hội phát triển, tạo đà cho bất động sản công nghiệp, hậu cần phát triển đáp ứng nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi.
"Ngoài ra sự chuyển dịch sản xuất từ những công ty toàn cầu sang Việt Nam cũng mang đến nhiều tín hiệu tích cực", ông Tam nói.
Vị doanh nhân sinh năm 1980 còn đặt mục tiêu kết nối Winsan với các đối tác nước ngoài, từ đó tạo dựng quĩ đầu tư qui mô lớn, tiếp cận và hỗ trợ đa dạng mô hình kinh doanh.
"Với nguồn vốn mạnh, chúng tôi sẽ tăng cường tìm kiếm những sản phẩm phù hợp về các yếu tố bản địa, hiểu người tiêu dùng địa phương, tạo ra những thương hiệu mới mang dấu ấn thật sự trên thị trường", ông Tam khẳng định.
Tương lai nào cho Asanzo?
Ông Phạm Văn Tam cho biết, hiện tại ông vẫn là chủ của Asanzo, tuy nhiên quyền điều hành công ty này đã được giao lại cho một người khác.
"Từ lâu tôi đã rút khỏi việc điều hành Asanzo và chỉ đóng vai trò như một nhà đầu tư", ông Tam nhấn mạnh.
Khi được hỏi về việc quản lí cùng lúc cả Asanzo và Winsan liệu rằng công việc dẫm chân nhau không, ông Tam cho biết hoàn toàn không có chuyện đó xảy ra. Bởi bản chất Asanzo sau này chỉ là một nhãn hàng, không phải là một tập đoàn đa ngành.
Trong khi đó, Winsan là một tổ chức quản lí, mà ở đó Asanzo sẽ là một công ty con. Tức là Winsan sẽ nắm nhiều thương hiệu. "Đây là hai phạm trù khác nhau", ông Tam giải thích.
"Những thương hiệu của nước ngoài hoặc những thương hiệu tại Việt Nam sẽ được Winsan mua lại để phát triển", ông Tam nói thêm.
Trước đó, vào tháng 7/2017, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, ông Phạm Văn Tam đã giảm tỉ lệ sở hữu của mình tại Asanzo từ 90% xuống 1%. Sau đó, các cổ đông tổ chức như CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo cũng lần lượt thoái hết vốn.
Thời điểm hiện tại, nhóm cổ đông sáng lập chỉ còn sở hữu 7% Tập đoàn Asanzo, trên vốn điều lệ của công ty vẫn giữ nguyên 100 tỉ đồng.
Vào năm 2016, CTCP Tập đoàn Asanzo được thành lập với vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Trong đó, ông Phạm Văn Tam góp vốn 90 tỉ đồng, chiếm 90% tỉ lệ sở hữu.
10% vốn còn lại chia đều cho 5 chủ đầu tư khác, gồm hai tổ chức CTCP Điện tử Asanzo Việt Nam và Công ty TNHH Truyền thông Asanzo; ba cá nhân gồm bà Phạm Thị The, ông Phạm Văn Toản và ông Phạm Xuân Tình.
Hiện, sau tái cơ cấu đại diện theo pháp luật của CTCP Tập đoàn Asanzo là ông Phạm Xuân Tình - em trai ông Phạm Văn Tam.