|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Nguyễn Sơn: Không có chuyện chuyên gia và bà bán rau đều hưởng lợi như nhau

14:28 | 01/12/2016
Chia sẻ
Đa số NĐT ở VN là nhỏ lẻ, chủ yếu đầu tư theo trào lưu, ít quan tâm đến giá trị nội tại DN. Vì vậy, việc đưa vào các sản phẩm hiệu ứng đòn bẩy cần phải có lộ trình thích hợp và gắn với khả năng tài chính và việc chống đỡ với các rủi ro của NĐT.

Ông Nguyễn Sơn: “NĐT thích đánh nhanh thắng nhanh nhưng người thiết kế luật chơi phải thận trọng”

Tiếp theo bài phỏng vấn ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), người đã từng có thời gian 10 năm giữ vị trí Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường UBCK Nhà nước. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thị trường chứng khoán, ông Sơn đã có những chia sẻ về các sản phẩm mới chuẩn bị ra đời trong năm 2017.

Tuy nhiên trong câu chuyện của ông, không phủ nhận thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc trong 16 năm vận hành và 20 năm phát triển, nhưng vẫn có những góc khuất của thị trường cần phải kiểm soát và cải thiện.

ong nguyen son khong co chuyen chuyen gia va ba ban rau deu huong loi nhu nhau

Một thời gian dài ông đóng vai trò là người phát ngôn của UBCK, ông có kỷ niệm gì với nhà đầu tư không?

Ông Nguyễn Sơn: Tôi nhớ hồi thị trường tăng trưởng nóng vào cuối năm 2006 - đầu 2007, khi chỉ số VN - Index đạt khoảng 1.170 điểm. Nhà đầu tư đổ xô vào mua chứng khoán, lúc đó thực sự là "người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán", từ anh công chức nhà nước, viên chức doanh nghiệp cho đến bà nội trợ, quản gia đều tham gia vào TTCK.

"TTCK VN trải qua nhiều thăng trầm, trong đó có 3 cú sốc vào giữa năm 2001, 2007 và 2009 làm thị trường suy giảm mạnh. Tuy nhiên, một điều mà chúng tôi thấy tự hào là sau 16 năm thị trường vận hành chưa phải đóng cửa ngày nào. Trên thế giới gần như chưa có thị trường nào chưa phải đóng cửa". Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán

Mỗi ngày thị trường tăng trần khoảng +5%, chỉ cần 3-4 phiên kịch trần là đã kiếm lời khoảng 15-20% rồi. Thêm nữa, hiệu ứng tâm lý đám đông cuồng nhiệt, kéo TTCK tăng trưởng gần như không có điểm dừng.

Lúc đó, vai trò quản lý nhà nước cần tiếng phải có "cảnh tỉnh" cho NĐT nên đầu tư theo giá trị và dựa vào bản chất hoạt động (giá trị nội tại) của DN, tránh đầu tư "bầy đàn" dẫn đến thua lỗ. Lúc đó, với vai trò là người phát ngôn UBCKNN chúng tôi chỉ nêu lên một số nội dung cảnh báo NĐT cẩn trọng trong đầu tư, nhưng với máu đang hăng say, nhà đầu tư lên tiếng xỉ vả: "Người ta bảo các ông là nhà quản lý, ông ngồi dưới gốc cây, chúng tôi ngồi trên ngọn cây chúng tôi chưa sợ, thì ông sợ gì nỗi gì, tiền của chúng tôi chứ đâu có phải của ông đâu mà ông lo". Thực sự lúc này những người kém hiểu biết về thị trường tài chính, khi lướt sóng kiếm được nhiều tiền hơn các chuyên gia phân tích tài chính. Khi TTCK tăng trưởng quá nóng, tự khắc sẽ có sự điều chỉnh dựa trên quan điểm cung-cầu và giá trị nội tại.

Khi thị trường lên mình nói nhà đầu tư nên cẩn trọng dựa trên giá trị nội tại của cổ phiếu, của công ty để đưa ra định giá hợp lý, nếu mình nói mà cổ phiếu giảm thì họ còn chửi bới, kêu rằng Ủy ban xây dựng thị trường nhưng không bảo vệ nhà đầu tư, không có quỹ đền bù, bồi thường thiệt hại cho NĐT. Họ kéo lên SGDCK, UBCKNN kêu cứu. Họ biết đâu mình xây dựng chính sách rất chặt chẽ.

TTCK VN trải qua nhiều thăng trầm, trong đó có 3 cú sốc vào giữa năm 2001, 2007 và 2009 làm thị trường suy giảm mạnh. Tuy nhiên, một điều mà chúng tôi thấy tự hào là sau 16 năm thị trường vận hành chưa phải đóng cửa ngày nào. Trên thế giới gần như chưa có thị trường nào chưa phải đóng cửa. Doanh số giao dịch lớn hay nhỏ chưa nói, từ khâu quản trị, cả hệ thống giao dịch về cơ bản là ổn, còn biến động chỉ số này chỉ số kia, mất cân đôi trong quan hệ cung cầu có vì nguồn đa phần là DN nhà nước cổ phần hóa.

Giả sử NĐT sẵn sàng sử dụng công cụ mới, tại sao mình không cho họ thử nghiệm thưa ông?

Chúng ta cần thấy rằng, NĐT rất đa dạng. Trong đó có nhiều người có hiểu biết, đã tham gia đầu tư trên các TTCK quốc tế, hoặc đầu tư qua các sản phẩm "phái sinh ngân hàng hoặc hàng hoá" nên họ mong muốn và ưa thích các sản phẩm tài chính có hiệu ứng đòn bẩy cao như bán khống, giao dịch trong ngày (daytrading) hoặc hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn...vv.

Nhưng cũng phải thấy rằng, đa số NĐT ở VN là nhỏ lẻ, chủ yếu đầu tư theo trào lưu, ít quan tâm đến giá trị nội tại DN, thích "lướt sóng ngắn hạn". Vì vậy, việc nghiên cứu xem xét để đưa vào các sản phẩm hiệu ứng đòn bẩy cần phải có lộ trình thích hợp và gắn với khả năng tài chính và việc chống đỡ với các rủi ro của NĐT.

Ví dụ, khi triển khai TTCK phái sinh, thì không phải CTCK nào cũng được tham gia mà phải có sự sàng lọc nhất định, như CTCK yêu cầu về vốn, về hệ số an toàn tài chính, nhân viên cũng phải có bằng cấp theo yêu cầu, quy trình quản trị rủi ro, hệ thống CNTT đáp ứng yêu cầu kết nối của SGDCK, TTLKCK..vv.

Khi chúng tôi làm đề án xây dựng thị trường phái sinh, ai cũng biết là sản phẩm future không hấp dẫn bằng option. Hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu Chính phủ không hấp dẫn và chỉ số không hấp dẫn bằng dựa trên cổ phiếu. Tôi nhớ khi vào TPHCM hội thảo, nhiều chuyên gia kì cựu đã chất vấn tôi rằng điều họ cần là quyền chọn dựa trên cổ phiếu đơn lẻ chứ không phải hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ. Cổ phiếu rủi ro và họ cần công cụ rào chắn còn TPCP biến động không nhiều, nên không cần rào chắn. Tuy nhiên thông lệ thị trường phải đi từ cái đơn giản trước, dễ chơi dễ vận hành do đó chúng tôi đã trình đưa bond future và index future thực hiện trước. Khi các sản phẩm được đưa ra nếu có rủi ro, mình là người quản lý phải chịu trách nhiệm.

Ông cho rằng NĐT đã sẵn sàng với các sản phẩm mới chưa thưa ông?

Tôi cho rằng các sản phẩm mới ra như phái sinh, bond future, index future hoặc covered warrants, kể cả sản phẩm cấu trúc như ETF sẽ giúp các NĐT có thêm công cụ quản lý rủi ro, tất nhiên khẩu vị đó không phải cho tất cả mọi người. Bond future phần lớn là các nhà giao dịch trái phiếu người ta quan tâm, hơn 80% giao dịch trái phiếu chính phủ đến từ các ngân hàng thương mại, khi người ta mua sản phẩm cơ sở thì phải có sản phẩm phòng vệ bằng forward hoặc future. Còn NĐT cá nhân cũng không thích ETF, người ta vẫn thích hàng ngày giao dịch cổ phiếu, nghe tin nội bộ vỉa hè, doanh thu lợi nhuận 3 tháng 6 tháng vào hàng thoát dễ hơn, cái kia nó phức tạp hơn.

NĐT chuyên nghiệp phải phân ra nhiều công cụ. Về cơ bản, sản phẩm mình đưa ra phải đa chủng loại cho nhiều người nhưng mỗi sản phẩm tùy từng khẩu vị cho nhà đầu tư. Tôi nghĩ các nhà đầu tư sẽ thích sản phẩm Covered warrant, nó giống quyền chọn cổ phiếu nhưng rủi ro ít hơn. Nhà đầu tư Châu Á thích mạo hiểm nhưng khả năng chịu rủi ro rất kém.

Về câu chuyện sử dụng biên độ để điều tiết thị trường, ông cho rằng thời điểm này đã đến lúc nên nâng biên độ không?

Các thị trường khu vực hoặc thị trường mới nổi đều sử dụng biên độ nhưng biên độ của họ rộng hơn từ 15%-30%. Hệ thống khớp lệnh thường sử dụng biên độ nhưng bên cạnh đó họ có hệ thống ngắt mạch tự động có cài đặt tham số. Ở một số thị trường ngắt mạch dựa trên chỉ số như thị trường Mỹ, nếu biến động quá mấy trăm điểm sẽ dừng 30 phút để thị trường bình tĩnh lại.

Cơ chế của mình sử dụng biên độ, chúng ta đã duy trì khá lâu biên độ +-5%, nên mình không cần có hệ thống ngắt mạnh. Bây giờ biên độ đã được điều chỉnh lên 7%, 10%, 15%. Tuy nhiên, trong gói thầu CNTT cho thị trường mới, mình cũng xây dựng gói ngắt mạch tự động.

Theo đánh giá của ông, quy mô thị trường hiện tại đã xứng đáng với tiềm năng chưa?

Tôi cho rằng quy mô thị trường hiện nay chưa phải lớn, quy mô của thị trường phụ thuộc vào chính sách quyết liệt của nhà nước trong vấn đề cổ phần hóa DNNN và đưa lên sàn niêm yết. Vốn hóa thị trường cổ phiếu hiện nay đạt gần 40% GDP, nhưng theo tôi tỷ trọng đó chưa phản ánh đúng bản chất của thị trường. Nếu chúng ta mạnh mẽ trong việc IPO DNNN và thoái vốn trong các DN đã IPO và đưa lên sàn niêm yết thì quy mô vốn hoá thị trường có thể đạt đến 60-70% GDP.

Theo tôi, Chính phủ chỉ nên giữ lại những DN mà tư nhân không thể làm được và có chính sách cho DN phát triển, còn những DN khác nên mạnh dạn IPO và đưa lên sàn giao dịch. Hiện tại các ngành Sữa, Bia không phải cái nhà nước cần nắm giữ, mặc dù nó là siêu lợi nhuận, nhưng cũng nên đấu giá để bán và thu vốn về cho NN đầu tư vào lĩnh vực khác. Qua đó, mới góp phần phát triển doanh nghiệp, tăng cường quản trị công ty và minh bạch trong hoạt động doanh nghiệp.

Chức năng của TTCK là huy động nguồn vốn trung và dài hạn và phân bố vào những nơi hiệu quả. Những DN tốt huy động vốn sẽ dễ dàng, người ta sẵn sàng bán cổ phiếu ở những nơi không hiệu quả để đưa dòng vốn vào nơi hiệu quả.

Ngoài ra cũng cần quyết liệt trong vấn đề buộc DN mới lên sàn. Hiện tại trên thị trường có hơn 20 ngân hàng TMCP đại chúng nhưng trên sàn hiện tại chỉ có dưới 10 ngân hàng niêm yết. Nếu các ngân hàng đều được đưa lên sàn, công khai minh bạch báo cáo tài chính thì những rủi ro hạn chế yếu kém trong quản trị sẽ không dẫn đến câu chuyện rủi ro đổ vỡ như vừa rồi.

Chúng ta có quy định DN dsau IPO bao nhiêu ngày phải lên sàn, nhưng theo tôi chế tài xử lý chưa đủ mạnh để họ phải nghiêm túc thực hiện, nếu phạt tiền vài trăm triệu thì không có ý nghĩa gì.

NĐT chờ đợi gì ở những chính sách mới trong năm 2017 thưa ông?

Năm 2017, VSD sẽ tập trung vào các sản phẩm đã xây dựng: hệ thống CCP cho thị trường phái sinh, hai là vận hành hệ thống trái phiếu thanh toán qua ngân hàng trung ương hoặc những sản phẩm vay trái phiếu Chính phủ để bán. Các sản phẩm đã thiết kế chạy trên nền hệ thống như bán chứng khoán chờ về hoặc rút ngắn chu kỳ thanh toán từ 16h T+2 có thể xuống buổi sáng T+2, tiến tới những sản phẩm mua bán trong ngày hoặc vay để bán. Về dài hạn nghiên cứu triển khai tiếp các sản phẩm như option dựa trên index. Đó là những công cụ sẽ tốt cho thị trường.

Năm 2017, VSD sẽ đưa vào vận hành các sản phẩm đã thiết kế chạy trên nền hệ thống như bán chứng khoán chờ về hoặc rút ngắn chu kỳ thanh toán từ 16h T+2 có thể xuống buổi sáng T+2, tiến tới những sản phẩm mua bán trong ngày hoặc vay để bán.

Nếu có một câu nhắn nhủ với nhà đầu tư thời điểm này, ông sẽ nói gì?

Đây là thời điểm khá tốt với NĐT chứng khoán. Trên thị trường hiện đã có đầy đủ công cụ cho NĐT lựa chọn từ kinh doanh công cụ rào chắn hỗ trợ rủi co, sản phẩm chính thức như cổ phiếu trái phiếu, các sản phẩm cấu trúc như ETF, sản phẩm phòng vê cao cấp hơn là phái sinh.

Thứ hai, Chính phủ quyết liệt cổ phần hóa và thoái vốn đưa một loạt các DN lớn làm ăn tốt hiệu quả lên thị trường, công bố thông tin minh bạch hóa dần tiệm cận thông lệ quốc tế, rào chắn tháo gỡ dòng vốn nước ngoài giúp dòng vốn nước ngoài vào nhiều hơn.. Nâng hạng thị trường sẽ thuận lợi hơn. Đó là điều kiện thuận lợi không chỉ cho các NĐT mà cho tất cả các định chế tài chính trung gian.

NĐT khôn hơn ngày xưa, không bỏ trứng vào một giỏ nên cũng cẩn trọng. NĐT phải cân nhắc đánh giá phán đoán hơn trong vấn đề đầu tư. Thị trường rất khó kiếm tiền nhưng kiếm cũng dễ. Tuy nhiên không còn chuyện từ bà bán rau và chuyên gia đều hưởng lợi như nhau.

Xin cảm ơn ông.

Phương Mai - Linh Lam