|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Ông Nguyễn Khánh Toàn và thương vụ đổi chủ tại KPF

06:30 | 23/06/2024
Chia sẻ
Ngoài dấu ấn tại HVA và KDM, ông Nguyễn Khánh Toàn, người bị cáo buộc liên quan đến đường dây mua “xác doanh nghiệp”, gian dối báo cáo tài chính và thao túng thị trường chứng khoán còn liên quan tới một công ty khác niêm yết trên HOSE.

Ông Nguyễn Khánh Toàn thời điểm trước khi bị bắt tạm giam. Ảnh: FBNV.

Theo báo Công an nhân dân, ngày 2/5, Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Khánh Toàn (sinh năm 1979) về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán" với cổ phiếu KDM. Vụ án vẫn đang được Cơ quan CSĐT Công an quận Long Biên điều tra, mở rộng.

Như đã đề cập trong bài viết trước đó, ngoài liên quan đến vụ án trên, ông Nguyễn Khánh Toàn và bà Mai Lệ Huyền (vợ ông Toàn) từng tham gia giao dịch lượng lớn cổ phiếu HVA.

Sau sự xuất hiện của ông Toàn với vai trò điều hành tại HVA năm 2017, doanh nghiệp đổi tên, đồng thời chuyển hướng từ hoạt động nông nghiệp sang lĩnh vực tiền số, blockchain. Đây là lĩnh vực rất được quan tâm thời điểm đó. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã quan tâm tới chiến lược này. Hệ quả, cổ phiếu HVA trải qua nhiều “sóng” tăng giá bằng lần trong hai năm 2017 – 2018, thậm chí có chuỗi tăng trần hàng chục phiên.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết, ông Nguyễn Khánh Toàn còn hiện diện ở một công ty niêm yết khác trên sàn và hoạt động của cá nhân này còn liên quan đến hệ sinh thái mang tên MCC Group.

Sau khi rời HVA, ông Nguyễn Khánh Toàn trở lại một cách chính thức trên vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị của CTCP Đầu tư tài sản Koji (Mã: KPF). Cổ phiếu KPF niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) tháng 3/2016 với tên công ty là CTCP Tư vấn dự án quốc tế KPF. Năm 2017 đổi tên thành CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh. Tháng 11/2022, công ty một lần nữa thay tên thành CTCP Đầu tư tài sản Koji và giữ tới hiện tại.

Kể từ giữa năm 2022, KPF liên tục chứng kiến những giao dịch lô lớn từ các cá nhân và pháp nhân. Ông Vũ Ngọc Hoàng, Chủ tịch công ty và những người có liên quan bán hết cổ phần. CTCP XNK Đầu tư TM dịch vụ Việt Cam cũng thoái toàn bộ vốn. Bên mua vào là CTCP PAC Quốc tế.

Song hành với việc thay đổi cấu trúc cổ đông, ban lãnh đạo của KPF cũng có sự thay đổi. Trong năm 2023, công ty có hai lần thay đổi Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Tại đại hội đồng cổ đông bất thường tổ chức đầu tháng 8/2023, ông Nguyễn Khánh Toàn được bầu vào hội đồng quản trị và giữ chức chủ tịch nhiệm kỳ 2023 – 2028 thay cho ông Hoàng Văn Hậu. Ông Hậu mới được bầu trước đó không lâu, vào ngày 25/4/2023.

Ngay sau khi tham gia Hội đồng Quản trị, ông Nguyễn Khánh Toàn có hai lần đăng ký mua vào cùng khối lượng 3 triệu cổ phiếu KPF trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11/2023. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này chỉ mua được tổng cộng 260.000 cp (60.000 cp trong lần 1 và 200.000 cp trong lần 2). Lý do được ông Toàn đưa ra khi không mua hết lượng cổ phiếu dự kiến là giá mua chưa khớp.

Theo dõi diễn biến giá giao dịch cho thấy giá cổ phiếu KPF liên tục giảm tạo vùng đáy mới thời điểm đó. Xu hướng đi xuống tiếp tục duy trì, đóng cửa ngày 21/6 ở 3.240 đồng/cp.

Với ông Nguyễn Khánh Toàn, việc vị lãnh đạo này cùng vợ thường xuyên giao dịch lô lớn với những cổ phiếu penny với thị giá “trà đá, cọng hành” không mấy xa lạ với giới đầu tư.

Không lâu sau khi mua vào, ông Nguyễn Khánh Toàn bán toàn bộ số cổ phần trên tại KPF trong khoảng thời gian 8 – 22/3/2024. Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu KPF giao dịch quanh ngưỡng 4.500 đồng/cp. Như vậy, số tiền ông Toàn thu về quanh 1 tỷ đồng.

 Cổ phiếu KPF đang giao dịch ở vùng đáy lịch sử. Ảnh: TradingView.

Ngày 27/5, ông Toàn có đơn xin từ nhiệm thành viên hội đồng quản trị của KPF với lý đo bận công việc cá nhân.

“Tôi xin được ủy quyền cho Thành viên Hội đồng quản trị Nguyễn Quang Huy sẽ tiếp tục thay mặt tôi tham gia các cuộc họp Hội đồng quản trị, cho ý kiến và biểu quyết đối với các vấn đề liên quan đến tôi khi được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt theo quy định của pháp luận và điều lệ công ty”, ông Toàn viết trong đơn từ nhiệm.

Trước đó, ngày 18/5, ông Toàn ký nghị quyết triệu tập đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội được tổ chức ngày 26/6 tới đây với nhiều nội dung trình như công tác nhân sự, hủy bỏ phương án phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, thay đổi trụ sở chính, cho phép Chủ tịch HĐQT mua trên 25% vốn mà không cần phải chào mua công khai.

Liên quan đến công tác nhân sự, ngày 15/6, KPF thông báo danh sách ứng cử thành viên hội đồng quản trị, Ủy ban kiểm toán và Quản trị rủi ro nhiệm kỳ 2023 – 2028 với ba ứng viên gồm ông Lê Như Phong, ông Võ Thái Phong và ông Nguyễn Phi Long.

Trong đó, ông Lê Như Phong (sinh năm 1977) hiện là CEO của Đầu tư AM Holdings, Phó Tổng Giám đốc Quản lý tài sản La Paloma, Giám đốc Ban Pháp chế và Hành chính KPF. Quản lý tài sản La Paloma là công ty nơi ông Nguyễn Khánh Toàn là người đại diện pháp luật.

Thông tin hai ứng viên còn lại, ông Võ Thái Phong (sinh năm 1983) từng là Phó Tổng Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng của Tập đoàn Yeah1 (mã: YEG). Ông Nguyễn Phi Long (sinh năm 1980) từng làm việc tại các ngân hàng như Hàng Hải, An Bình, NCB, hiện là Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán Everest (Mã: EVS) (bổ nhiệm từ tháng 7/2023).

Hoàng Linh