‘Trùm cuối’ đội lái cổ phiếu KDM và dấu ấn của một bóng hồng trong các giao dịch lớn
Vai trò của ông Nguyễn Khánh Toàn trong “đội lái” cổ phiếu KDM và giao dịch lớn của người vợ
Thông tin từ báo Công an nhân dân, ông Nguyễn Khánh Toàn cùng một nhóm đối tượng tìm mua những “xác doanh nghiệp” trên thị trường chứng khoán, sau đó làm gian dối báo cáo tài chính và hoạt động của doanh nghiệp để thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Tiếp đến, nhóm này sử dụng nhiều tài khoản để mua bán nội nhóm, nâng giá cổ phiếu và bán ra thị trường nhằm thu lợi bất chính.
Cụ thể, từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2021, ông Toàn đã chỉ đạo nhân viên Công ty Chứng khoán Trí Việt sử dụng 20 tài khoản để liên tục mua bán mã chứng khoán KDM để tạo cung cầu giả, thu lợi gần 10 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, KDM là mã chứng khoán từng bị thao túng giá giai đoạn từ tháng 3/2016 đến tháng 4/2017. Ông Hoàng Minh Tú (Long Biên) bị xử phạt 550 triệu đồng khi dùng 32 tài khoản để “lái giá” cổ phiếu này.
Giống như phương thức từng được “đội lái” Louis, cầm đầu là ông Đỗ Thành Nhân sử dụng với cổ phiếu BII, KDM liên tục được “thay tên đổi họ”. Tháng 12/2020, công ty đổi tên từ CTCP Đầu tư HP Việt Nam thành Tập đoàn Đầu tư Lê Gia.
Tháng 4/2021, đơn vị này một lần nữa đổi tên thành CTCP Tổng công ty Phát triển khu đô thị Dân cư mới có trụ sở tại một tòa nhà phường Sài Đồng, quận Long Biên. Đây là thời điểm nhà chức trách cáo buộc nhóm của ông Nguyễn Khánh Toàn bắt đầu giai đoạn thao túng giá.
Hơn một năm sau đó, công ty có tên mới là Tập đoàn GCL và duy trì cho đến thời điểm hiện tại.
Về phần cổ phiếu KDM, trong khoảng thời gian cơ quan điều tra xác định có hành vi thao túng giá, công ty liên tiếp xuất hiện những cổ đông lớn là cá nhân như ông Phan Thanh Dũng, bà Mai Lệ Huyền, bà Lê Thị Bích Lan, ông Nguyễn Đình Hùng, bà Đỗ Yến Vy.
Bà Mai Lệ Huyền chính là vợ của ông Nguyễn Khánh Toàn. Tháng 1/2021, bà Mai Lệ Huyền mua thêm gần 2 triệu cổ phiếu KDM, nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty lên 32,82% vốn. Tháng 7/2021, bà Huyền bắt đầu hạ sở hữu từ gần 35% vốn. Lệnh bán tiếp tục được thực hiện sau đó và bà Mai Lệ Huyền không còn là cổ đông lớn từ ngày 6/12/2021.
Sau giai đoạn cổ đông lớn liên tục trao tay đầu năm 2021, thanh khoản cổ phiếu KDM cải thiện rõ rệt về thanh khoản, giá cổ phiếu từ quanh 2.000 đồng tăng lên cao nhất là 12.000 đồng/cp thời điểm cuối năm, tức gấp gần 6 lần.
Song, nhịp tăng giá mạnh nhất của mã này phải kể đến thời điểm tháng 3 và 4 năm 2022 khi chứng khoán Việt Nam bùng nổ. KDM liên tiếp tăng kịch trần đẩy thị giá từ quanh 7.000 đồng/cp lên mức đỉnh 41.000 đồng/cp ngày 14/4/2022. Với tên gọi liên quan đến hoạt động kinh doanh và đầu tư bất động sản, cổ phiếu KDM đã nổi sóng khi đó với nhiều mã khác trong ngành như DIG, CEO, L14, L18.
Kịch bản tương đồng giữa KDM và HVA
Một điểm thú vị đó là việc cổ phiếu hai công ty từng liên quan đến ông Toàn đều chứng kiến nhịp tăng giá phi mã khi ban lãnh đạo “bắt trend” theo thị trường.
Nếu như KDM liên quan đến sóng bất động sản, cổ phiếu HVA - nơi ông Nguyễn Khánh Toàn từng làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc từng nổi sóng năm 2017 theo trend thị trường tiền số, tiền ảo, blockchain bùng nổ thời đó.
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 do CTCP Nông nghiệp xanh Hưng Việt tổ chức cuối tháng 7/2017, ông Nguyễn Khánh Toàn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc. Ít ngày sau, Nông nghiệp xanh đổi tên thành CTCP Đầu tư HVA. Thời điểm cuối năm 2017, bà Mai Lệ Huyền nắm 2,6% vốn HVA.
Trong năm 2017, bên cạnh sự thay đổi về cấu trúc cổ đông, ban lãnh đạo cũng như chiến lược kinh doanh, cổ phiếu HVA nổi sóng với “game” phát hành tăng vốn và công ty tham gia một lĩnh vực rất được quan tâm khi đó là tiền số, blockchain.
Giá cổ phiếu HVA từ quanh 2.000 đồng/cp đầu năm 2017 tăng lên gấp 4 lần, đạt mức đỉnh 8.600 ngày 11/1/2018 với chuỗi 10 phiên trần. Nhịp tăng này được xúc tác bằng thông tin “hot” khi công ty tuyên bố tiến sâu hơn vào thị trường tiền số.
Ngày 1/1/2018, HVA công bố khai trương cổng thông tin khởi nghiệp và gọi vốn cộng đồng FundGo. Theo đó, HVA thực hiện gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) cho dự án "Cho vay ngang hàng trên nền tảng blockchain".
Mục tiêu được ông Nguyễn Khánh Toàn và ban lãnh đạo HVA đưa ra đầy tham vọng là huy động 1.000 tỷ đồng cho dự án này thông qua ICO (phát hành tiền điện tử ra công chúng) năm 2018.
Nếu ICO hoàn tất, HVA sẽ thu lợi nhuận dựa trên hai nguồn, gồm vai trò chủ thể tham gia trên thị trường cho vay và vai trò trung gian kết nối giữa người cho vay - đi vay và thu phí cho quá trình này.
Thậm chí, lãnh đạo HVA từng chia sẻ với cổ đông rằng, năm 2019 sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và cổ phiếu là một bluechip hàng đầu thị trường.
Nhưng hoạt động của HVA không mấy khởi sắc trước khi đổi chủ về nhóm cổ đông liên quan ông Vương Lê Vĩnh Nhân giữa tháng 5/2020. Ngày 30/6/2020, ông Nguyễn Khánh Toàn bị miễn nhiệm thành viên hội đồng quản trị HVA.
Về diễn biến giá cổ phiếu HVA, không chỉ nổi sóng năm 2017, sang năm 2018, mã này nhiều lần xuất hiện những nhịp giảm sâu, tăng sốc. Điển hình là nhịp tăng giá gấp 4 lần trong tháng 7 và 8 cùng năm.
Và không thể thiếu khi đó là những giao dịch lớn của vợ chồng ông Nguyễn Khánh Toàn. Tháng 9/2018, cổ phiếu HVA lao đốc, ông Nguyễn Khánh Toàn công bố không mua cổ phiếu nào trong 1 triệu cổ phần đăng ký. Trước đó, trong tháng 11 và 12/2017, ông Toàn bán toàn bộ 900.000 cp, tương đương 15,93% vốn.
Ngay trước khi ông Vương Lê Vĩnh Nhân xuất hiện với vai trò cổ đông lớn HVA, cùng trong khoảng thời gian ông Toàn đăng ký mua, bà Mai Lệ Huyền đã bán gần hết cổ phần của HVA.