|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Nguyễn Duy Hưng: Sức khỏe nội tại của nền kinh tế mới là nguyên nhân tác động tích cực hay tiêu cực đến TTCK, hơn nhiều chiến tranh thương mại

15:09 | 18/07/2018
Chia sẻ
Theo ông Nguyễn Duy Hưng khả năng hồi phục của thị trường chứng khoán trong nước, sẽ phụ thuộc vào các chỉ số của nền kinh tế.

Thời điểm đầu tháng 4, trước nguy cơ chiến tranh thương mại Trung – Mỹ leo thang, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI đăng đàn Facebook nói về nguy cơ sự kiện này có thể tác động đến Việt Nam.

Ông cho biết: “Gặp 5 bố già phố Wall thì cả 5 người đều tỏ ra lo ngại về diễn biến tương lai gần của thị trường chứng khoán thế giới khi cuộc chiến thương mại Trung Mỹ tiếp tục gia tăng cũng như việc FED tiếp tục nâng lãi suất!

Chắc chắn nếu xảy ra những biến động của thị trường thế giới thì Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng. Thật sự đây đang là giai đoạn rất nhạy cảm!”

Đúng như lời cảnh báo này của ông Hưng, trong vòng 3 tháng sau đó, thị trường chứng khoán Việt Nam bốc hơi khoảng 25%, toàn bộ thành quả tăng trưởng quãng thời gian trước đó đều bay sạch.

ong nguyen duy hung suc khoe noi tai cua nen kinh te moi la nguyen nhan tac dong tich cuc hay tieu cuc den ttck hon nhieu chien tranh thuong mai
Diễn biến VN-Index từ đầu tháng 4 đến nay (VNDirect)

Tuy nhiên đến thời điểm này, quan điểm của ông Nguyễn Duy Hưng về chiến tranh thương mại đã có sự thay đổi.

Theo ông Hưng, mục đích phát động chiến tranh thương mại là nhằm dịch chuyển sức mạnh của quốc gia với phần còn lại của thế giới chứ không phải vì lợi ích kinh tế. Chiến tranh xẩy ra các bên tham chiến đều bị tổn thất, và các nước khác cũng sẽ bị ảnh hưởng theo.

ong nguyen duy hung suc khoe noi tai cua nen kinh te moi la nguyen nhan tac dong tich cuc hay tieu cuc den ttck hon nhieu chien tranh thuong mai
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch CTCP Chứng khoán SSI

“Để theo đuổi cuộc chiến hai bên đều phải bí mật chuẩn bị vũ khí cũng như tìm hiểu vũ khí của đối thủ, phải chuẩn bị đồng minh hay ít nhất phải làm sao để những bên liên quan không trở thành đồng minh của bên kia trong cuộc chiến, kêu gọi được sự đồng lòng ủng hộ của nội bộ trong nước....

Trong khi Trung quốc tiếp tục chuẩn bị lực lượng và tìm kiếm đồng minh, gần đây nhất là ký với Đức cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ và thoả thuận thương mại 20 tỷ Euro, thì Mỹ lại tiếp tục có thêm bất đồng với các đồng minh truyền thống. Tuy nhiên Trung quốc mới là bên hạ giọng và đưa ra đề xuất đàm phán trước.

Khi bên chuẩn bị cho cuộc chiến tốt hơn lại xuống nước đề nghị đàm phán thì theo suy nghĩ cá nhân tôi, chiến tranh sẽ không leo thang nữa, sẽ không còn lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn.”

Ông Hưng cho rằng, hiện nay sức khoẻ nội tại của nền kinh tế trong nước mới là nguyên nhân tác động tích cực hay tiêu cực đến thị trường chứng khoán hơn nhiều ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Khả năng hồi phục của thị trường chứng khoán trong nước, theo ông sẽ phụ thuộc vào các chỉ số của nền kinh tế.

Đồng tình quan điểm của ông Nguyễn Duy Hưng, báo cáo phân tích mới đây của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC) nhận định, ảnh hưởng của tranh chấp thương mại đối với Việt Nam là không lớn.

Các quốc gia như Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất do sản xuất hàng hóa trung gian sang Trung Quốc để tạo thành phẩm xuất khẩu sang Mỹ.

Tuy nhiên nếu như căng thẳng thương mại Trung – Mỹ leo thang và kéo dài, ảnh hưởng gián tiếp đến Việt Nam sẽ là lớn hơn nhiều.

Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại do xuất khẩu giảm, nhu cầu nội tại của nước này cũng suy yếu và theo đó hướng đến tiêu thụ sản lượng tạo ra và giảm nhập khẩu từ các nước khác, bao gồm cả từ Việt Nam.

Rủi ro này là rất rõ ràng đặc biệt khi Việt Nam và Trung Quốc có cơ cấu xuất khẩu giống nhau với tỷ trọng lớn là điện thoại, điện thoại di động và linh kiện, dệt may, máy tính, hàng điện tử, phụ tùng và linh kiện. Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong năm 2017 là 35 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Với lo ngại hàng hóa Trung Quốc có thể chuyển hướng sang các nước khác để tránh mức thuế cao, Mỹ có thể lựa chọn áp thuế cao hơn đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Theo số liệu của OECD và ước tính của HSC, các mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang Mỹ với giá trị hàng hóa trung gian từ Trung Quốc lớn gồm:

Dệt may, sản phẩm may mặc, da và giày dép – mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ: các thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 15,28% hàng dệt may, sản phẩm may mặc, da và giày dép xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Thiết bị điện tử và điện quang: các thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 18,82% thiết bị điện tử và điện quang xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

Sản phẩm hóa chất và khoáng sản phi kim loại: thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 12,05%.

Máy móc và thiết bị: thành phần xuất xứ từ Trung Quốc chiếm khoảng 17,85%.

Gỗ, giấy, sản phẩm từ giấy, in ấn và xuất bản: thành phần xuất xứ Trung Quốc chiếm khoảng 8,81%.

Trên thực tế, các sản phẩm thép gồm thép chống gỉ và thép cán nguội của Việt Nam cũng đã chịu áp thuế vì nguyên nhân trên.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt chiếm 7,8%; 6,9% và 1,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2017. Và xuất khẩu sang 3 nước này cũng lần lượt tăng trưởng 14,9%; 29,9% và 13,3% trong năm 2017.

Nếu tăng trưởng kinh tế của 3 nước này chậm lại, HSC ước tính xuất khẩu của Việt Nam sang ba thị trường này cũng tăng chậm lại với mức tăng trưởng dự báo là 5-10% trong giai đoạn 2019-2020.

Xem thêm

Đông A