Ông Nguyễn Duy Hưng: Đề nghị WB và IFC hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam phát triển theo nguyên tắc thị trường
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN cho rằng những khó khăn hiện tại là một cơ hội để nền kinh tế nói chung và mỗi doanh nghiệp Việt Nam nói riêng hoạch định lại chiến lược tồn tại và phát triển.
Trước đó, Bộ Tài chính đã báo cáo có khả năng từ tháng 7/2017, Việt Nam sẽ không còn được hưởng các điều kiện vay ODA với lãi suất thấp, thời gian vay dài và có ân hạn vì Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình trên thế giới. WB sẽ họp quyết định Việt Nam cùng một số quốc gia khác có còn được vay ưu đãi nữa hay không.
Theo ông Nguyễn Duy Hưng, khi không còn các nguồn vốn giá rẻ cũng sẽ là lúc Nhà nước phải tập trung vào định hướng nguồn lực thay vì huy động và phân bổ nguồn lực. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải dựa vào thị trường để phát triển trên cơ sở nền tảng là tính hiệu quả của dự án thay vì triển khai dự án nhằm nhận được nguồn vốn từ phân bổ nguồn lực của nhà nước.
Quan điểm này của ông Hưng đã được chia sẻ với các thành viên WB cách đây 4 năm. Khi đó, ông Hưng cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi nhận thức tăng trưởng, chuyển từ tăng trưởng dựa vào đầu cơ tài sản sang tăng trưởng dựa vào sản xuất, lưu ý tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu cũng như hàng thay thế nhập khẩu và đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thời điểm đó, rất khó để thuyết phục Chính phủ chấp nhận giảm tăng trưởng để thay đổi cơ cấu tăng trưởng. Nhưng ở thời điểm hiện tại, nguyên tắc này đã được triển khai vào thực tế, việc này rất quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam ổn định hơn, giảm tốc độ nới rộng khoảng cách giàu nghèo qua đấy sẽ giúp ổn định xã hội.
Ông Hưng cho biết, nhìn vào những con số thống kê năm 2016, mặc dù tăng trưởng GDP không đạt, nhưng do tăng trưởng ở những ngành nghề có đông người tham gia đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp thể hiện qua số liệu tăng trưởng xuất khẩu trong ngành này từ 30 tỷ năm 2015 lên 32,3 tỷ năm 2016. Với việc chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng như vậy nên việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng đã không ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, những lĩnh vực tăng trưởng là những lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm và ảnh hưởng tích cực đến tầng lớp người lao động.
Cơ cấu tăng trưởng GDP năm 2016 - Nguồn: Liên Hương, Hải Minh (NDH)
Ông Hưng đề xuất Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp có lợi nhuận do sử dụng hiệu quả tài nguyên và hạn chế các doanh nghiệp đạt được lợi nhuận thông qua sở hữu tài nguyên hoặc lợi thế quyền khai thác tài nguyên. Chỉ như vậy mới xoá bỏ được tình trạng chiếm hữu đất đai, tài nguyên dẫn đến người có thể khai thác hiệu quả thì không được khai thác để mang lại lợi ích chung cho nền kinh tế và xã hội.
Ông Hưng cho rằng, nhà nước nên dùng chính sách ưu đãi thuế thu nhập để định hướng nguồn lực, (ví dụ miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho việc đầu tư vào nông nghiệp...) thay vì ban phát nguồn lực thông qua việc cấp tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề, các dự án cần khuyến khích.
Đây chính là nền tảng để sản phẩm của các doanh nghiệp có thể cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, việc được ưu tiên miễn giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính tái đầu tư và mở rộng quy mô phát triển,giúp doanh nghiệp phát triển mạnh và bền vững. Nếu phát triển nhờ nguồn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, khi nguồn ưu đãi này không còn doanh nghiệp cũng sẽ không thể tồn tại, đấy chưa kể nhiều doanh nghiệp lập dự án chỉ để làm sao được vay nguồn tín dụng ưu đãi chứ không có kế hoạch triển khai hiệu quả dự án.
WB và IFC đang tìm kiếm các đối tác để thực hiện chiến lược 5 năm tới. Sứ mệnh và tiêu chí giải ngân WB và IFC không chỉ dựa trên lợi nhuận nhưng hiệu quả của doanh nghiệp vẫn cần được đặt lên hàng đầu bên cạnh các tiêu chí như sự phát triển bền vững hay những yếu tố nhân văn khác. Ở góc độ của một doanh nghiệp và cũng là đối tác nhiều năm ông Hưng đã đề nghị WB và IFC khi xúc tiến hoạt động lưu ý hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam phát triển theo nguyên tắc thị trường, mọi hỗ trợ phi thị trường kể cả ngắn hạn cũng sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.
Quan điểm của ông Hưng cho rằng 5 năm tới là thời kỳ khó khăn nếu tiếp tục phát triển theo cách mà chúng ta đã đi 10 năm qua khi nhà nước còn các nguồn vốn giá rẻ, nhưng đây là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua để vươn lên tầm cao mới.