Ông Mai Hữu Tín: Phải giết chết thương hiệu Gỗ Trường Thành vì người sáng lập đã gây rất nhiều lỗi với cổ đông
Ông Mai Hữu Tín vốn không phải cái tên xa lạ gì trong giới kinh doanh. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng U&I (U&I Group).
Ông Tín cũng được gọi là vị thủ lĩnh "mát tay" khi giải cứu thành công Giấy Sài Gòn, đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn và làm ăn có lãi trở lại từ năm 2015.
Chia sẻ tại diễn đàn M&A 2019, ông Tín cho biết, ông và các cộng sự đã thực hiện khá nhiều thương vụ M&A, mỗi thương vụ có sự quan tâm khác nhau.
"Nếu thương hiệu tốt, thì chúng tôi tự tin hơn, mạnh dạn đầu tư hơn. Mới đây, chúng tôi chọn Sứ Thiên Thanh sáp nhập vào Gỗ Trường Thành, vì chúng tôi yêu thích thương hiệu có từ 1950. Ít có thương hiệu lâu đời như vậy tại Việt Nam", ông Tín chia sẻ.
Ông Mai Hữu Tín chia sẻ thương vụ Sứ Thiên Thanh sáp nhập vào Gỗ Trường Thành tại Diễn đàn M&A 2019. Ảnh: Báo đầu tư.
Tuy nhiên, có cũng các trường hợp không có được thương hiệu như ý buộc ông phải tìm cách sử dụng thương hiệu tốt hơn.
Chia sẻ thêm về thương vụ M&A mới đây của U&I, ông Mai Hữu Tín cho biết ông rất đau lòng khi nhận ra rằng mua công ty Gỗ Trường Thành là phải giết chết thương hiệu đó, bởi không thể giữ thương hiệu mà người sáng lập đã gây rất nhiều lỗi với cổ đông.
U&I đã dành cả năm tính toán thay đổi tên Trường Thành mà vẫn giữ mã chứng khoán TTF. Cuối cùng, đội ngũ vận hành đưa ra quyết định đổi tên tiếng Anh của TTF là ToTal Furniture Corporation.
Khi đã xác định thay đổi để tạo dựng thương hiệu mới, trong trường hợp này là thương hiệu của doanh nghiệp chứ không phải thương hiệu một sản phẩm cụ thể thì phải xác định sẽ dành cho TTF bao nhiêu nguồn lực, bao nhiêu thời gian để vực dậy.
"Đó là lý do vì sao hiện nay, tôi là người điều hành tại TTF và dành gần như toàn bộ nguồn lực của mình cho nó. Chúng ta không thể làm thương hiệu mà không xác định được tầm nhìn hết sức rõ ràng và từ tầm nhìn đó ra được chiến lược", ông Mai Hữu Tín nói.
U&I đã xác định rõ TTF mới là công ty nội thất đứng hàng đầu châu Á dựa trên ba giá trị cốt lõi là tốc độ, giá trị và sự minh bạch.
Theo ông Tín, thương vụ TTF với sứ Thiên Thanh hứa hẹn chỉ là một trong rất nhiều ví dụ sẽ diễn ra để "biến TTF thành thương hiệu nội thất số 1 Đông Nam Á".
Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu lớn này, ông Tín vẫn còn gặp nhiều khó khăn trước mắt khi TTF ghi nhận lỗ ròng 290,5 tỉ đồng trong nửa đầu năm, riêng công ty mẹ lỗ 285,4 tỉ đồng. Với kết quả kinh doanh kém tích cực, lỗ lũy kế của công ty tăng lên mức 2.408 tỉ đồng.
Cũng tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của TTF mới đây, ông Tín cho biết, việc xử lí tồn đọng trước mắt sẽ khiến các cổ đông cảm thấy công ty thua lỗ lớn nhưng nó sẽ giúp TTF sạch sẽ hoàn toàn từ sau 2019.
Nếu trừ các hoạt động này ra thì hoạt động kinh doanh thuần của TTF vẫn còn lãi (638 tỉ đồng so với 588 tỉ đồng).
Hiện TTF vẫn đang nợ đơn đặt hàng ứng trước hơn 1.400 tỉ đồng từ Vingroup và còn duy nhất một khoản vay ngân hàng là 124 tỉ đồng tại Ngân hàng Đông Á. Tuy nhiên, ông Tín tự tin rằng với nguồn vốn hiện nay, TTF sẽ không cần thiết tăng vốn thêm lần nào nữa.