Doanh nghiệp bất động sản đổ bộ vào Lâm Đồng
Bùng nổ siêu đô thị
Sở hữu nhiều lợi thế về kinh tế, du lịch, văn hoá cộng với quỹ đất còn dồi dào khả năng sinh lời cao,… các tỉnh vùng Tây nguyên, trong đó có Lâm Đồng cũng không nằm ngoài đích nhắm của các doanh nghiệp bất động sản.
Không phải mới đây, vùng đất này mới được các doanh nghiệp lớn chú ý. Trước đó, Him Lam, Văn Phú, Ecopark,... cũng đã chọn Lâm Đồng làm điểm dừng chân tiếp theo. Thời gian sau đó, cuộc "viễn chinh" này có thêm sự xuất hiện của một số cái tên.
Mới đây, CTCP Đầu tư địa ốc Đại Quang Minh (Đại Quang Minh) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý việc nghiên cứu khảo sát, lập ý tưởng thiết kế quy hoạch khu đô thị phía Đông TP Đà Lạt rộng 530 ha. Cụ thể, gồm một phần phường 9 (quy hoạch phân khu A9, B3), phường 11 (quy hoạch phân khu Ca, C2, C3) và phường 12 (khu vực hồ Than Thở).
Hồi tháng 6 vừa qua, Liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh – CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung Group đã có văn bản đề xuất tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án 15.000 ha tại huyện Lâm Hà - Lâm Đồng.
Cụ thể, liên danh này muốn quy hoạch và đầu tư khu đất nói trên thành một "khu đô thị mới tầm cỡ hiện đại, đồng bộ và đa chức năng". Trong đó nổi bật là đô thị kết hợp với khoa học – giáo dục, đô thị hành chính, đô thị nông nghiệp kỹ thuật cao, đô thị sáng tạo, đô thị kết hợp sinh thái – dịch vụ,...
Hay CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland (công ty con của Tập đoàn Ecopark) cũng tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị đường Nguyễn Hoàng và hồ Vạn Kiếp rộng 207 ha.
Dự án được kỳ vọng hình thành một trung tâm thứ hai của TP Đà Lạt và khôi phục khu vực hồ Vạn Kiếp nhằm tạo cảnh quan môi trường của khu vực, làm hồ điều hòa cho khu trung tâm TP.
Trước đó, một số cái tên khá mới trên thị trường bất động sản cũng có ý định đổ bộ vào mảnh đất này. Đơn cử, CTCP Đầu tư Nam Á đề tài trợ lập quy hoạch tỷ lệ 1/500 hai điểm dân cư rộng khoảng 120 ha tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương.
Hay CTCP Đầu tư bất động sản Green Valley xin tài trợ sản phẩm quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo,... quy mô khoảng 250 ha tại phân khu số 10-4, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt.
CTCP Golden City cũng có văn bản đề nghị tìm hiểu quy hoạch, khảo sát tìm kiếm địa điểm đầu tư dự án có diện tích khoảng 165 ha tại đồi Đa Phú, phường 7, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Mục tiêu dự án là tạo lập khu đô thị sinh thái, kết hợp thương mại du lịch nghỉ dưỡng với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ hoàn thiện phát triển kết nối toàn diện cho khu vực; tạo quỹ đất xây dựng nhà ở thương mại, xã hội, thu hút vốn đầu tư.
Hồi tháng 5 vừa qua, CTCP Đầu tư Nhà và Thương mại Hưng Ngân (Hưng Ngân Group) cũng được chấp thuận khảo sát, tài trợ quy hoạch và thực hiện dự án khu đô thị (KĐT) mở rộng Nam sông Đa Nhim.
Dự án có quy mô khoảng 230 ha, trong đó 175 ha thuộc thị trấn Liên Nghĩa, 45 ha còn lại thuộc địa phận xã Phú Hội, huyện Đa Nhim với các hạng mục khu dân cư, trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn,...
Chuyển động mới tại loạt dự án "khủng"
Cùng với sự đổ bộ của nhiều doanh nghiệp địa ốc, nhiều dự án quy mô lớn tại Lâm Đồng cũng đang chứng kiến những chuyển động mới.
Đơn cử, CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) là đơn vị tài trợ lập quy hoạch Khu đô thị Liên Khương - Prenn, huyện Đức Trọng quy mô gần 2.970 ha. Đồ án này được duyệt từ tháng 4/2006 với tính chất là đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt và chia sẻ một số chức năng với TP Đà Lạt.
Siêu dự án do NVL tài trợ dự kiến gồm 4 phân khu chính với khu đô thị sân bay (diện tích khoảng 1.100 - 1.200 ha, tiếp giáp sân bay Liên Khương); khu đô thị trẻ sáng tạo (khoảng 500 ha); khu đô thị nông nghiệp thông minh – kỹ thuật cao (khoảng 800 ha) và khu đô thị sức khỏe (khoảng 500 ha).
Mới đây, thông tin về Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (khu đô thị Nam Đà Lạt) cũng gây chú ý trên thị trường bất động sản khi có sự xuất hiện của ông Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Capella.
Dự án này có quy mô khoảng 3.595 ha có tổng vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh (Sài Gòn - Đại Ninh) làm chủ đầu tư.
Giai đoạn ông Trí về Sài Gòn - Đại Ninh, Khu đô thị Nam Đà Lạt đang bị Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi. Tuy nhiên, đến tháng 6/2021, TTCP bất ngờ rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án này.
Thay vào đó, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cũng vừa có văn bản thống nhất việc sáp nhập ba dự án du lịch (khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu, khu du lịch Đồi Mộng Mơ khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đồi Thống Nhất) theo đề xuất của CTCP Du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng (thành viên thuộc TTC Group) thành quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với tên TTC World Thung Lũng Tình Yêu, tổng diện tích được nâng lên là 220 ha.
Lâm Đồng được quy hoạch để phát triển du lịch - dịch vụ chất lượng cao
Giữa tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội Lâm Đồng hướng đến tăng trưởng nhanh và bền vững với ba trụ cột chính.
Thứ nhất là nông nghiệp hiện đại, Lâm Đồng được định hướng trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.
Thứ hai là trung tâm du lịch - dịch vụ chất lượng cao. Cụ thể, trong thời gian tới sẽ xây dựng TP Đà Lạt thành đô thị thông minh, xanh, trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học.
Thứ ba là phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp thân thiện với môi trường, tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến dược liệu, dược phẩm và thực phẩm chức năng từ sản phẩm nông nghiệp.