|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Kim Jong-un có bất ngờ nào chờ đợi ông Biden?

16:41 | 29/12/2020
Chia sẻ
Nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên có thể đang lên sẵn kế hoạch cho bước đi tiếp theo để đối phó với vị tổng thống mới của nước Mỹ. Không ai biết chính xác ông Kim Jong-un đang toan tính gì, nhưng có những dấu hiệu cho thấy ông sẽ khuấy động tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Kim Jong-un có bất ngờ nào chờ đợi ông Biden? - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Joe Biden và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: ABC News).

Rất nhiều yếu tố đang làm xấu đi triển vọng về mối quan hệ tương lai giữa Washington và Bình Nhưỡng. Trong cuộc tranh luận tổng thống tháng 10, ông Biden gọi nhà lãnh đạo triều tiên là "côn đồ" và chỉ trích Tổng thống Trump vì đã hợp tác với ông Kim Jong-un. Lời chỉ trích trên có sức nặng đặc biệt vì ông Biden đã thắng cử.

Triều Tiên có thể không phải là mối quan tâm hàng đầu của ông Biden. Vị tổng thống mới sẽ phải ưu tiên giải quyết hàng đống rắc rối trong nội bộ Mỹ. Tuy nhiên theo nguồn tin của Nikkei Asia, các trợ lý và chuyên gia đối ngoại của ông Biden đang muốn nhanh chóng tái khởi động các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng về việc giải trừ quân bị.

Triều Tiên được cho là có từ 20 đến 60 đầu đạn hạt nhân. Để phóng các đầu đạn này tới mục tiêu, Triều Tiên đã phát triển tên lửa đạn đạo có đường bay khác thường, khó bị theo dõi và đánh chặn. Trong nửa cuối năm 2017, Triều Tiên liên tục bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới Mỹ.

Những người ủng hộ thực hiện cách tiếp cận mới với Triều Tiên cho biết mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn tình hình trên bán đảo Triều Tiên xấu đi và giảm bớt mối đe dọa trực tiếp tới Mỹ.

Chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bao gồm ba phần: các đầu đạn hạt nhân đã có, hoạt động đang diễn ra và kế hoạch tương lai.

Những người ủng hộ bày tỏ thiện chí tới Bình Nhưỡng lập luận rằng Mỹ nên tạm thời làm ngơ những vũ khí mà Triều Tiên đang sở hữu. Đề xuất đàm phán mới có thể được coi là kế hoạch đóng băng việc phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. 

Theo một cựu quan chức cấp cao Hàn Quốc, chính quyền Biden sẽ theo đuổi công cuộc phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn. Ông nói thêm rằng điều này phù hợp với kiểu đàm phán giải trừ quân bị mà Bình Nhưỡng mong muốn.

Một quan chức chính phủ Triều Tiên nói với tờ Nikkei Asia sau vụ bắn thử tên lửa liên lục địa ICBM: "Chúng tôi hiện có khả năng gây thiệt hại cho thủ đô của Mỹ. Triều Tiên và Mỹ sẽ rút từng quân bài một và tiếp tục đàm phán trên cơ sở bình đẳng với tư cách là các quốc gia hạt nhân về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và thiết lập hòa bình".

Ông Chon Yong-u, cựu cố vấn hàng đầu của tổng thống Hàn Quốc về an ninh quốc gia cho biết các chuyên gia của ông Biden nhận định sẽ rất khó để ngay lập tức phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Do vậy, họ ngả theo phương án "phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn".

"Nhiều khả năng đội ngũ của Biden sẽ tìm cách ngăn cản Triều Tiên phát triển năng lực hạt nhân, rồi sau đó thúc đẩy cắt giảm vũ khí hạt nhân, bắt đầu với những vũ khí đe dọa đất liền Mỹ".

Ông Kim Jong-un có bất ngờ nào chờ đợi ông Biden? - Ảnh 2.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng vào ngày 10/10. (Ảnh: Kyodo).

Khác với Tổng thống Trump, một người xuất thân doanh nhân và thích các thương vụ lớn, ông Biden coi mình là chuyên gia đối ngoại và thường chọn các thỏa thuận nhỏ hơn, cố vấn Chon cho biết.

Câu hỏi đặt ra là cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng thế nào trước một thỏa thuận nhỏ giữa Washington và Triều Tiên. Trung Quốc, quốc gia ủng hộ Triều Tiên và ông Moon Jae-in, vị tổng thống Hàn Quốc quyết tâm cải thiện quan hệ liên Triều nhiều khả năng sẽ hoan nghênh cách tiếp cận này.

Ngược lại, cách tiếp cận từng bước sẽ khiến chính phủ Nhật Bản và những người bảo thủ ở Hàn Quốc không hài lòng vì thỏa thuận tạm thời có thể sẽ cho phép Triều Tiên giữ các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, khiến hai nước nay nằm trong phạm vi tấn công.

Câu hỏi khác là điều gì sẽ thúc đẩy Mỹ và Triều Tiên quay lại bàn đàm phán. Cả ông Biden và ông Kim Jong-un đều ngờ vực lẫn nhau. Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng cũng đặt ra yêu cầu cao, đòi hỏi dỡ bỏ lệnh trừng phạt và chấm dứt các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Sau khi các cuộc thương lượng về phi hạt nhân hóa cuối cùng kết thúc vào tháng 10/2019, Triều Tiên tuyên bố sẽ không quay lại bàn đàm phán trừ khi Mỹ chấm dứt chính sách thù địch đối với nước này.

Mặc dù đã một tháng rưỡi kể từ khi ông Biden thắng cử, cả ông Kim Jong-un và giới truyền thông Triều Tiên đều không đề cập đến kết quả bầu cử tổng thống Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng đang cố gắng tập hợp các quân bài thương lượng trước khi ông Kim Jong-un đưa ra bất kỳ đề xuất kịch tính nào dành cho vị tổng thống Mỹ mới.  

Giới phân tích đang cố đoán xem khi nào ông Kim Jong-un sẽ phá vỡ sự im lặng. Để thăm dò lập trường của ông Biden, dự kiến Bình Nhưỡng sẽ kêu gọi chính quyền Mỹ tiếp theo tôn trọng cam kết chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều năm 2018, bao gồm việc thiết lập quan hệ song phương và vun vén lòng tin lẫn nhau.

Nếu ông Biden không có phản hồi tích cực, Bình Nhưỡng có thể sẽ dùng đến hành động khiêu khích, chẳng hạn như bắn tên lửa đạn đạo.

Các cuộc thử nghiệm là bước cần thiết để biến tên lửa mới thành vũ khí hoạt động. Do đó, chúng có thể buộc các trợ lý của ông Biden dồn tâm trí vào việc khởi động lại đàm phán.

Ông Kim Jong-un có bất ngờ nào chờ đợi ông Biden? - Ảnh 3.

Cuộc diễu hành quân sự của Triều Tiên vào ngày 10/10. (Ảnh: Kyodo).

Tại cuộc họp đảng cầm quyền của Triều Tiên vào cuối năm 2019, ông Kim Jong-un cảnh báo thế giới sẽ chứng kiến "vũ khí chiến lược mới" từ nước này trong tương lai gần. Quan chức Triều Tiên cho biết: "Nhà lãnh đạo tối cao thực hiện những gì ông ấy nói với bất kỳ giá nào".

Bình Nhưỡng có thể bắn thử tên lửa xuyên lục địa ICBM cỡ lớn, hoặc một tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm hiện đang được chế tạo. Triều Tiên cũng có thể tổ chức hoạt động quân sự gần Đường giới hạn phía Bắc để khiêu khích Hàn Quốc.

Nếu Triều Tiên ưu tiên giải quyết các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, COVID-19 và thiệt hại do lũ lụt thì nước này có thể đợi đến tháng 3 năm sau trước khi thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào.

Ông Kim Jong-un có thể sẽ gửi thông điệp tới Mỹ trong bài phát biểu trước đại hội đảng cầm quyền ở Bình Nhưỡng vào đầu năm tới, cung cấp manh mối cho cuộc đối đầu tiếp theo.

Giang