|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông Hoàng Nam Tiến: Doanh nghiệp cũng cần vắc xin để tạo kháng thể, các công ty sẽ bùng nổ trở lại sau thời gian bị nén lò xo

07:29 | 16/10/2021
Chia sẻ
"Những gì không giết được chúng ta sẽ làm chúng ta mạnh mẽ hơn”, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom chia sẻ.

Tại tọa đàm "Mặt trời ló dạng nơi đâu" do Hội doanh nhân trẻ TP HCM (YBA) kết hợp Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) tổ chức tối 14/10, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom đã có những chia sẻ dự báo về tình hình các doanh nghiệp sau đại dịch.

Tự nhận mình là người lạc quan, nhưng ông Hoàng Nam Tiến cho hay, ảnh hưởng của COVID-19 lên các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua là khá nặng nề vì thời gian nhập thiết bị rất chậm, tăng gấp đôi thời gian.

Chưa kể, dịch bệnh khiến các chuyên gia cao cấp không vào Việt Nam vì chi phí tăng cao và buộc phải cách ly. Theo ông Tiến, các công ty FDI chuyển các hoạt động qua nước khác, tạm dừng các điều khoản hợp đồng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong nước. Ông Tiến đánh giá Việt Nam xảy ra tình trạng "trên thông nhưng dưới tắc". Quyết định Nhà nước ban hành dù quyết liệt, mạnh mẽ nhưng theo sau đó là nhiều chính sách, "giấy phép con" của mỗi địa phương. Thiếu hụt lực lượng lao động cũng là nỗi lo của vị chủ tịch, sinh viên mới ra trường cần thực tập để học hỏi nhưng lại phải ngồi nhà, làm việc online.

Tuy nhiên, trước những khó khăn đó, ông Tiến cũng nhận thấy nhiều tia hy vọng khi Việt Nam dần gỡ bỏ các lệnh hạn chế, độ phủ vắc xin COVID-19 đang tăng lên và bày tỏ lạc quan về một tương lai có ánh mặt trời chiếu sáng lên tất cả các ngành nghề.

Chủ tịch FPT Telecom: Những gì không giết được chúng ta sẽ làm chúng ta mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp sẽ bật ra sau thời gian dài 'lò xo nén' - Ảnh 1.

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom. (Ảnh: FPT).

Doanh nghiệp bị nén chặt sẽ bật ra và bùng nổ nhanh

Theo thống kê, tại Việt Nam, có 69% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, 16% doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chỉ có 15% hoạt động bình thường. Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cho biết FPT thuộc 15% số doanh nghiệp hoạt động như trước đại dịch và hiện tại đang là “doanh nghiệp chiến đấu”.

Cụ thể, ông Tiến cho hay đội ngũ FPT Telecom phải làm việc nhiều hơn, giải quyết nhiều bài toán khó khăn hơn, thay vì chuyển sang trạng thái “ngủ đông” như phần lớn các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành du lịch, hàng không, nhà hàng - khách sạn. 

"Những gì không giết được chúng ta sẽ làm chúng ta mạnh mẽ hơn”, ông Tiến nói về tương lai của các doanh nghiệp sau đại dịch. Lý giải cho điều này, ông Tiến cho biết khoảng thời gian 4 đến 12 tuần sắp tới được xem là “lò xo nén”, 85% số doanh nghiệp bị nén chặt lại trong dịch sẽ bắt đầu bật ra và bùng nổ rất nhanh. 

Trên thực tế, đại dịch COVID-19 không hạ gục được cộng đồng doanh nghiệp Việt, vì vậy, Chủ tịch FPT Telecom lạc quan rằng “mặt trời” sẽ chiếu sáng tất cả các ngành nghề sau đại dịch.

Kháng thể để doanh nghiệp chuyển mình sau dịch

Chủ tịch FPT Telecom cũng rút ra được 4 trọng điểm để doanh nghiệp có thể chuyển mình sau đại dịch:

Ở bối cảnh hiện tại, việc chuyển từ quản trị doanh nghiệp qua chỉ huy doanh nghiệp là rất quan trọng. Ông Hoàng Nam Tiến cho rằng hiện doanh nghiệp Việt không có thời gian chờ nhiều nữa nên các mệnh lệnh, chỉ đạo hệ thống cần thay đổi ngay.

"Doanh nghiệp nào ứng dụng công nghệ sẽ nhanh chóng trở thành doanh nghiệp xanh để ứng phó với dịch", ông Tiến nói về cái được gọi là vắc xin công nghệ. Chủ tịch FPT Telecom cho biết doanh nghiệp cũng cần được tiêm vắc xin giống người dân. 

Theo ông Tiến, FPT đang triển khai Chương trình FPT eCovax với kỳ vọng giúp các doanh nghiệp bổ sung "kháng thể" cần thiết để tăng cường hệ miễn dịch trong quản trị, vận hành, kinh doanh, bán hàng… hướng tới doanh nghiệp xanh. Các giải pháp số này sẽ giúp doanh nghiệp tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn trong bình thường mới, duy trì kháng thể cho doanh nghiệp lâu dài.

Bên cạnh đó, Chủ tịch FPT Telecom cũng đề cao văn hóa doanh nghiệp. Ông Tiến cho biết khi một doanh nghiệp từ ông chủ đến người công nhân đều cùng làm việc với nhau, hỗ trợ nhau thì sẽ hoạt động tốt dù trong hoàn cảnh nào. Theo vị chủ tịch, FPT thời điểm đỉnh dịch đã có lúc 1000 nhân viên trên tổng số 1600 nhân viên ở TP HCM là F1 nhưng vẫn có thể hoạt động thay vì ngưng trệ.

Cuối cùng cũng là quan trọng nhất, người lãnh đạo phải là người biết nhìn xa trông rộng, có năng lực nhìn thấy tương lai và lèo lái con thuyền doanh nghiệp đi đúng đường.

Đối với Chủ tịch FPT Telecom, quá trình công nghệ hoá trong doanh nghiệp là điều tối quan trọng, “Chúng ta phải xây dựng được hệ sinh thái cho doanh nghiệp. Không chỉ bán lẻ, sản xuất, phân phối, viễn thông, tài chính. Người dẫn đầu doanh nghiệp phải có tư duy doanh nhân đặc biệt. Phải có lòng tin sắt đá là mình sẽ làm được mọi việc. Ai ứng dụng công nghệ tốt hơn, người đó sẽ chắc thắng.”

Dù là một doanh nghiệp công nghệ, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Telecom cũng rất đề cao trải nghiệm khách hàng.Ông Tiến lấy ví dụ thông qua một món ăn bình dân như món bún ốc cũng có thể tạo ra trải nghiệm khách hàng xuất sắc. Do vậy, dịch vụ khách hàng chính là giải pháp cho các doanh nghiệp.

“Chúng ta không bán sản phẩm, mà chúng ta bán trải nghiệm mua hàng. Không quan trọng sản phẩm, mà là trải nghiệm của khách hàng khi mua sản phẩm đó. Ví dụ ngành hàng trang sức, hình thức mua bán online không thể thay thế được hình thức mua bán offline, vì trải nghiệm khách hàng rất đặc biệt. Nó cá nhân hóa được khách hàng", ông Tiến nói.

Thùy Trang