|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Phó TGĐ Nova Group ví khó khăn chỉ là những khúc cua trên đường đua F1, hé mở về 'vắc xin' quan trọng của tập đoàn

15:00 | 15/10/2021
Chia sẻ
Theo Phó Tổng Giám đốc Nova Group, "các doanh nghiệp sẽ vượt nhau ở những khúc cua chứ không vượt nhau ở những khúc đường thẳng. COVID-19 hay những khó khăn đã và sẽ diễn ra là những khúc cua để doanh nghiệp lớn nắm bắt cơ hội vươn lên".

Khó khăn chỉ là những khúc cua trên đường đua F1

Chia sẻ tại hội thảo "M&A thời đại dịch: Lớn mạnh cùng chuỗi giá trị" sáng ngày 15/10, ông Nguyễn Thái Phiên, Phó tổng giám đốc Nova Group ví von "khó khăn chỉ là những khúc cua trên đường đua F1. Tại đó, các doanh nghiệp sẽ vượt nhau ở những khúc cua chứ không vượt nhau ở những khúc đường thẳng. COVID-19 hay những khó khăn đã và sẽ diễn ra là những khúc cua để doanh nghiệp lớn nắm bắt cơ hội vươn lên". 

Phó TGĐ Nova Group ví khó khăn chỉ là những khúc cua trên đường đua F1, hé mở về 'vắc xin' quan trọng của tập đoàn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó Tổng Giám đốc Nova Group. (Ảnh chụp màn hình).

Đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), ông Phiên cho rằng họ cũng có những khó khăn nhất định về quy mô, tệp khách hàng, sản phẩm chưa hoàn thiện, đội ngũ con người, hệ thống, Thậm chí trong giai đoạn CODID-19 vừa qua, nhiều SME muốn thay đổi chiến lược, từ bỏ mảng kinh doanh hiện hữu. Điều này mở ra hướng đi cộng sinh với các doanh nghiệp lớn hơn.

Nói về thời điểm doanh nghiệp thực hiện M&A, ông Phiên cho biết các doanh chủ lớn ở Việt Nam sau thời gian tích lũy tư bản, trách nhiệm xã hội của họ cũng lớn hơn rất nhiều. Trách nhiệm ở đây không phải câu chuyện từ thiện mà tạo ra cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đủ lớn mạnh hơn và đủ sức cạnh tranh.

Các doanh chủ lớn không thể tự làm tất cả các ngành, không thể giành quá nhiều thời gian vào những ngành nhỏ mà chỉ có thể đưa nguồn lực (vốn, nhân sự,…) vào để hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó TGĐ Nova Group

"Đội tuyển bóng đá Việt Nam vào được vòng 3 World Cup nhưng nền tảng của bóng đá chuyên nghiệp là bóng đá phong trào - tức là hàng trăm, hàng nghìn SME - nền tảng, sự vững bền của nền kinh tế. Nếu các doanh nghiệp lớn hay nhà làm chính sách không đặt trọng tâm vào SME thì nền kinh tế sẽ yếu vì không thể chỉ dựa vào vài doanh nghiệp lớn", Phó TGĐ Nova Group ví von.

Ngược lại, ông Phiên cho rằng các SME muốn phát triển bền vững hơn, tồn tại trường tồn hơn thì phải cộng sinh với doanh nghiệp lớn. Đây là câu chuyện hai chiều.

Chiến lược "1+1=3" của Nova Group và hình hài hệ sinh thái đến năm 2030

Theo Phó TGĐ Nova Group, mặt trái của việc đa ngành dễ dẫn đến phân tán lực lượng, thiếu sự tập trung. Câu chuyện đa ngành cũng phải tùy thời điểm, nếu nguồn lực hữu hạn mà phát triển đa ngành nhiều khi đó lại là cái bẫy hơn là cơ hội.

Do vậy, Nova Group hay các doanh nghiệp lớn trên thị trường đều nhận ra rằng không thể đơn lẻ một ngành mà phải dịch chuyển dần và gắn sâu vào chuỗi giá trị (thương mại, dịch vụ, sản xuất, công nghiệp, công nghệ…), tạo lực đẩy cho chính doanh nghiệp. Đó là lý do Nova Group xây dựng hệ sinh thái "ba khoang" gồm Novaland Group, Nova Consumer Group và Nova Service Group.

Trong đó, Novaland Group là một phần chủ lực của Nova Group. Ông Bùi Xuân Huy, Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, Mã: NVL) chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tập trung nguồn lực để tìm kiếm, M&A các quỹ đất có vị trí đẹp, quy mô lớn tại các tỉnh thành có tiềm năng phát triển du lịch và đang cần các tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển cùng địa phương".

Chia sẻ thêm về mục tiêu phát triển của Novaland, ông Nguyễn Thành Phương, Giám đốc Khối đầu tư Novaland cho biết, "chúng tôi đặt mục tiêu có 50 khu đô thị tại 30 tỉnh, thành có tiềm năng du lịch. M&A chính là công cụ để chúng tôi đạt được mục tiêu phát triển nhanh nhất".

Về Nova Consumer Group, ông Phiên cho biết thị trường biết nhiều đến Novaland hơn là Nova Consumer nhưng thực tế mảnh ghép này được tạo nên từ nền tảng Anova Corp ra đời từ năm 1992, hoạt động ở lĩnh vực thuốc thú y, vắc xin, thức ăn chăn nuôi. Để đáp ứng nhu cầu phát triển, nhà sáng lập quyết định dấn thân vào 2F còn lại gồm Farm và Food, dấn thân vào FMCG (ngành hàng tiêu dùng). Theo kế hoạch, Nova Consumer Group sẽ được niêm yết vào cuối năm nay. 

Ông Tôn Thất Đề, Tổng Giám đốc Nova Consumer cho biết thêm: "Chúng tôi đã chuẩn bị kế hoạch 5 năm rất rõ ràng, phát triển mảng cốt lỏi nông nghiệp và bắt đầu phát triển mảng tiêu dùng. Với lợi thế mảng nông nghiệp 29 năm từ Anova Corp, chúng tôi tiếp tục phát triển mảng tiêu dùng lớn. Trong quá trình đó, chúng tôi sẽ hợp tác hoặc thực hiện các thương vụ M&A".

Còn Nova Service Group được bắt đầu từ ý tưởng kinh doanh nhỏ: Để xây dựng được một đại đô thị cần có những dịch vụ bám rễ hơn với khách hàng (giáo dục, y tế, F&B,…).

"Các nhà sáng lập của Nova Group xây dựng các khoang rất rõ ràng, các bên làm việc độc lập (quản trị, nhân sự, tài chính,…), khi có cơ hội mới thực hiện bán chéo. Ngoài BĐS, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp - hàng tiêu dùng, sắp tới Nova Group chính thức tham gia vào công nghệ thông tin.

Sau 30 năm phát triển, doanh nghiệp giống như một cơ thể quá ì ạch, tập quán làm việc không thay đổi thì cơ thể có rất nhiều mỡ thừa. Như nhiều tập đoàn lớn khác, chúng tôi xác định vắc xin quan trọng của Nova là công nghệ để giảm lượng mỡ thừa trong người, giúp sự xoay chuyển tình thế ở các khúc cua trong tương lai gọn gàng, linh hoạt hơn. Cơ thể càng lớn, sự xoay chuyển càng chậm chạp", ông Phiên chia sẻ thêm về kế hoạch tham gia mảng công nghệ của Nova Group.

Nguyên Ngọc

ĐHĐCĐ Vincom Retail: Lãi 1.080 tỷ đồng trong quý I, lãnh đạo khẳng định không đổi tên khi xuất hiện cổ đông mới
Năm 2024, ban lãnh đạo Vincom Retail trình cổ đông kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần hoạt động sản xuất kinh doanh khoảng 9.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 4.420 tỷ đồng.